Vụ đình chỉ để né bồi thường: Trích xuất bị can sai luật

Theo chuyên gia, việc CQĐT trích xuất bị can ra ký hợp đồng chuyển nhượng đất cho chủ nợ để cấn nợ, dựa theo đơn yêu cầu của chủ nợ là sai luật và bất bình thường.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ án oan của ông Nguyễn Hồng Nhật tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), sáng 22-9, ông Nhật tiếp tục đến tòa soạn trình bày về nội dung ông đang tố cáo CQĐT Công an huyện Nhà Bè “ép” ông bán đất cấn nợ cho chủ nợ với giá rẻ mạt khi ông đang bị tạm giam.

“Tôi không hề yêu cầu, không muốn bán đất”

Theo hồ sơ, ngày 23-12-2015, CQĐT Công an huyện Nhà Bè có công văn đề nghị trại tạm giam Chí Hòa trích xuất ông Nhật ra gặp nhân viên Phòng công chứng số 1 để thỏa thuận về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng hai thửa đất do ông Nhật đứng tên cho bà Nguyễn Thị Huấn (người tố giác ông Nhật lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) để khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Hai ngày sau, tại trại tạm giam, ông Nhật được trích xuất để ký hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất trên cho bà Huấn với giá 100 triệu đồng.

Ông Nhật kể trước đó, tháng 8-2015, bà Huấn từng gặp ông tại một quán cà phê để thỏa thuận việc chuyển nhượng hai thửa đất trên trừ nợ nhưng ông không đồng ý (nội dung này có trong kết luận điều tra). Từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông không hề yêu cầu, không hề muốn bán đất nhưng không hiểu sao CQĐT vẫn trích xuất ông ra ép bán đất cho chủ nợ để khắc phục hậu quả.

“Tôi không hiểu biết pháp luật, lúc đó đang bị tạm giam nên rất hoảng loạn. Tôi nghe điều tra viên hứa sẽ được nhẹ tội, không bị tạm giam nếu ký bán đất cho bà Huấn nên tôi ký đại bán hai thửa đất cho bà ấy với giá rẻ mạt chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá thị trường của hai thửa đất này khoảng 2 tỉ đồng, gấp nhiều lần số tiền bà Huấn từng đưa cho tôi. Chưa kể, thời điểm đó trên đất còn có vợ và hai con tôi đang sinh sống nhưng họ cũng không hề được CQĐT hỏi ý kiến” - ông Nhật bức xúc.

Ông Nhật kể ông được trích xuất một lần vào ngày 25-12-2015, tại trại tạm giam, lúc ông ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng chỉ có công chứng viên và điều tra viên, không có bà Huấn và lúc đó trên hợp đồng chuyển nhượng cũng không có chữ ký của bà Huấn.

Theo ông Nhật, khi bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản, ông còn không biết mình bị oan, cứ nghĩ có nợ mà chưa trả là có tội nên sau phiên tòa sơ thẩm, ông chỉ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. “Tôi không có tiền thuê luật sư (LS), cho đến khi bản án sơ thẩm bị tòa phúc thẩm hủy, tôi đi nhờ LS tư vấn đòi lại hai thửa đất thì mới được chỉ ra là mình bị oan” - ông Nhật kể.

Ông Nhật và thửa đất mà ông cho rằng bị ép bán. Ảnh: YC

Sai luật và bất bình thường

Trước đây, trả lời PV về tố cáo của ông Nhật, Công an huyện, VKSND huyện Nhà Bè đều cho rằng việc CQĐT trích xuất ông Nhật căn cứ vào đơn yêu cầu của bà Huấn, lý do trích xuất và thủ tục trích xuất được thực hiện đúng theo Điều 20 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Việc ông Nhật cho rằng CQĐT có sự thông đồng, giúp sức cho bà Huấn, lợi dụng ông trong hoàn cảnh bế tắc, cùng quẫn để buộc ông ký hợp đồng chuyển nhượng đất với giá rẻ mạt là không có căn cứ.

Về mặt pháp lý, theo LS Thái Văn Chung (Đoàn LS TP.HCM), Điều 76 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Sau đó, theo Nghị quyết 144/2016 của Quốc hội quy định về việc lùi hiệu lực thi hành của một số luật thì Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2018. CQĐT trích xuất ông Nhật vào ngày 25-12-2015, trước ngày Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực nhưng CQĐT lại căn cứ vào Điều 20 luật này là áp dụng sai luật.

Đúng ra ở thời điểm trích xuất ông Nhật, CQĐT phải áp dụng Văn bản hợp nhất số 13/2014 của Bộ Công an (hợp nhất các nghị định số 89/1998, số 98/2002, số 09/2011 của Chính phủ) có kèm theo quy chế về tạm giữ, tạm giam.

