Vụ Doanh nhân khởi nghiệp vướng lao lý: Xét xử 7 ngày vẫn chưa xác định được thiệt hại

Trong ngày xét xử thứ 7 phiên tòa sơ thẩm vụ án ' vi phạm quy định cho vay xảy ra tại Agribank Cần Thơ', đại diện VKS đề nghị giao tài sản cho Agribank xử lý thu hồi nợ.

Đại diện VKS đề nghị giao tài sản đảm bảo cho Agribank xử lý thu hồi nợ.

Luật sư Hà Huy Sơn, Đoàn LS Hà Nội cho rằng: hai năm trước Agribank đã khởi kiện vụ án kinh tế nhóm Công ty TNHH MTV Nông, thủy sản Tây Nam, TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long và 2 khoản vay cá nhân liên quan ra TAND quận Ninh Kiều để thanh lý hợp đồng vay vốn thì bị Cơ quan an ninh điều tra CA TP.Cần Thơ ngăn chặn. Hôm nay, khi đã đưa vụ án ra xét xử hình sự thì VKS lại muốn đưa vụ việc trở lại từ đầu. Phải chăng VKS muốn xác định lại thiệt hại? Điều này cho thấy đến thời điểm này VKS cũng chưa xác định chính xác con số thiệt hại.

Luật sư Hà Huy Sơn cũng phân tích: Tại thời điểm Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bị bắt 16/06/2016, Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam đang hoạt động bình thường, chưa bị mất khả năng thanh toán và chưa bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản theo Luật phá sản 2014. Nếu Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân không bị bắt thì Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam có khả năng thực hiện nghĩa vụ cúa Hợp đồng tín dụng với Agribank Cần Thơ là không thể loại trừ. Bởi vì theo Cơ quan An ninh điều tra đến ngày Nhân bị bắt Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam nợ Agribank Cần Thơ 371 tỷ đồng (Trong đó: nợ gốc 258 tỷ đồng, nợ lãi 113 tỷ đồng). Nếu lấy theo mức định giá tài sản bảo đảm tòa nhà Citimart của Agribank là 333 tỷ đồng cộng với giá trị tài sản chưa thế chấp là quyền sử dụng đất tài sản hình thành từ vốn vay 101 tỷ đồng (có ghi trong cáo trạng) thì tổng giá trị tài sản của Công ty Tây Nam tại thời điểm đó lên đến 434 tỷ đồng, sau khi thanh lý hợp đồng với Agribank thì Công ty Tây Nam còn thừa còn 63 tỷ đồng, như vậy thiệt hại ở đâu?

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM đề nghị đại diện VKS đối đáp làm rõ thêm các vấn đề: “Trong khi tòa kinh tế đang thụ lý giải quyết vụ việc thì cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc khởi tố là vì lý do gì, có người tố cáo, có đơn tố giác tội phạm không. Khi đó vụ việc dân sự tranh chấp về hợp đồng vay vốn còn chưa giải quyết thì làm sao biết được thiệt hại để làm căn cứ khởi tố vụ án?

Thứ hai, trong hơn 10 năm làm nghề tôi chưa thấy một bị cáo nào chưa nhận được cáo trạng mà bị đưa ra xét xử như bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, điều này đã cướp đi quyền tự bào chữa của bị cáo, vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng.

Thứ ba là VKS chỉ căn cứ cáo trạng mà đọc lại trong phần luận tội mà không xem xét theo diễn tiến tại phiên tòa là vi phạm luật tố tụng.

Thứ tư, Cơ quan an ninh điều tra cũng chưa chứng minh được tận cùng của dòng tiền từ vốn vay đi đến đâu, ai đang sử dụng trái phép để trên cơ sở đó truy cứu trách nhiệm, xử đúng người đúng tội.

Cuối cùng và cốt yếu trong vụ án này vẫn là việc xác định thiệt hại. Mà muốn xác định được thiệt hại thì việc định giá tài sản đảm bảo phải khách quan, chính xác, theo giá thị trường, vấn đề này cũng đã được các luật sư khác đã đề cập”.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cafatex chia sẻ: Dự án chế biến Nông thủy sản Tây Nam là dự án khởi nghiệp có ý tưởng rất tốt phù hợp với yêu cầu của vùng ĐBSCL và truyền thống hơn 40 năm của gia đình. Nếu dự án này không gặp phải những biến cố lớn như vậy thì chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong tiêu thụ nông sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Trong cáo trạng cũng như phần luận tội, VKS khẳng định: từ năm 2006-2013, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã chỉ đạo thành lập 7 công ty. Trong đó Công ty TNHH MTV Nông, thủy sản Tây Nam là do chính Nhân làm giám đốc, các công ty khác tuy do các cá nhân khác đứng tên pháp nhân nhưng đều do Nhân điều hành. Trong số này có 3 Công ty có quan hệ tín dụng với Ngân hàng là: TNHH MTV Nông, thủy sản Tây Nam, TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long. Cáo trạng cũng cáo buộc các khoản vay của cá nhân Phan Duy Phương, Hoàng Công Tám, Nguyễn Bửu Tâm là do Nhân đưa tài sản thế chấp để Phương, Tám, Tâm đứng ra vay giùm Nhân.

Tuy nhiên, Luật sư Sơn cho rằng điều này là không có cơ sở pháp lý. Bởi: “Các công ty trên được thành lập không trái với quy định pháp luật và những người đại diện cho pháp luật của các doanh nghiệp đó và các cá nhân đều có đủ năng lực hành vi và năng lực pháp luật.

Những người đại diện theo pháp luật do ai chỉ định hoặc do ai điều khiển cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật; các cá nhân nêu trên tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Cáo trạng cáo buộc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các công ty và các cá nhân nêu trên là không có căn cứ pháp luật”.

LS Trường Thành cũng như các luật sư khác đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án, khi có hậu quả thiệt hại thì mới phục hồi vụ án.

Luật sư Nguyễn Trường Thành, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Agribank cũng cho rằng: nếu tạm tính lãi lũy tiến nợ quá hạn 150% đến ngày đưa vụ án ra xét xử (18/4/2018) trên cơ sở định giá tài sản của Cơ quan điều tra thì số tiền mà nhóm doanh nghiệp và cá nhân trên phải trả cho Agribank gần 800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là lãi suất danh nghĩa còn thực tế thì từ 16/6/2016 mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân này đã dừng lại bởi bị khởi tố điều tra hình sự. Tài sản đảm bảo được định giá đúng là vấn đề cốt yếu quan trọng để Agribank xác định được có, hay không có thiệt hại trong vụ án này. Do vậy Luật sư Thành đề nghị HĐXX đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản để Agribank cùng khách hàng thương lượng thanh lý tài sản để trả nợ và lãi vay. Sau khi tất toán mà có phát sinh hậu quả thiệt hại thì cơ quan tố tụng mới tiến hành phục hồi vụ án. Đây cũng là ý kiến đề nghị của tất cả luật sư bào chữa cho bị cáo trong vụ án này.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vu-doanh-nhan-khoi-nghiep-vuong-lao-ly-xet-xu-7-ngay-van-chua-xac-dinh-duoc-thiet-hai-128392.html