Vụ đông miền Bắc thắng lợi lớn, nông dân thu gần 26.000 tỷ đồng

Trước tình trạng giá rau xanh ở nhiều địa phương miền Bắc giảm giá mạnh, khó tiêu thụ, nông dân phải cắt cho bò lợn ăn hoặc bỏ thối ngoài đồng, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Trần Xuân Định – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT). Ông Định cho biết tình trạng này năm nào cũng xảy ra và giá rau xanh sẽ sớm trở lại quỹ đạo bình thường.

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Thưa ông, đến nay các địa phương đã có tổng kết việc triển khai vụ đông 2017 - 2018?

- Thời điểm này, các địa phương đang dồn trọng tâm cho việc hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân 2017-2018 để kết thúc trong khung thời vụ tốt nhất, vì vậy chưa có sơ kết sản xuất vụ đông 2017 - 2018. Tuy nhiên, tổng thể vụ đông này diện tích gieo trồng không đạt kế hoạch đề ra, ước đạt 390.000/410.000ha.

Theo các địa phương, nếu tính diện tích gieo trồng quay vòng 2-3 vụ, với các giống ngô nếp, ngô đường, rau ưa lạnh chỉ 55-60 ngày và 70-75 ngày từ trồng đến khi thu hoạch thương phẩm, thì diện tích thực ra có thể đạt và vượt kế hoạch. Con số 390.000ha là chúng tôi tính cho diện tích canh tác.

Mục tiêu đưa vụ đông đạt giá trị thu nhập từ 25.000 - 28.000 tỷ đồng liệu có đạt được hay không?

- Có thể nói, vụ đông năm nay nông dân gặp khó khăn về đầu vụ do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới (bão số 10, 11 và áp thấp nhiệt đới...), khiến hàng chục ngàn ha cây ưa ấm như ngô, dưa bị thiệt hại do ngập nước, phải gieo trồng lại. Do tích cực tiêu úng, điều chỉnh tỷ lệ nhóm cây ưa lạnh nên diện tích gieo trồng vẫn đạt được trên 95% so kế hoạch.

Bí xanh là một trong những củ, quả được bà con nhiều nơi chọn trồng trong vụ đông (ảnh chụpở xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Việt Tùng

Cũng theo đánh giá thì năng suất cây vụ đông chủ lực tăng; giá cả trước tết với ngô ngọt, ngô nếp, dưa, bí, rau các loại đều tiêu thụ tốt và cao hơn năm trước. Nhất là đối với khoai tây, kể cả thu sớm và thu chính vụ đều đạt từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Năm nay, Cục Trồng trọt cũng triển khai sớm hội nghị phát triển khoai tây bền vững gắn với chế biến tại Thái Bình.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương trọng điểm trồng khoai tây đã có chính sách hỗ trợ giống, gắn với hợp đồng bao tiêu (Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình...), nhờ đó diện tích khoai tây tăng ước gần 2.000ha so năm trước và đây là năm khoai tây sạch bệnh, tuổi thọ dây dài nên năng suất rất cao, đạt từ 17-18 tấn/ha, tăng 1,5-2 tấn/ha so năm trước.

Các loại rau cao cấp như dưa, bí, cà rốt, su hào… cũng được giá và năng suất khá cao. Một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... đều có những vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần cấy lúa, giá trị thu nhập đạt 150-200 triệu đồng/ha khá nhiều.

Một đặc điểm nổi bật của vụ đông này là diện tích gieo trồng ứng dụng công nghệ cao, nhà màng, nhà lưới tăng nhanh và có sự đầu tư của các doanh nghiệp (Vinaseed, Vin Eco, Hòa Phát, TH true Milk; nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ...), với các loại dưa lưới, dưa vàng được gieo trồng 2-3 vụ cho thu hoạch hàng tỷ đồng/ha.

Ước tính tổng giá trị thu nhập từ vụ đông đạt khoảng 25.000 – 26.000 tỷ đồng.

