Vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu đồng: Các chuyên gia nói gì và cần làm gì?

Các chuyên gia đều đưa ra quan điểm việc xử phạt là hợp lý nhưng không hợp tình.

Các chuyên gia nhận định về vụ việc xử phạt người dân đổi 100 USD ở Cần Thơ.

Mới đây, UBND TP. Cần Thơ ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê khi thực hiện đổi tờ 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực, nơi không được cấp phép giao dịch ngoại tệ đang được dư luận quan tâm.

Nhiều phân tích, bình luận về vụ việc được đưa ra, tập trung vào thực tế nhu cầu việc giao dịch ngoại tệ của người dân, cũng như sự bất cập về quy định đối với hoạt động này.

BizLIVE ghi nhận các ý kiến, đề xuất từ các chuyên gia xoay quanh vụ việc.

Người dân không có nhiệm vụ đi hỏi giấy phép

(Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico)

Có vài góc nhìn xoay quanh vụ việc này. Thứ nhất, quyết định xử phạt nói về căn cứ pháp lý là có, căn cứ theo Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 và Nghị định 96 năm 2014 thì không được giao dịch ngoại hối ở nơi không được cấp phép.

Tuy nhiên có hợp lý không thì khẳng định 100% là không hợp lý. Không hợp lý ở nhiều câu chuyện chứ không chỉ ở mức xử phạt. Đầu tiên, xuất phát xử phạt vi phạm hành chính luôn luôn hướng tới hai mục đích, thứ nhất là phòng ngừa và răn đe riêng dành cho người có hành vi sai phạm, tức mang tính giáo dúc; mục đích thứ hai phòng ngừa chung cho trật tự quản lý hành chính nhà nước đối với tất cả mọi người. Nhìn vào hai mục đấy thì thấy vụ việc xử phạt nó chẳng có mục đích nào đạt được bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, việc mua bán ngoại tệ hiện tràn lan, diễn ra đến mức độ người dân không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai vì nó quá phổ biến. Có nhiều tiệm vàng, tổ chức treo biển đề có thu đổi ngoại tệ và người dân cứ mang đô, ngoại tệ ra đó đổi mà không thể biết được tiệm nào có tiệm nào không phép. Bởi ngay quy định chỉ đề cập không niêm yết bảng biểu giá dịch vụ chứ không bắt niêm yết giấy phép. Hiện theo quy định về bảng đổi ngoại tệ của NHNN thì không có quy định nào nêu rõ rành rành để người ta nhận biết được.

Một hiện tượng nữa, suốt thời gian qua trên thị trường tại khách sạn, tour du lịch,… hiện tượng yết giá, giao dịch bằng ngoại tệ phổ biến, nghiêm trọng hơn nhiều lại chẳng thấy xử phạt. Từ đó dẫn đến việc những cái sai phạm tràn lan, phổ biến hàng trăm, hàng triệu USD trên thị trường thì không xử phạt bây giờ tờ 100 USD xử phạt với mức phạt như vậy thì đương nhiên làm cho người bị phạt cũng như cộng đồng xã hội cảm thấy không có tính công bằng. Như vậy sẽ mất đi mục tiêu là tính răn đe riêng và phòng ngừa chung.

Thậm chí từ việc xử phạt, ở góc độ của người dân đặt ra vấn đề là làm thế nào để tránh bị phạt khi tràn lan hiện tượng đó đang tồn tại ngoài thị trường. Đâu là đại lý được phép và đâu là đại lý không được phép, điều này đâu thuộc khả năng của người ta, cái đấy đâu phải nhiệm vụ của người dân. Sinh ra cơ quan quản lý nhà nước, thuộc trách nhiệm là của họ. Nếu cơ quan quản lý làm tốt sẽ không tồn tại việc mua bán từ những tổ chức không được phép, nếu cơ quan quản lý tốt mà người ta cố ý xâm phạm thì hãy nên xem xét.

Việc rút hay không rút quyết định xử phạt không phải là việc quan trọng, mà quan trọng ở đây là hành lang cần phải xem lại hành lang pháp lý từ quy định đến việc quản lý. Chúng ta đang duy trì cái gì? Tôi vẫn dùng từ hài hước, anh đưa ra quy định sau đó lại bảo quy định này không nên xử vì nó bất công, hóa ra quy định của anh bất hợp pháp. Câu chuyện ở đây là cách nhìn nhận vào trật tự quản lý quy định.

Việc sửa Nghị định 96 là việc hợp lý, cần thiết để xem xét. Bởi nếu như hiện nay chỉ cần 1 USD cũng có thể bị xử phạt đến cả trăm triệu đồng, vì chẳng có hạn mức gì cả, xử phạt đánh vào hành vi chứ không vào định lượng, đến ngưỡng bao nhiêu thì xử phạt chừng nào… không chỉ sửa mà cần sửa toàn diện nội dung điều này.

Cần phạt nghiêm những tiệm vàng thu đổi ngoại tệ trái phép

(PGS. TS Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM)

Việc UBND TP. Cần Thơ phạt 90 triệu đồng hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép đối với công dân Nguyễn Cà Rê là chưa hợp tình. Người dân có ngoại tệ khi có nhu cầu chuyển đổi sang tiền đồng Nhà nước cần tạo điều kiện và khuyến khích họ. Vì người dân không thể biết được đâu là tiệm vàng có giấy phép thu đổi ngoại tệ, tiệm vàng nào không có giấy phép này.

Nếu những tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ mà vẫn ngang nhiên thực hiện thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý trên địa bàn đó.

