Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng: 'Khám một đằng, xử phạt một nẻo?'

Khi khám xét là khám xét nơi ở cá nhân, hộ gia đình; nhưng khi lập biên bản vi phạm thì lại lập đối với doanh nghiệp. Vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng đang tiếp tục lộ ra những tình tiết bất thường…

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: P.V

Như Lao Động đã thông tin, trong Quyết định khám xét do Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều – ông Dương Tấn Hiển ký vào ngày 24.1.2018, có ghi rõ: “Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở”.

6 ngày sau (tức ngày 30.1.2018), sau khi bắt quả tang anh Rê đang bán ngoại tệ 100 USD, công an đã dùng quyết định nêu trên để tiến hành khám xét nhà ở số 40 đường Nguyễn Đức Cảnh (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cũng là trụ sở tiệm vàng Thảo Lực).

Sau khi khám xét xong, công an tiến hành lập biên bản “tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề” đối với tổ chức vi phạm là Cty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực.

Tang vật bị tạm giữ gồm 9 hộp chứa kim loại màu trắng, kim loại màu vàng, hột đá; 1 đầu thu camera và 1 tờ tiền mệnh giá 100 USD (của anh Nguyễn Cà Rê). Ngoài ra còn có những chứng từ, sổ sách liên quan đến hoạt động kinh doanh của tiệm vàng Thảo Lực.

Như vậy, từ chỗ khám xét nơi ở là cá nhân, hộ gia đình; công an đã chuyển qua lập biên bản tạm giữ tang vật vi phạm đối với doanh nghiệp.

Quyết định khám xét tiệm vàng Thảo Lực, ghi rõ: “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở”

Trao đổi với PV Lao Động, một luật sư (xin được giấu tên) cho biết: Trong vụ việc này có sự đan xen giữa “cá nhân” và “pháp nhân”. Quyết định được Chủ tịch quận Ninh Kiều ký là để thực hiện việc khám xét hộ gia đình, cá nhân; nhưng khi ra quyết định xử phạt, thì lại là xử phạt pháp nhân – tức doanh nghiệp. Nói cho dễ hiểu là “khám một đằng, nhưng ra quyết định xử phạt một nẻo”.

Trong trường hợp Khám xét nhà ở cá nhân, gia đình thì Chủ tịch UBND quận có thẩm quyền ký quyết định; nhưng nếu là khám xét doanh nghiệp thì không thuộc thẩm quyền của quận.

“Khám xét pháp nhân là khám xét trụ sở, nơi Cty đó tọa lạc hoặc kho hàng hóa của Cty…, còn cá nhân là tài sản riêng, có thể nằm trong tủ của gia đình, không phải hàng hóa kinh doanh, cũng không phải của doanh nghiệp, nên không cần có hóa đơn chứng từ”, vị luật sư này nói.

Trao đổi với PV Lao Động – Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều – Dương Tấn Hiển khẳng định: Việc ký quyết định là đúng thẩm quyền theo khoản 2 điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính. UBND quận chỉ ký quyết định khám xét nhà ở của cá nhân ông Lê Hồng Lực, chứ không phải khám xét doanh nghiệp.

Còn Thượng ta Trần Văn Dương - Trưởng Phòng Tham mưu - người phát ngôn công an TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu đến cuối, công an đã làm đúng trình tự theo quy định pháp luật...

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vu-doi-100-usd-bi-phat-90-trieu-dong-kham-mot-dang-xu-phat-mot-neo-638320.ldo