Vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Người thân thí sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Vụ điểm thi bị 'phù phép' ở Hà Giang đang khiến dư luận quan tâm khi cho rằng, những người thân của thí sinh khi yêu cầu được nâng điểm cũng vi phạm pháp luật và cần bị xử lý. Vậy, nếu điều tra ra có đồng phạm trong việc sửa điểm, những người này sẽ chịu hình phạt nào trước pháp luật?

Về điều này, Luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, mọi hành vi can thiệp vào tính đúng đắn, nghiêm minh và công bằng của một kỳ thi là hành vi trái pháp luật rất nghiêm trọng.

Với trường hợp của những người nhà trực tiếp yêu cầu được nâng điểm thi cho thí sinh có thể hiểu là hành vi đưa hối lộ và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật, quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Lê Văn Thiệp nói về vụ nâng điểm bất thường ở Hà Giang

Theo đó, hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến 20 năm nếu của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác) trị giá 1 tỷ đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.

“Đối với một nhóm khác sử dụng quyền lực như thí sinh là con em lãnh đạo, người có chức vụ tại tỉnh Hà Giang, thì chắc chắn vi phạm quy định Điều lệ Đảng, quy định về cán bộ công chức, viên chức, là biểu hiện lạm quyền để điều chỉnh làm thay đổi kết quả thi. Đây đều là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm khắc” - Luật sư Lê Văn Thiệp nhấn mạnh.

Với hành vi của cá nhân ông Vũ Trọng Lương - Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hà Giang - người trực tiếp can thiệp nâng điểm của 330 bài thi, luật sư Thiệp khẳng định hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định của Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, đối tượng này có thể bị xử phạt tới 15 năm tù, cùng với đó là tội bổ sung về việc cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm, phạt tiền lên tới 100 triệu đồng.

Liên quan đến việc liệu một cá nhân có đủ sức sửa tới 330 bài thi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, Luật sư Lê Văn Thiệp khẳng định đây là điều không tưởng, rất khó thực hiện.

“Chỉ 2 tiếng và sửa đến 330 bài thi khác nhau chứ không sắp xếp theo thứ tự thì đây là điều rất khó để thực hiện một mình. Cơ quan điều tra cần tiếp tục xem xét có hay không có đồng phạm. Nếu có đồng phạm thì phải được xử lý theo tội danh tội phạm có tổ chức” - Luật sư Lê Văn Thiệp nói - "Vụ việc này cần phải được xử lý hình sự, mới có thể bảo đảm răn đe, phòng ngừa, tránh tiền lệ xấu đối với các địa phương khác".

Sau khi chấm thẩm định, thí sinh điểm cao nhất trượt tốt nghiệp

Cụ thể, thí sinh T.T. (SBD: 05000...) có số điểm: Toán 9,6; Vật lý và Hóa học đều 9,5; Sinh học 9,75. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, T.T. bị giảm điểm Toán xuống còn 6,2; Vật lý 4,75 và Hóa học 6,75.

Thí sinh thứ hai là H.L. (SBD: 5000...), học lớp chuyên Anh của THPT chuyên Hà Giang, có điểm số cao vượt trội: Toán và Tiếng Anh 9,8; Văn 8,5. Sau chấm thẩm định, điểm của H.L. ở môn Toán còn 5,6. Môn Tiếng Anh 6,4.

Cuối cùng là là V.A. (học lớp A - không chuyên tại trường THPT chuyên Hà Giang). Theo thống kê trước đó của Bộ GD&ĐT, V.A. đạt Toán 9,6; Vật lý 9,75; Ngoại ngữ 9,6. Sau thẩm định, điểm Toán của V.A. là 7,4; Vật lý 8; Ngoại ngữ 3,2.

Đặc biệt, có 1 thí sinh bị trượt tốt nghiệp do bị điểm liệt. Thí sinh SBD 05001... có điểm số trước khi chấm thẩm định là Toán 9; Vật lý 9,5; Hóa học 9. Sau khi chấm lại, môn Toán của thí sinh này đạt 1 điểm; Vật lý 2,75; Hóa học 3. Như vậy, thí sinh này trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt (từ 1 trở xuống).

D.H

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/vu-gian-lan-diem-thi-o-ha-giang-nguoi-than-thi-sinh-co-the-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-post45651.html