Vụ Đồng Tâm và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước

'Việc để xảy ra khiếu kiện của người dân có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc buông lỏng quản lý'.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ như vậy khi nhắc lại vụ việc xảy ra tại Đồng Tâm tại buổi làm với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) chiều 21/1 vừa qua.

Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc phòng được giao xây dựng sân bay Miếu Môn trên địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm.

Đến năm 2014, Bộ Quốc Phòng có quyết định giao đất cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tiếp nhận, quản lý, sử dụng vào công trình quốc phòng A1, trong đó có 46ha thuộc xã Đồng Tâm.

Đây là khu đất đồng Sênh (vốn dĩ thuộc đất quốc phòng) nhưng người dân canh tác hàng chục năm qua khiến cho những người dân nơi dây “lầm tưởng” là đất của mình.

Hệ quả là một số đối tượng đã lợi dụng vấn đề dân chủ để khiếu kiện, tổ chức các hoạt động “đòi đất” quốc phòng, xuất hiện nhiều hành vi gây mất an ninh trật tự.

Khu vực gần Trung tâm huấn luyện Miếu Môn và sân bay Miếu Môn sáng 9/1. Ảnh: TNO

Khu vực gần Trung tâm huấn luyện Miếu Môn và sân bay Miếu Môn sáng 9/1. Ảnh: TNO

Đỉnh điểm là vào ngày 15/4/2017, nhóm người quá khích trong xã Đồng Tâm đã bắt giữ trái pháp luật 38 người (chủ yếu là công an, kể cả lãnh đạo huyện). Đỉnh điểm là mới đây làm một số cán bộ chiến sĩ công an hy sinh đã cho thấy vấn đề cực kỳ nghiêm trọng dù nhìn ở bất cứ góc độ nào.

Không ai phủ nhận gần ba năm qua, Trung ương, chính quyền địa phương đã rất quan tâm giải quyết các tồn tại ở Đồng Tâm.

Thanh tra Chính phủ, Thanh tra thành phố Hà Nội đã vào cuộc và có kết luận: Theo quy định của pháp luật về đất đai, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội giao đất cho các đơn vị quân đội quản lý và sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Cùng với đó, nhiều cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ với người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn đã được tổ chức công khai, minh bạch, đúng pháp luật, để nhân dân hiểu rõ và đồng thuận với các chủ trương của thành phố, của Nhà nước.

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, các đơn từ khiếu kiện cũng như các bức xúc đã diễn ra cả thời gian dài. Nó phần nào cho thấy, ngoài tính pháp lý thì công tác dân vận, tuyên truyền, giải quyết các khiếu nại, tố cáo ở địa phương này vẫn còn những hạn chế.

Nói cách khác, trước khi xảy ra “biến cố”, cái sai của chính quyền địa phương qua các thời kỳ là không làm rõ, tuyên truyền cho người rõ tính pháp lý của khu đất đồng Sênh là thuộc đất quốc phòng.

Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì: “Nếu người cán bộ có sự lăn lộn, lắng nghe, chia sẻ, giải quyết thấu tình đạt lý của mình đối với người dân thì sẽ rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm của các cấp chính quyền, chứ không phải dùng quyền lực áp đặt”.

Để rồi (xin nhắc lại một lần nữa) khi người dân canh tác một thời gian dài nên “lầm tưởng” đó là đất của mình và hậu quả thương tâm thế nào thì chúng ta đã rõ.

Từ đó, các thế lực thù địch, những phần tử bất mãn, cơ hội lợi dụng cơ hội phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Có thể thấy, đất đai là “công thổ quốc gia”... nên mọi người ai cũng chấp nhận việc Nhà nước thu hồi, trưng dụng... đất để làm việc công, nhất là khi nó phục vụ cho mục đích quốc phòng thì người dân càng phải ưu tiên.

Từ Đồng Tâm nói riêng và thực trạng sử dụng đất đai cả nước nói chung, rất nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị, cá nhân... lợi dụng chữ “việc công” để được cấp đất với diện tích lớn, sau đó, lại chia, bán để kiếm lời... Nên gây ra rất nhiều phiền toái cho việc quản lý, sử dụng đất và mất an ninh trật tự xã hội.

Cũng từ Đồng Tâm nói lên chính quyền thành phố rất chậm trễ giải quyết khiếu kiện nên mới xảy ra sự việc đau lòng. Không chỉ gần 30 cán bộ Nhà nước có vi phạm đã bị xử lý, trong đó có một số bị xử lý hình sự, mà đã có ba chiến sĩ công an hy sinh, niềm tin của dân với Đảng, Nhà nước ít nhiều bị rạn nứt.

Hy vọng, đây sẽ học được bài học vì dân, bài học xương máu trong công tác quản lý Nhà nước cho chính quyền các cấp, đặc biệt là công tác dân vận, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Bởi, chính vì sự xao lãng của các vị “công bộc” mà khoảng cách giữa người dân với cán bộ trong bộ máy chính quyền vẫn còn quá nhiều xa cách mới dẫn đến những hiểu lầm không đáng có như vậy.

Thanh Bình

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/vu-dong-tam-va-trach-nhiem-cua-co-quan-quan-ly-nha-nuoc-165608.html