Vụ gian lận thi THPT quốc gia: sẽ trả về điểm thi thật

Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cho biết trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia vừa qua, sẽ phải làm rõ điểm gốc bài thi và điểm sửa để trả về điểm thi thật cho thí sinh.

Ba bị can trong vụ sửa điểm thi THPT quốc gia ở Hòa Bình, từ trái sang: Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Khắc Tuấn, Đỗ Mạnh Tuấn - Ảnh: CQĐT

Ba bị can trong vụ sửa điểm thi THPT quốc gia ở Hòa Bình, từ trái sang: Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Khắc Tuấn, Đỗ Mạnh Tuấn - Ảnh: CQĐT

Ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Theo đó có 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh bị can thiệp tẩy xóa để nâng điểm.

Việc sửa bài thi, nâng điểm này liên quan đến kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Vậy khi sự việc đã được "lôi ra ánh sáng", số thí sinh được nâng điểm đã được xác định rõ ràng thì kết quả xét tuyển đại học đã có liệu có thay đổi? Những sinh viên "ngồi nhầm chỗ" này được xử lý ra sao?

Một cán bộ có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cho biết trong vụ gian lận này, sẽ phải làm rõ điểm gốc bài thi và điểm sửa để trả về điểm thi thật cho thí sinh.

Trong khi đó, các trường đại học cho biết đang chờ thông báo của Bộ GD-ĐT hoặc chờ điểm thi thật của thí sinh các tỉnh xảy ra gian lận cập nhật lên hệ thống để có phương án xử lý phù hợp.

Nhiều trường khẳng định nếu sau khi điểm thi được cập nhật có sự thay đổi, các trường sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Nếu thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng điểm cập nhật sau đó bị giảm không đạt điểm chuẩn vào trường thì sẽ không công nhận trúng tuyển.

Trong kỳ xét tuyển đại học 2018, thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La đặc biệt có tỉ lệ trúng tuyển tương đối cao ở một số trường công an, quân đội.

Thông tin từ một số trường quân đội cho biết thực tế trước khi gian lận tại Hòa Bình, Sơn La được dần sáng tỏ, ngay trong thời gian nhập học quan trọng, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao (thậm chí thủ khoa đầu vào), là thí sinh của địa phương này đã không xuất hiện tại trường để hoàn tất thủ tục và chủ động... không nhập học nữa.

Đặc biệt, có trường quân đội cũng đã phát hiện thí sinh điểm ở tốp đầu của trường đến từ Hòa Bình nhưng gian lận, không trung thực trong hồ sơ nên đã trả về địa phương.

Nhiều bài thi môn ngữ văn cũng bị sửa chữa?

Trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Cơ quan An ninh đã chuyển kết luận điều tra sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 3 bị can: Nguyễn Quang Vinh, nguyên trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.

Cả ba bị can cùng bị đề nghị truy tố về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ngoài 140 bài thi trắc nghiệm, theo kết luận điều tra, Đỗ Mạnh Tuấn còn khai nhận đã được Vinh chỉ đạo làm "sinh phách" (mã hóa số báo danh của thí sinh từ phần mềm quản lý thi) chấm thi tự luận môn ngữ văn, mặc dù Tuấn không có nhiệm vụ. Thông qua đó, Tuấn đã tập hợp và đưa lại cho Vinh danh sách các thí sinh cần nâng điểm thi môn ngữ văn để Vinh chỉ đạo, xử lý. Theo kết quả chấm thẩm định bài thi tự luận môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT, có 22 bài thi được chấm chênh lệch điểm từ 1,25 đến 4,75.

Tuy nhiên, quá trình điều tra đến nay, Cơ quan ANĐT chưa có đủ căn cứ kết luận các cá nhân liên quan có dấu hiệu sai phạm trong việc can thiệp, nâng điểm thi tự luận môn ngữ văn. Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT cũng xem xét trách nhiệm đối với những người có quan hệ, nhờ các bị can can thiệp nâng điểm thi, trách nhiệm của thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi THPT của tỉnh và các thành viên còn lại của Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên chưa có căn cứ để xử lý trong vụ án.

THÂN HOÀNG - NGỌC HÀ (TTO)

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/newsdetails/1d3fe1911fa/vu_gian_lan_thi_thpt_quoc_gia_se_tra_ve_diem_thi_that.aspx