Vụ 'giấy phép con' ở Bộ GDĐT: TƯ cử đi học vẫn phải công nhận lại

Ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng quy định công nhận lại văn bằng cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam của Bộ GDĐT có những điểm chưa hợp lý, làm khó người học, làm khó địa phương.

Dân Việt đã có loạt bài phản ánh những điểm bất cập, vô lý trong quy định công nhận văn bằng cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Quy định này được cho là có nhiều điểm rườm rà, gây khó cho người dân.

Xung quanh vấn đề này, Dân Việt ghi nhận ý kiến của những cán bộ ở TP Đà Nẵng đã có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tổ chức và nhìn thấy những bất cập của quy định này.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết: "Tôi đã làm công tác tổ chức, cán bộ hơn 20 năm nay, tôi thấy quy định công nhận văn bằng do các cơ sở nước ngoài cấp cho người Việt Nam đối với một số trường hợp là cần thiết.

Thực tế đã có những bài học xương máu khi nhiều cán bộ, công chức (thậm chí cán bộ, công chức giữ chức vụ cao) đã sử dụng văn bằng kém chất lượng vi phạm các quy chuẩn về cán bộ, công chức".

Nhiều người cho rằng, quy định này là một loại "giấy phép con" đang tồn tại ở Bộ GD&ĐT. Ảnh: T.H

Hiện nay, Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm việc công nhận văn bằng. Khi văn bằng được công nhận, nghĩa là văn bằng đó khẳng định là văn bằng tương đương với trình độ đào tạo theo hệ thống giáo dục Việt Nam (trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).

Tuy nhiên, theo ông Chiến có nhiều trường hợp không nhất thiết phải làm thủ tục công nhận văn bằng như những người đi học ở nước ngoài từ khoảng 15 năm về trước, phần lớn đều được Nhà nước cử đi và học tại các cơ sở đào tạo tốt nên không cần thiết phải công nhận đối với những văn bằng được cấp thời đó trở về trước.

"Hay một số vị trí việc làm trong khu vực công hoặc tư, nếu lấy thực tài làm chuẩn sẽ có những tiêu chí có khả năng và được đánh giá chính xác đảm bảo theo đúng khung năng lực của vị trí đó. Khi đó, không nhất thiết phải yêu cầu người ta công nhận văn bằng" - ông Chiến nói.

Ngoài ra, các văn bằng được cấp bởi các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 1.000 các trường đại học đứng đầu thế giới do các tổ chức có uy tín xếp hạng như The Times Higher Education World University Rankings; QS World University Rankings; The Academic Ranking of World Universities - Shanghai Jiao Tong University…, theo ông Chiến cũng không cần thiết phải làm thủ tục công nhận lại.

“Việc yêu cầu phải trình văn bằng được công nhận xuất phát từ yêu cầu của người sử dụng lao động. Tôi chỉ mong muốn là thủ tục công nhận văn bằng cần đơn giản hóa, bỏ đi những thủ tục rườm rà, vô lý. Đặc biệt Bộ Giáo dục Đào tạo cần đưa thủ tục hành chính này thành dịch vụ công trực tuyến mức 3,4 để thuận tiện cho người có nhu cầu được công nhận văn bằng”, ông Chiến kiến nghị thêm.

Còn ông Nguyễn Hữu Lợi - Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng, quy định công nhận lại văn bằng do các cơ sở nước ngoài cấp cho người Việt Nam là có lý đối với một số trường hợp cần rà soát lại.

Tuy nhiên đối với nhiều trường hợp được Nhà nước, cơ quan cử đi học, có địa chỉ đàng hoàng thời gian, thủ tục công nhận lại văn bằng kéo dài đến 3 - 4 tháng là quá lâu, gây khó cho địa phương. Đơn cử như Đà Nẵng vừa triển khai cho một số cán bộ muốn thi vào vị trí các chức danh. Tuy nhiên lại phải chờ công nhận lại văn bằng có thực hay không và thời gian quá lâu lại mất cơ hội của họ.

Nếu văn bằng chưa được Bộ GDĐT công nhận thì không đủ chuẩn, như vậy sẽ không vào diện Ban Thành ủy quản lý được. Kể cả những trường do Bộ cử đi, liên kết đào tạo cũng bắt những người học phải công nhận lại văn bằng là không cần thiết.

Tháng 4.2018, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở Nội vụ liên hệ với Cục quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm thủ tục công nhận văn bằng cho các học viên thuộc Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài.

Đà Nẵng đã có hơn 214 lượt học viên tốt nghiệp theo Đề án kể trên và được bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Học viên Đề án được cử đi đào tạo theo chương trình và tại các cơ sở đào tạo nước ngoài do thành phố quyết định. Tuy nhiên, các học viên sau khi đi học về vẫn phải làm thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài. Văn bằng sau khi được công nhận mới được coi là căn cứ để xác nhận trình độ đào tạo của người có văn bằng.

“Bộ GDĐT cần lên danh mục những trường nào được nghiễm nhiên công nhận sẽ đỡ tốn kém hơn cho người học, cho các cơ quan tổ chức. Như những trường hợp đi theo đề án do Trung ương chọn lựa cử đi học, địa chỉ học chuẩn cũng được chỉ định nhưng vẫn phải bắt công nhận lại, như vậy không cần thiết”, ông Lợi nói thêm.

Kim Oanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/vu-giay-phep-con-o-bo-gddt-tu-cu-di-hoc-van-phai-cong-nhan-lai-945769.html