Vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng không sai nhưng chưa ổn

Ngày 23-10, UBND TP Cần Thơ ra đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng, vì đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ.

Đồng thời, tiệm vàng Thảo Lực đổi USD sang tiền VNĐ cho anh Rê cũng bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 295 triệu đồng, do vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động mua bán, sản xuất hàng giả, hàng cấm.

Theo lời anh Rê, khoản tiền 100USD nói trên do người thân gởi cho, sau đó anh đến tiệm vàng đổi sang VNĐ và nhận được gần 2,3 triệu đồng. Khi anh vừa bước ra khỏi tiệm, lực lượng chức năng bất ngờ giữ lại, lập biên bản và tịch thu số tiền nói trên.

Thực ra việc cấm đổi ngoại tệ không qua hệ thống TCTD hoặc các điểm thu đổi ngoại tệ được quy định rõ trong Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005, Thông tư số 20/2011 của NHNN quy định về việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với TCTD được phép quy định địa điểm mua, bán ngoại tệ.

Về mức xử phạt, tại Nghị định 89/2016 của Chính phủ về điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế cũng quy định khung phạt là phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi này. Dù vậy, thông tin người dân chỉ đổi 100 USD tại tiệm vàng lại nhận mức phạt đến 90 triệu đồng cũng gây xôn xao dư luận.

Đa số các ý kiến đều cho rằng quyết định xử phạt của UBND TP Cần Thơ không sai, nhưng mức xử phạt áp dụng quá nặng so với số tiền vi phạm. TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM cũng chia sẻ, về lý UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt như vậy căn cứ trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, về tình cần phải xem xét các yếu tố khác để ra quyết định xử phạt, chứ không thể chỉ dựa vào pháp luật. Cụ thể, cần phải căn cứ vào mức độ vi phạm, hành vi vi phạm và tác động của hành vi đó đến thị trường, đến xã hội để đánh giá vi phạm và áp dụng khung xử phạt hợp lý cho từng trường hợp thay vì áp dụng rập khuôn. Bởi trường hợp này, người dân chỉ nghĩ đơn giản là đến địa điểm gần nhất để thực hiện giao dịch, không phải là dân đầu cơ đi đổi vì lợi nhuận. Do đó, nếu xử lý không hợp tình hợp lý sẽ gây ra hiệu ứng không tốt.

Bên cạnh đó, khi phát sinh vấn đề này, các chuyên gia cũng một lần nữa nhắc lại trách nhiệm của cơ quan quản lý. Theo như quy định, các tổ chức kinh tế (tiệm vàng, khách sạn...) muốn hoạt động đổi ngoại tệ phải đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, phải được NHNN cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.

Tuy nhiên ngoài NH, không có một quy định, danh sách nào về các tổ chức kinh tế được cấp phép để người dân nhận biết đổi ngoại tệ nơi nào là hợp pháp. Hơn nữa, vấn đề quản lý kinh doanh ngoại tệ từ trước đến nay vẫn chưa chặt chẽ. Tại các TP lớn như TPHCM và Hà Nội, việc mua bán ngoại tệ tại các tiệm vàng vẫn diễn ra công khai, thường xuyên với số lượng rất lớn, nhưng vẫn chưa được thanh kiểm tra và xử phạt để làm gương cho xã hội.

Chính vì quản lý chưa đủ nghiêm như vậy, dẫn đến tình trạng người dân cho rằng, đổi USD ở bất kỳ nơi nào cũng được và những tiệm vàng đổi USD theo giá thị trường tự do vẫn là điểm hút khách hàng dù có hay không có giấy phép. Và ngay chính các cơ quan quản lý vẫn thừa nhận có thị trường USD tự do để định hình thị trường ngoại hối.

BẢO TÙNG

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/tai-chinh/vu-doi-100-usd-phat-90-trieu-dong-khong-sai-nhung-chua-on-62548.html