Vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021: Các tỉnh phía Bắc bố trí cơ cấu giống phù hợp với thực tế

Vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021, các tỉnh phía Bắc căn cứ vào thời gian sinh trưởng của từng giống lúa, điều kiện thực tế tại địa phương để bố trí cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết; xây dựng khung thời vụ gieo cấy đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện để triển khai gieo cấy sớm vụ Hè Thu, vụ Mùa và làm vụ Đông 2021.

Đây là những nội dung quan trọng, được đưa ra tại Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất năm 2020, triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 các tỉnh phía Bắc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Nam Định ngày 12/11.

Năng suất, sản lượng đảm bảo

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Theo Báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, toàn miền Bắc gieo cấy ước đạt trên 2,3 triệu ha, giảm khoảng 36 nghìn ha so với năm 2019; trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng hơn 930 nghìn ha (giảm khoảng 32 nghìn ha); vùng Bắc Trung Bộ đạt trên 670 nghìn ha (giảm khoảng 2 nghìn ha); các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc là hơn 660 nghìn ha (giảm 2 nghìn ha) so với năm 2019.

Dù gặp điều kiện thời tiết bất lợi như nắng nóng, hạn hán, mưa bão... song sản xuất vụ Đông Xuân, Hè Thu và vụ Mùa năm 2020 vẫn đạt kết quả cao. Năng suất lúa trung bình cả năm của các tỉnh miền Bắc ước đạt hơn 57 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2019. Vùng đồng bằng sông Hồng năng suất đạt hơn 61 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha); vùng Bắc Trung Bộ năng suất lúa trung bình đạt gần 52 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha); vùng Trung du miền núi phía Bắc năng suất lúa trung bình đạt gần 56 tạ/ha (tăng 1,2 tạ/ha) so với năm 2019.

Sản lượng lúa của toàn miền Bắc năm 2020 ước đạt trên 13,2 triệu tấn (tăng 122 nghìn tấn so với năm 2019); trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng đạt khoảng 6 triệu tấn, giảm 35 nghìn tấn; vùng Bắc Trung Bộ sản lượng đạt 3,8 triệu tấn, tăng 66 nghìn tấn; vùng Trung du miền núi phía Bắc sản lượng 3,5 triệu tấn, tăng khoảng 91 nghìn tấn so với năm 2019.

Bên cạnh năng suất, sản lượng lúa đảm bảo, diện tích lúa chất lượng cao tại các tỉnh phía Bắc cũng được mở rộng. Diện tích lúa chất lượng cao vụ Hè Thu ở vùng Bắc Trung Bộ đạt khoảng 69/174 nghìn ha gieo cấy (tăng khoảng 12 nghìn ha so với vụ Hè Thu năm 2019). Các tỉnh có diện tích lúa chất lượng cao là Hà Tĩnh, khoảng 24/43 nghìn ha gieo cấy; Quảng Trị là 18/22 nghìn ha gieo cấy.

Diện tích giống lúa chất lượng cao trong vụ Mùa của vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đạt khoảng 425/904 nghìn ha gieo cấy, tăng khoảng 15 nghìn ha so với năm 2019.

Một số giống lúa chất lượng cao đang được mở rộng diện tích sản xuất như giống lúa TBR225, nếp DDT52, nếp thơm Hưng Yên... Việc mở rộng diện tích lúa chất lượng cao đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất tại các tỉnh phía Bắc.

Mở rộng diện tích lúa giá trị thương mại cao

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 có thời tiết khí hậu lạnh, do vậy thời gian sinh trưởng của cây lúa sẽ kéo dài hơn. Vì thế, các địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống hợp lý, đảm bảo lúa trỗ vào thời gian an toàn, tránh ảnh hưởng của đợt rét "nàng bân", nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc.

Các tỉnh phía Bắc xem xét, xây dựng kế hoạch sản xuất, gieo cấy sát với thực tế tại địa phương và diễn biến của thời tiết; nghiên cứu tăng diện tích lúa chất lượng cao, giống chống chịu sâu bệnh và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đảm bảo hiệu quả sản xuất trong vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021, các tỉnh phải thực hiện đồng bộ các biện pháp về cải tạo đất, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại...

Đối với những diện tích không trồng cây vụ Đông phải sớm cày lật đất, phơi ải để vệ sinh đồng ruộng, hạn chế nguồn dịch bệnh; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa; đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu gieo cấy, thu hoạch, mở rộng mô hình mạ khay, máy cấy để đảm bảo thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản sạch tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Các tỉnh cần hình thành nhiều hơn các chuỗi liên kết giữa nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, có lợi cho nông dân; mạnh dạn thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng lúa ở khu vực cao, khó khăn về nước tưới, kém hiệu quả sang cây trồng cạn khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn...

Vụ Đông Xuân năm 2020 - 2020, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy trên 1 triệu ha, giảm khoảng 9,6 nghìn ha so với lúa vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020. Năng suất trung bình dự kiến đạt 62,8 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm trước. Sản lượng ước đạt khoảng 6,8 triệu tấn, giảm hơn 9 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Tin, ảnh: Vũ Văn Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/vu-dong-xuan-nam-2020-2021-cac-tinh-phia-bac-bo-tri-co-cau-giong-phu-hop-voi-thuc-te-20201112211905367.htm