Vụ Đông Xuân thắng lợi kép

Ngày 24/3 tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị sơ kết vụ Đông Xuân 2020-2021 vùng Nam Bộ. Cơ bản né được hạn hán, xâm nhập mặn, vụ lúa này tiếp tục trúng mùa được giá, nông dân có lợi nhuận cao nhất trong vòng nhiều năm nay.

Phát biểu khạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, vụ Đông Xuân 2020-2021, Cần Thơ xuống giống trên 77 ngàn ha, hiện đã thu hoạch hơn 65 ngàn ha, năng suất đạt 7,6 tấn/ha, số diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3.

Đây là vụ lúa tiếp tục trúng mùa, được giá, bà con nông dân có lợi nhuận tốt. Theo ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, với giá lúa bình quân trên 6.400 đồng/kg trở lên, doanh thu gần 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 50%, đây là mức cao nhất từ trước đến nay của người trồng lúa trên địa bàn.

Đại diện Sở NN&PTNT Tiền Giang cũng cho rằng, vụ Đông Xuân 2020-2021 cơ bản đã thắng lợi, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay…

 Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn Nam Bộ xuống giống gần 1,6 triệu ha (giảm hơn 29 nghìn ha so với vụ Đông Xuân 2019-2020), năng suất ước đạt 70 tạ/ha (tăng 2,14 tạ/ha), sản lượng ước đạt hơn 11,1 triệu tấn (tăng 145 nghìn tấn).

Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống hơn 1,51 triệu ha, giảm hơn 27 nghìn ha; năng suất ước đạt 70,52 tạ/ha (tăng 2,17 tạ/ha); sản lượng ước đạt hơn 10,7 triệu tấn (tăng 144 nghìn tấn).

Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện toàn vùng đã thu hoạch trên 1 triệu ha (chiếm 62% diện tích xuống giống), năng suất đạt trên 7 tấn/ha, đặc biệt không có diện tích lúa bị mất trắng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.

“Vụ Đông Xuân 2020-2021 về cơ bản đạt diện tích, năng suất, sản lượng cũng như giá cả, thu nhập và lợi nhuận của nông dân tăng lên. Điều này cho thấy, ngoài sự thích ứng để đảm bảo sự tăng trưởng trong nông nghiệp thì sản xuất trồng trọt đóng vai trò rất lớn trong sinh kế bền vững cho hàng chục triệu nông dân” – ông Tùng nói.

Theo Cục Trồng trọt, nguyên nhân giảm diện tích lúa Đông Xuân tại ĐBSCL là do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn, đã điều chỉnh giảm diện tích lúa khoảng 30 nghìn ha. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ này ước đạt 27 nghìn ha, điều này đã làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cho sản xuất lúa và làm giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, công lao động.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, với sự chỉ đạo, điều hành thống nhất từ trung ương đến địa phương, sự vào cuộc nghiêm túc của địa phương và bà con nông dân, có thể nói vụ Đông Xuân 2020-2021 đến nay thắng lợi toàn diện, năng suất cao, cơ cấu giống tiếp tục được cải thiện, giá gạo xuất khẩu cao.

“Và quan trọng nhất là lợi nhuận của bà con nông dân tăng lên, chi phí sản xuất giảm xuống. Đây là kết quả của sự kế thừa kinh nghiệm những năm ứng phó hạn mặn trước đó, điển hình như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020…” – ông Doanh nói và cho rằng, câu chuyện hạn mặn sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, cần được xem như mặc định, không thể tránh khỏi, giải pháp công trình không phải là tất cả mà cần có nhiều những giải pháp thích hợp, trong đó có những biện pháp mềm, thuận thiên…

Theo kế hoạch, vụ Hè Thu 2021, ĐBSCL gieo sạ 1.520 nghìn ha, năng suất ước đạt 56,28 tạ/ha, sản lượng hơn 8,5 triệu tấn. Tổng cả năm 2021, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ gần 4,2 triệu ha, năng suất gần 61 tạ/ha, sản lượng hơn 25,5 triệu tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL có hơn 3,9 triệu ha, năng suất 61,40 tạ/ha, sản lượng hơn 24,1 triệu tấn.

GIANG LAM

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-dong-xuan-thang-loi-kep-413874.html