Vụ 'giáo viên bị quỳ gối: Dấu hiệu hành vi làm nhục người khác

Vụ việc giáo viên buộc phải quỳ gối suốt 40 phút trước mặt phụ huynh đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, bởi truyền thống 'tôn sư trọng đạo' của dân tộc bị chà đạp.

Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) nơi xảy ra sự việc cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh gây xôn xao dư luận.

Còn đâu “tôn sư trọng đạo”?

Trao đổi với Tiền Phong ngày 6/3, TS Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TPHCM cho rằng, vụ việc cô giáo quỳ gối xin lỗi trước mặt phụ huynh cần có cái nhìn đa chiều. “Theo tôi, về phía giáo viên, cô N. làm học trò sợ không dám đến lớp là phương pháp phản sư phạm. Điều đó cho thấy cô N. còn thiếu kinh nghiệm... Trong khi đó, các phụ huynh kia bắt giáo viên phải quỳ là không tôn trọng giáo viên và rộng hơn là không tôn trọng người thầy. Ông bà có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Có thể phụ huynh này nóng nảy, mất bình tĩnh song như thế là không chấp nhận được”, TS Thúy nêu quan điểm.

Theo TS Thúy, đây là sự việc đau lòng với không chỉ cô N. mà còn với ngành giáo dục, rộng hơn nữa là với xã hội bởi đâu rồi truyền thống tôn sư trọng đạo. “Chuyện gì đang xảy ra với ngành giáo dục, phải chăng nhà giáo, phụ huynh và học sinh không còn tôn trọng lẫn nhau? Hệ thống giáo dục đang xuống cấp trầm trọng?”, TS Thúy đặt câu hỏi.

Trong khi đó, một luật sư của đoàn luật sư TPHCM cho biết, hành động của phụ huynh vào trường tìm gặp để làm áp lực bắt cô giáo phải quỳ gối trước nhiều người là có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. “Đây là hành vi cấu thành tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015”, luật sư này nói.

Nên xem xét trách nhiệm phụ huynh

Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng: “Hành vi buộc người khác quỳ gối trong vụ việc là có dấu hiệu làm nhục, hành hạ người khác”. Theo ông Hiểu, nếu cô giáo có hình thức xử phạt với học sinh không đúng thì phụ huynh làm việc với cô giáo, nhà trường để giải quyết theo hướng khác. Ở đây, phụ huynh vì bức xúc mà yêu cầu cô giáo quỳ gối là không được phép. “Điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm nhà giáo, làm mất đi hình ảnh đẹp của nhà giáo trong mắt học sinh, phụ huynh và xã hội. Vì vậy, nếu vụ việc đúng như phản ánh, cần xem xét trách nhiệm của phụ huynh này”, ông Hiểu nói. Cơ quan chức năng có thể yêu cầu bồi thường nhân phẩm, danh dự của cô giáo.

Ngoài ra, theo ông Hiểu, xét về mặt đạo lý, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam không dừng lại ở người học mà rộng ra là cả phụ huynh, xã hội. Vì vậy, khi phụ huynh còn gửi gắm con cho thầy cô giáo dục mà có hành vi làm nhục, hành hạ ngược lại là không chấp nhận được.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Tiệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Long An đã cho rằng, nếu các bên bình tĩnh, lắng nghe để có hướng giải quyết thì sự việc đã không đáng tiếc như vậy. Vụ việc cũng là bài học cho việc ứng xử, xứ lý tình huống sư phạm trong nhà trường và cách ứng xử giữa nhà trường, phụ huynh, học sinh.

Về phía Bộ GD&ĐT, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: “Nếu giáo viên sai so với quy định thì phải nhận trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bất kể hình thức nào mà làm nhục, xúc phạm danh dự, nghề nghiệp của người giáo viên cũng là vi phạm nhân quyền và cần phải lên án, thậm chí có hình thức xử lý nếu như vi phạm pháp luật”. Cũng theo ông Minh, sau khi xác minh sự việc, Bộ GD&ĐT sẽ đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý.

Nguyễn Dũng - Nguyễn Hà

Nguồn PL&XH: https://www.tienphong.vn/giao-duc/vu-giao-vien-bi-quy-goi-dau-hieu-hanh-vi-lam-nhuc-nguoi-khac-1247722.tpo