Vụ Formosa là một lý do khiến GDP thấp hơn kế hoạch

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2016 (5,52%).

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 4, sáng nay (17/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô giảm sâu, giá các hàng hóa cơ bản khác tiếp tục giảm, các xung đột cục bộ, khủng bố,... đã tác động xấu đến phát triển kinh tế nước ta. Ở trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo. Thiên tai, rét hại, băng giá ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tiếp đến là hạn hán kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bão, lũ, ngập lụt,... gây khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đánh giá, sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng xấu đến khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch ở 4 tỉnh miền Trung. Năng suất lao động xã hội thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém làm mất đi lợi thế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới...

Tuy nhiên, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và thực hiện quyết liệt hàng loạt các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, tăng cường phân cấp, phân quyền, xử lý nhanh chóng, kịp thời các kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, có chính sách đặc thù để tạo đột phá cho phát triển.

Nhờ đó, nền kinh tế nước ta đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I và quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III. Tốc độ tăng trưởng GDP quý III đã đạt 6,4%, cao hơn quý I tăng 5,48% và quý II tăng 5,78%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%). Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ chỗ tăng trưởng âm 0,18% trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng trở lại 0,65% (cùng kỳ tăng 2,08%). Trong khu vực công nghiệp và xây dựng đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, lần lượt là 11,2% và 9,1% (cùng kỳ tăng lần lượt là 10,1% và 9%). Khu vực dịch vụ tăng 6,66%, cao hơn cùng kỳ (tăng 6,17%).

Dự báo trong các tháng cuối năm, với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện sức mua và tổng cầu của thị trường trong nước, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, công nghiệp chế biến tiếp tục phục hồi, ngành xây dựng và khu vực dịch vụ tăng trưởng cao.

Cùng với sự nỗ lực phấn đấu khắc phục các khó khăn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển mạnh mẽ ngành du lịch; triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác Á - Âu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác; sự tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3-6,5% (so với kế hoạch đề ra là 6,7%), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,18%-2,04%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,06-8,13%, dịch vụ tăng 6,79-6,87%.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra chủ yếu do: hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung,... trong 6 tháng đầu năm đã tác động đến phát triển nông nghiệp, thủy sản; sự giảm sản lượng của công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu tăng trưởng của 2 ngành này 6 tháng đầu năm bằng tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, thì tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 có thể đạt 6,84%, cao hơn 6,32% của 6 tháng đầu năm 2015 và tăng trưởng cả năm 2016 sẽ vượt mức kế hoạch đã đề ra là 6,74%.

Tuấn Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-formosa-la-mot-ly-do-khien-gdp-thap-hon-ke-hoach-post211648.info