Nông dân thôn Bản Cháng, xã Kim Lư, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) thu hoạch khoai tây. ảnh: Tư liệu

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá rau xanh ở nhiều địa phương miền Bắc giảm mạnh khiến nông dân thua lỗ, mang về cho bò lợn ăn. Liệu đây có phải là hệ lụy từ chủ trương vận động, khuyến khích nông dân tăng diện tích sản xuất vụ đông?

- Sau Tết Nguyên đán, giá rau xanh bắt đầu lao dốc, nhưng nếu tính tổng thể, nói bà con thua lỗ chưa hẳn đúng. Về tổng thể chúng ta đã có một vụ đông thắng cả về giá lẫn lượng. Còn chuyện giá rau giảm mạnh những ngày gần đây là do sau tết, nhiều diện tích rau màu được thu hoạch “vét” để đổ nước làm đất gieo cấy lúa xuân, dẫn đến hiện tượng "dội chợ". Theo nhận định, giá rau rẻ cũng chỉ 7-10 ngày rồi sẽ trở về quỹ đạo chung.

Hiện tượng này cũng đã được chúng tôi nhắc nhở và cảnh báo với các địa phương, với các vùng rau chuyên canh từ đầu vụ. Nhiều năm nay, thị trường không có tình trạng giáp vụ rau như những năm trước do các tiến bộ kỹ thuật về giống rau với các giống ngắn ngày, chống chịu và thích ứng cả nóng, lạnh được ứng dụng rất nhanh.

Hạn chế lớn nhất của chúng ta là nông dân nhiều khi làm theo cảm tính, thấy đắt, được giá là đua nhau mở rộng, trong khi năng lực tiêu thụ, chế biến còn nhiều bất cập. Việc xuất khẩu rau tươi cũng chưa được nhiều.

Ông Trần Xuân Định cho rằng việc xây dựng kế hoạch sản xuất phải tiếp cận từ thị trường. Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam sẽ còn lặp lại điệp khúc được mùa, rớt giá khi mà nông dân cứ thấy lợi là đổ xô làm, thiếu thông tin thị trường, làm ra mạnh ai nấy bán, phụ thuộc vào thương lái... chứ chưa thực sự chú ý tới sản xuất an toàn, minh bạch thông tin.

Vậy thưa ông, ngành nông nghiệp đã có định hướng, giải pháp gì để ổn định sản xuất rau màu, trong đó có vụ đông trong thời gian tới?

- Để chuẩn bị cho vụ đông tới, chúng tôi cũng đã lưu ý các địa phương cần có kế hoạch sớm và móc xích từ thời vụ, chủng loại, cơ cấu giống lúa với các nhóm cây vụ đông ưa ấm hoặc ưa lạnh.

Vụ đông hoàn toàn có khả năng đưa giá trị thu hoạch lên con số 27.000 – 30.000 tỷ đồng nếu chúng ta tổ chức sản xuất bài bản và có doanh nghiệp tham gia, gắn với chế biến, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu, vì vụ đông là một lợi thế của các tỉnh phía Bắc với mùa đông lạnh, rau tươi, rau xanh sẽ có giá trị khi mà năng suất, chất lượng rất khả thi.

Vào mùa đông, các nước phía Bắc ở vĩ độ cao hơn gần như tuyết phủ trắng và không trồng được rau ngoài điều kiện tự nhiên, trong khi vụ đông ở miền Bắc nước ta rất thích hợp với nhiều loại nấm cao cấp, lại đỡ chi phí làm lạnh và năng suất cao. Nếu ngành nấm phát triển, gắn với chế biến và hệ thống bán hàng tươi thì chúng ta hoàn toàn đưa giá trị vụ đông gồm cả nấm lên trên 30.000 tỷ đồng.

Xin cảm ơn ông!

Minh Huệ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vu-dong-mien-bac-thang-loi-lon-nong-dan-thu-gan-26000-ty-dong-854358.html