Vụ doanh nghiệp khai thác mỏ cát vượt độ sâu gây sạt lở, ô nhiễm... ở Huế: Tạm đình chỉ

Việc khai thác cát của Công ty CP Vật liệu xây dựng 368 tại Thừa Thiên Huế quá độ sâu cho phép, gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã tạm đình chỉ hoạt động khai thác...

Những hố sâu, rộng… mà Công ty 368 khai thác cát đã để lại

Liên quan đến việc Công ty CP Vật liệu xây dựng 368 (Công ty 368) khai thác mỏ cát Bãi Trằm tại thôn Thủy Dương (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vượt độ sâu gây sạt lở, ô nhiễm... mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, đang hoàn thiện hồ sơ trình lên UBND tỉnh để xử lý những vi phạm xung quanh việc khai thác tại mỏ cát Bãi Trằm.

“Sau khi phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra hoạt động khai thác tại mỏ cát Bãi Trằm, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã lập biên bản, yêu cầu công ty dừng khai thác cát tại khu vực này, hoàn tất hồ sơ để trình UBND tỉnh đưa ra hướng xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết luận chính thức từ UBND tỉnh chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin...”- ông Nguyễn Quang Dũng , Phó trưởng phòng TN&MT - Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết.

Sau khi biết được thông tin trên, vào chiều muộn 20/11, PV trở lại hiện trường của mỏ cát Bãi Trằm và nhận thấy rằng, tại đây không còn xe múc hoạt động và cũng không có xe tải nào ra vào rầm rộ như trước để chở cát. Khung cảnh yên bình của làng quê nghèo đã trở lại.

Qua quan sát từ xa, có 2 hố nước xanh sâu hoắm, nham nhở... nằm gần nhau rộng trên diện tích nhiều ha. Hầu như không có rào chắn mà chỉ có một ít dây trắng mỏng nhưng đã rơi xuống mặt đất. Lúc trước không có biển cảnh báo nhưng giờ đây cả 2 hồ đều được doanh nghiệp dựng biển với dòng chữ màu đỏ “hố sâu nguy hiểm”.

Rào chắn sơ sài, nguy hiểm

Tình trạng sạt lở hai bên các hồ xuất hiện rất nhiều, cây cối xói rễ, một số cây nhỏ rơi xuống hồ và nếu mưa kéo dài thì chắc chắn cây lớn cũng đổ ngã. Con đường đi vào cũng còn khá nham nhở...

Gặp PV, ông Lê Văn Dũng (thôn Thủy Dương) chia sẻ: “Họ dừng hơn tuần rồi, xe múc cũng mang đi luôn. Nhưng không biết khi nào mới hoàn trả lại mặt bằng để người dân an tâm, chứ những hố to thế nguy hiểm lắm, nhất là trời mưa và tối...”.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Vương Đình Cẩm - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến thông tin việc múc cát của Công ty 368 đúng là đã dừng nhưng không biết khi nào họ mới hoàn trả mặt bằng.

“Vấn đề này do UBND tỉnh và huyện xem xét chứ địa phương cũng chẳng làm được gì. Mong rằng họ sớm hoàn thổ cho dân cả mùa mưa bão đã đến thì quá nguy hiểm...”- ông Cẩm nói.

Còn đại diện Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng vấn đề của Công ty 368 tại mỏ cát Bãi Trằm thì Sở không quản lý mà thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, huyện và Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Biển cảnh báo được dựng nên sau khi người dân và báo chí phản ánh

Như Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã phản ánh, vào năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản số 31/GP-UBND cấp phép cho Công ty 368 khai thác cát tại Bãi Trằm (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) để làm vật liệu san lấp.

Tuy nhiên, dù được cấp phép nhưng nhiều xe tải liên tục ra vào, “quần thảo” tuyến đường đi vào khu sinh thái Suối Voi khiến bụi bay mù mịt, nhiều đoạn xuất hiện “ổ gà” làm giao thông đi lại khó khăn. Cát được chất cao trên xe rơi vãi xuống đường, theo gió bay vào nhà dân. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch tại địa phương.

Việc múc cát khiến xung quanh là ruộng vườn và nhiều diện tích keo tràm của dân sạt lở nặng. Không những thế, việc khai thác cát còn vượt quá độ sâu cho phép nhưng không có ai can thiệp.

Bởi theo nội dung giấy phép, doanh nghiệp được khai thác cát trên diện tích 3ha, độ sâu so với bề mặt hiện trạng là 3 mét… Nhưng nếu chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận biết so với quy định thì những hố nước rộng mênh mông và sâu kia cũng đã vượt mức cho phép.

Tình trạng sạt lở cây cối, vườn tược luôn tiềm ẩn trong mùa mưa bão

“Họ múc đã hơn 5 mét. Điện đường không có trong khi mưa xuống thì tối om mà trẻ em ở đây cũng hay ra chơi nên chúng tôi cũng lo. Mong cơ quan chức năng sớm giải quyết cho bà con để yên ổn sinh sống...”- bà Lê Thị Mến (55 tuổi, thôn Thủy Dương) chia sẻ.

Cũng theo nhiều người dân thôn Thủy Dương, tại Bãi Trằm đã xảy ra việc một con nghé của người dân bị chết do rơi xuống hố sâu. Ngoài ra trước việc đời sống bị ảnh hưởng, đường sá xuống cấp; bà con nơi đây từng nhiều lần chặn xe chở cát của Công ty 368.

Theo một cán bộ phòng TN&MT huyện Phú Lộc, doanh nghiệp đã kí quỹ bảo vệ môi trường với mức hơn 200 triệu đồng. Nếu sau này doanh nghiệp hoàn thổ mặt bằng không đảm bảo, ảnh hưởng đến dân sinh thì chính quyền địa phương sẽ dùng số tiền này để thực hiện việc hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên qua ước tính thì số tiền trên chỉ mới đủ hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa đường sá hư hỏng do vận chuyển cát gây nên...

Được biết, giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho Công ty 368 khai thác tại Bãi Trằm đến hết ngày 24/12/2018.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/vu-doanh-nghiep-khai-thac-mo-cat-vuot-do-sau-gay-sat-lo-o-nhiem-o-hue-tam-dinh-chi-1261911.html