Ở đây, cần phạt nghiêm những tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ nhưng vẫn thực hiện hành vi này. Lần thứ nhất có thể cảnh cáo, phạt vi phạm hành chính, lần thứ 2 có thể tước giấy phép kinh doanh của tiệm vàng đó để chấn chỉnh việc thu đổi ngoại tệ trái phép.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần phải “hút” được “dòng chảy” ngoại hối cũng như nguồn ngoại tệ trong dân qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát và quản lý hiệu quả nguồn thu này.

Do đó, các ngân hàng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đổi ngoại tệ ở ngân hàng, chính vì những thủ tục phiền phức của ngân hàng khiến người dân phải lao ra thị trường tự do để đổi ngoại tệ cho nhanh. Ở đây, người dân chỉ cần đưa tiền USD mình có ra đổi là nhận được ngay tiền đồng mà chẳng cần bất cứ lý do gì, giấy tờ gì… ngoài việc chủ tiệm xem xét đó là đồng USD thật hay giả.

Có nhiều quan điểm về việc thu đổi ngoại tệ tại Việt Nam và dẫn chứng so sánh với một số quốc gia, chẳng hạn Singapore cho chuyển đổi hoặc giao dịch mua bán bằng USD bên cạnh đồng nội tệ là SGD (đô la Singapore), nhưng ở Thái Lan thì không được phép giao dịch bằng USD dù việc chuyển đổi USD sang đồng Bath Thái dễ dàng tại các quầy đổi ngoại tệ khắp nơi. Đối với Việt Nam, cần “hút” USD vào trong hệ thống ngân hàng và có những mức xử phạt có tính răn đe đối với những quầy đổi ngoại tệ trái phép.

Không nên rút quyết định xử phạt mà nên xem xét giảm mức phạt

(Luật sư Trần Tấn Tài, Giám đốc Công ty Luật City

Việc xử phạt người đi bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ là đúng, theo điều 24 của Nghị định số 96/2014 quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Tuy nhiên, Nghị định khi thực thi vẫn chưa được nhiều người ủng hộ, bởi lẽ thiếu tính thực tế từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất không quy định rõ nhu cầu tối thiểu cần thiết mua bán ngoại tệ của cá nhân khác với doanh nghiệp kinh doanh ngoại tệ, trường hợp của anh Cà Rê là nhu cầu tối thiểu cần thiết…

Không rõ ràng trong quy định tịch thu tang vật, tức là chỉ tịch thu 100 USD vi phạm chứ không tịch thu thêm tang vật hay phương tiện nào khác ngoài tang vật vi phạm, được biết có việc khám xét nhà ở thì công an lại tịch thu thêm kim cương trong nhà chứ không phải trong tủ đựng ngoại tệ...

Người dân, nhất là đối những người ở nông thôn, không phải ngân hàng nhiều và gần nhà họ để họ thuận lợi mua bán ngoại tệ, ở tỉnh lẻ ngân hàng ít mà tiệm vàng nhiều nên việc mua bán ngoại tệ tại tiệm vàng nhiều hơn ở ngân hàng, ngoài ra tiệm vàng thường phục vụ thời gian nhiều hơn ngân hàng. Đặc biệt buổi tối ngân hàng nghỉ mà tiệm vàng có thể hoạt động... khi cần đổi tiền nhanh người dân cho ra tiệm vàng, đó là thực tế.

Ý thức pháp luật người dân chưa cao, người tham gia mua bán ngoai tệ tại tiệm vàng (nơi mà không được phép mua bán ngoại tệ) chưa chắc họ biết việc làm của họ là vi phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm lĩnh vực tài chính tiền tệ của nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa cao, làm cho việc vi phạm mua bán ngoại tệ diễn ra hằng ngày.

Mức xử phạt quá cao so với người dân có nhu cầu đổi 100 USD để tiêu xài cá nhân chứ không phải kinh doanh, trong khi đó Nghị định không có mức phân loại vi phạm, tức là người đổi 100 USD cũng bị phạt như người đổi vài ngàn USD…

Theo tôi không nên rút quyết định xử phạt, bởi lẽ mức phạt là đúng theo quy định hiện hành, tức là ra quyết định xử phạt đúng, nếu rút lại xem như người ra quyết định xử phạt làm sai quy định tạo nên tiền lệ không tốt trong nhân dân, xảy ra mua bán ngoại tệ tràn lan mà không xử phạt được, từ đó tạo ra môi trường tuân thủ pháp luật không nghiêm. Đối với quyết định xử phạt anh Nguyễn Cà Rê theo tôi NHNN nên xem xét lại có thể giảm mức phạt hay hình thức nào khác phù hợp pháp luật.

Cần sớm nghiên cứu sửa đổi Nghị định 96/2014 cho phù hợp, đặc biệt là mức xử phạt. Trong đó có thể quy định mức phạt tương ứng với hành vi vi phạm theo từng mức độ vi phạm khác nhau. Nghị định không phân theo mức độ vi phạm là thiếu sót và gây khó khăn trong thực thi pháp luật.

Đổi USD, bị phạt: Cần Thơ khẳng định "có nhiều thông tin bị bóp méo"

Vụ đổi 100 USD: Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo “quy định nào không hợp lý phải sửa cho dân nhờ”

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Thẩm tra hoàn cảnh anh thợ điện

Lãnh đạo Bộ Tư pháp: Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng là đúng quy định

Đề xuất trả tang vật và miễn giảm tiền phạt vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ

“Chợ đen” mua bán USD vẫn nhộn nhịp dù có thể bị phạt 90 triệu

Chủ tiệm vàng nói gì về việc bị sung công 20 viên kim cương?

HUYỀN TRÂM - LAN ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/vu-doi-100-usd-phat-90-trieu-dong-cac-chuyen-gia-noi-gi-va-can-lam-gi-3477632.html