Vụ doanh nghiệp lừa đảo 38 tỷ đồng ngân hàng 'diễn xiếc', trách nhiệm cơ quan quản lý đến đâu?

Trường hợp doanh nghiệp cố tình 'diễn xiếc' nhằm che giấu tình trạng hoạt động trước cơ quan quản lý nhà nước không phải là hiếm gặp. Vậy trước những hiện tượng trên, trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu và họ có buộc phải 'quàng' trách nhiệm hình sự trên vai?

Sau gần 9 năm truy tố, xét xử, vụ án Đào Hữu Tình (SN 1978, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Ban Mai) lừa đảo chiếm đoạt hơn 38 tỷ đồng của ngân hàng vẫn chưa có hồi kết. Vụ án tiếp tục bị hủy án lần thứ 2 để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo trong vụ án này tương tự nhiều vụ án lừa đảo ngân hàng. Nhóm bị cáo gồm Đào Hữu Tình và Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1977, ở Hà Nội) cùng ông Hà Văn Nga (đã mất, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Viễn Đông) đã lập khống biên bản họp Hội đồng thành viên, hợp đồng chuyển nhượng vốn của 4 thành viên Công ty Viễn Đông nhằm hợp thức hồ sơ, vay số tiền 38 tỷ đồng của ngân hàng.

Cơ quan tố tụng xác định, bị cáo Nguyễn Văn Hợi (SN 1948, ở TP. Phủ Lý, Hà Nam, nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam) có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, vào thời điểm năm 2007, Phòng ĐKKD – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam chỉ có 3 cán bộ, việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, xét duyệt cấp thay đổi ĐKKD do bị cáo Hợi đảm nhiệm.

Ngày 23/4/2007, khi ông Nga và Tình đến nộp hồ sơ xin thay đổi ĐKKD lần 5, Nguyễn Văn Hợi là người nhận hồ sơ.

Theo quy kết, bị cáo không xác minh, kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ cũ công ty nên không phát hiện việc Tình và Hằng hợp thức để vào Công ty Viễn Đông. Thực tế, không có việc chuyển nhượng cổ phần của 4 thành viên cũ cho Tình và Hằng.

Bị cáo cấp giấy ĐKKD thay đổi, ghi nhận Tình là Tổng giám đốc. Trong giấy này vẫn đề là ĐKKD thay đổi lần 4 ngày 16/6/2005. Tiếp đó, Tình và Hằng nộp giấy này cho ngân hàng làm thủ tục vay vốn.

Bị cáo Đào Hữu Tình tại tòa.

Qua xác minh tại ngân hàng và Phòng ĐKKD có lưu 2 bản ĐKKD thay đổi lần 4 của Công ty Viễn Đông. Bản thứ nhất không có tên Tình và Hằng nhưng trong bản thứ 2 lại có. Ngày 28/5/2007, sau khi các thành viên công ty khiếu nại, bị cáo Hợi ra Quyết định số 06 thu hồi và hủy bỏ nội dung trong giấy chứng nhận ĐKKD thay đổi lần 5. Tuy nhiên, UBND huyện Duy Tiên và Cục thuế tỉnh Hà Nam không nhận được văn bản này.

Vì hành vi trên, bị cáo Hợi bị xử phạt mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo. Bị cáo kêu oan lên cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.

Ranh giới mong manh

Dẫn khoản 1 và khoản 3, Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2005, luật sư Nguyễn Quang Hùng, bào chữa cho bị cáo Hợi cho rằng, khi nhận hồ sơ, Phòng ĐKKD phải kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.

Nếu hồ sơ có đủ các giấy tờ theo quy định thì cấp giấy chứng nhận, nếu thiếu thì yêu cầu doanh nghiệp bổ sung. Còn tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ là thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại bản kết luận giám định số 1803/PC45 ngày 30/3/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an TP. Hà Nội kết luận “chữ ký của các ông Bùi Văn Tuyến trên biên bản họp công ty ngày 23/4/2007 và trên hợp đồng chuyển nhượng vốn so với tài liệu mẫu có một số đặc điểm giống nhau, nhưng do mẫu so sánh quá ít và không ổn định nên không đủ cơ sở kết luận”.

“Không có bất kỳ quy định nào trong hệ thống pháp luật quy định ông trưởng phòng ĐKKD phải chịu trách nhiệm xác định chữ ký thật hay giả có trong hồ sơ. Huống hồ một đơn vị chuyên nghiệp về giám định không xác định chữ ký đó là thật hay giả”, luật sư phân tích.

Luật sư cũng cho rằng, ngay khi có đơn thư khiếu nại, bị cáo Hợi ban hành Quyết định số 06 gửi đến các nơi theo đúng quy định. Việc quyết định này không đến được hết các địa chỉ nhận không thuộc trách nhiệm của bị cáo. Nếu trong quyết định 06, bị cáo Hợi không đề đầy đủ những nơi cần gửi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì mới có căn cứ khẳng định ông Hợi thiếu trách nhiệm. Còn sai sót kỹ thuật về ngày cấp và lần thay đổi thuộc về mặt hình thức văn bản và là lỗi trong nghiệp vụ hành chính.

Theo Nghị định 37/2003/NĐCP ngày 10/4/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thì thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam. Mặt khác, trong hồ sơ vụ án thể hiện mối quan hệ vay vốn của ngân hàng có trước khi công ty thay đổi ĐKKD. Nếu doanh nghiệp thực hiện đúng Quyết định 06 thì giấy ĐKKD trên không còn hiệu lực pháp luật.

Những vụ án doanh nghiệp cố tình gian dối, lập hồ sơ khống để qua mặt ngân hàng vẫn xảy ra khá phổ biến, nhưng việc truy tố hình sự một cán bộ trong việc cấp, đổi giấy phép ĐKKD như trường hợp trên là cá biệt và hy hữu. Khi ranh giới xử lý hành chính và hình sự trong các vụ án kinh tế rất mong manh thì việc xác định yếu tố lỗi và hậu quả phải được xem xét, đánh giá cẩn trọng.

Đỗ Mến

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-dinh/vu-doanh-nghiep-lua-dao-38-ty-dong-ngan-hang-dien-xiec-trach-nhiem-co-quan-quan-ly-den-dau-209275.html