Vụ gian lận thi cử ở Sơn La: 'Một tỷ mà thay đổi được nhân cách con người thì thật là tồi tệ'

Vụ việc gian lận điểm thi ở Sơn La tiếp tục gây chấn động dư luận, trong đó, cơ quan điều tra cho biết, 'chi phí' giúp rút bài sửa nâng điểm có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp 'giá' là một tỷ đồng. Việc dùng tiền để đổi điểm sẽ gây ra hệ lụy gì?

Liên quan đến vụ việc nóng gây xôn xao dư luận, bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của một số ĐBQH xoay quanh vấn đề này.

Xác định đối tượng cán bộ... "nhạy cảm"

Nói về 8 trường hợp sai phạm chủ yếu là cán bộ vừa được VKSND tỉnh Sơn La thông tin trong vụ gian lận thi cử, ĐBQH Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: "Tôi cho rằng, việc quản lý cán bộ đã có phân cấp, những đối tượng cán bộ đó thì đầu tiên về cấp ủy, chính quyền phải có trách nhiệm quản lý. Phải có theo dõi, kiểm tra đánh giá hàng năm. Cần phải xác định vùng nhạy cảm, đối tượng cán bộ nhạy cảm để có những biện pháp, cách thức khác nhau.

Trước đây, những vùng nhạy cảm là tài chính, ngân sách, đất đai và tài nguyên khoáng sản nhưng bây giờ len lỏi thêm cả trong giáo dục thì rõ ràng cấp ủy phải có hướng dẫn, có những dự báo xác định rằng những tiêu cực, vi phạm của cán bộ bây giờ không còn nằm ở một số ngành nghề nhất định mà có thể nằm ở bất kỳ ngành nghề nào”.

ĐBQH Phan Viết Lượng cho rằng cần phải xác định vùng nhạy cảm, đối tượng cán bộ nhạy cảm.

ĐBQH Phan Viết Lượng cho rằng cần phải xác định vùng nhạy cảm, đối tượng cán bộ nhạy cảm.

Qua thông tin trên báo chí, vị phó giám đốc sở GD&ĐT nói ông được chính Giám đốc “nhờ” sửa bài nâng điểm cho 8 thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. Thế nhưng, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Sơn La trả lời không có chuyện đó, thậm chí có thái độ rất bực mình.

Nói về điều này, ĐBQH Phan Viết Lượng cho biết: “Việc có đình chỉ vị giám đốc sở hay không cần căn cứ vào luật. Còn tôi nghĩ, việc giám đốc ấy phản ứng gay gắt như vậy là bình thường nếu như bị người khác đổ lỗi. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương khác hoặc nhiều vụ việc khác ta thấy rằng, có những người sau này bị truy tố thì trước đó họ cũng phản ứng gay gắt. Vì thế, đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra, còn việc phản ứng như vậy chưa nói lên điều gì”.

Cũng đánh giá về quá trình xử lý gian lận thi cử ở các địa phương trong thời gian qua, đại biểu Phan Viết Lượng cũng cho rằng làm chậm.

“Về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng chúng tôi cũng đã có ý kiến đến bộ Công an, bộ GD&ĐT về việc thời gian điều tra rất lâu gần một năm rồi. Nên đề nghị cần sớm công khai để có thể yên tâm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Sau đó, Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Tôi nghĩ các địa phương Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang cũng đang cố gắng tăng tốc để sớm đưa ra kết luận”.

Bỏ tiền mua điểm gây ra nhiều hệ lụy

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) bày tỏ: “Việc phó giám đốc sở GD&ĐT khai "chi phí" giúp rút bài sửa nâng điểm trung bình mỗi trường hợp "giá" là một tỷ đồng, tôi không chắc chắn là có hay không. Bởi, lời khai có thể coi là chứng cứ nếu nó phù hợp với các tình tiết khác. Nhưng, nếu giả sử có xảy ra chuyện này thì đương nhiên được coi là hành vi tham nhũng, đưa và nhận hối lộ, thậm chí còn có thể có môi giới”.

Đặt giả thiết nếu có chuyện đưa và nhận hối lộ, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đây là hành vi rất nghiêm trọng, mức tiền tỷ hoàn toàn là khung hình phạt cao, nên ứng với các quy định của bộ luật Hình sự có thể xem xét để xử lý.

“Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm quyền của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát”, ông Nhưỡng cho biết.

Việc đổi tiền lấy điểm sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết thêm.

Thông tin về giá tiền để sửa điểm lên đến cả tỷ đồng, khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi về hệ lụy của việc này nếu không được đưa ra ánh sáng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Hệ lụy đầu tiên, đây là điều vi phạm pháp luật, cán bộ sẽ bị xem xét kỷ luật, mất cán bộ. Hệ lụy thứ hai, mất hình ảnh cán bộ của nhà nước trong các cơ quan quản lý.

Thứ ba, mất niềm tin vào hệ thống giáo dục cũng như niềm tin đối với hệ thống thi cử. Thứ tư, ảnh hưởng đến quyền lợi của những cá nhân khác, những người có tiền thì tiếp tục được vinh thân còn không có tiền thì bị bật ra ngoài.

Vấn đề đặt ra ở đây là trong xã hội, tất cả mọi thứ bị đồng tiền chi phối, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, thay đổi nhân cách của con người. Một tỷ bạc mà thay đổi được nhân cách của con người thì thật là điều tồi tệ”.

Trước đó, như đã đưa tin, ngày 24/5, đại diện VKSND tỉnh Sơn La cho biết, theo kết luận điều tra vụ gian lận điểm thi THPT năm 2018, 8 người bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356, Bộ luật Hình sự 2015.

Theo VKSND tỉnh Sơn La, đây mới là giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan điều tra chủ yếu làm rõ hành vi sửa điểm bài thi trắc nghiệm và môn Ngữ văn tự luận của 6 bị can cùng hành vi tiếp tay cho sai phạm của 2 cựu cán bộ công an tỉnh...

Kết quả điều tra giai đoạn 1 cho thấy bị can Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc sở GD&ĐT đã nâng điểm cho 13 thí sinh, đây đều là những trường hợp do cấp trên, đồng nghiệp và người quen nhờ vả.

Nhóm PV Quốc hội

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-gian-lan-thi-cu-o-son-la-mot-ty-ma-thay-doi-duoc-nhan-cach-con-nguoi-thi-that-la-toi-te-a435714.html