Điều 21 quy chế này quy định như sau:

“1. Việc trích xuất người bị tạm giam, tạm giữ để tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ trong các trường hợp sau:

a) Đưa đi khám, chữa bệnh, giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần;

b) Để thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;

c) Cho gặp thân nhân, LS hoặc người bào chữa khác;

d) Cho người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam tiếp xúc lãnh sự hoặc tiếp xúc với các tổ chức nhân đạo theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, hoặc theo sự thỏa thuận trực tiếp của Nhà nước Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam hoặc vì lý do đối ngoại đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Ngoài những trường hợp trích xuất quy định tại khoản 1 điều này, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới đây:

a) Khi có quyết định của cơ quan quản lý trại giam đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam;

b) Khi có quyết định của hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;

c) Khi có quyết định của cơ quan thụ lý vụ án chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;

d) Để tiến hành các hoạt động quy định tại khoản 1 điều này ở bên trong khu vực nhà tạm giữ, trại tạm giam. Trong trường hợp đó, trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam căn cứ vào quyết định phân công thụ lý vụ án, văn bản của cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý cho thân nhân, LS, người bào chữa khác, đại diện cơ quan, tổ chức nước ngoài thăm gặp, tiếp xúc với người bị tạm giữ, tạm giam để quyết định đưa người bị tạm giữ, tạm giam ra khỏi buồng giam, giữ.

Cạnh đó, khoản 2 Điều 22 quy chế này có quy định: “Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, LS hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định”.

Như vậy, việc trích xuất ông Nhật để chuyển nhượng đất cho chủ nợ bên trong trại tạm giam theo đơn yêu cầu của chủ nợ hoàn toàn không thuộc một trong các trường hợp trích xuất nêu trên. Trong thời giam bị tạm giữ, tạm giam, người có thẩm quyền chỉ được trích xuất người bị tạm giam để gặp thân nhân, LS hoặc người bào chữa khác. Hoàn toàn không có quy định nào cho phép trích xuất bị can ra gặp chủ nợ, bị hại để giao dịch dân sự cả.

Theo luật mới cũng sai

Cần nói thêm khoản 3 Điều 19 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 có quy định về vấn đề này: “Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án”. Như vậy, kể cả nếu áp dụng Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ 2015 thì việc làm trên cũng trái luật vì người bị tạm giam không được trực tiếp giao dịch dân sự mà phải thông qua người đại diện.

“Trong giai đoạn điều tra, việc bị can muốn khắc phục hậu quả phải dựa trên sự tự nguyện của họ. Tại sao ông Nhật không có đơn yêu cầu khắc phục hậu quả mà CQĐT lại trích xuất ông bán đất dựa vào ý chí đơn phương của chủ nợ? Trong hợp đồng chuyển nhượng cũng không có điều khoản nào nói về việc ông Nhật bán đất để khắc phục hậu quả. Cạnh đó, nếu thực sự giá trị hai thửa đất gần 2 tỉ đồng nhưng ông Nhật chỉ bán với giá 100 triệu đồng trong khi ông bị bà Huấn tố cáo chiếm đoạt 459 triệu đồng là vô lý. Trong điều kiện bình thường, không ai lại bán đất với giá rẻ mạt chưa đến 1/4 số tiền bị tố chiếm đoạt” - LS Chung đặt vấn đề.

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ Công an huyện, VKSND huyện Nhà Bè để làm rõ thêm và thông tin tới bạn đọc.

Từ chuyện làm ăn chung đến bị kết án

Theo hồ sơ, từ năm 2006 đến 2014, ông Nguyễn Hồng Nhật nhiều lần môi giới cho bà Nguyễn Thị Huấn mua đất ở Nhà Bè. Trong tám năm này, bà Huấn đưa tổng cộng 459 triệu đồng cho ông Nhật để nhờ ông thực hiện các thủ tục nhà đất. Sau đó có việc ông Nhật làm được cho bà Huấn, có việc ông chưa làm. Từ tháng 8-2014, hai bên có gặp nhau mấy lần làm giấy xác nhận và thỏa thuận miệng là ông Nhật có nợ tiền bà Huấn và hứa sẽ trả tiền. Do ông Nhật chưa trả nợ nên tháng 7-2015, bà Huấn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản.

Công an, VKSND huyện Nhà Bè khởi tố, truy tố ông Nhật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tháng 1-2017, TAND huyện Nhà Bè xử sơ thẩm, phạt ông Nhật bảy năm tù về tội này.

Bản án trên đã bị TAND TP.HCM xử phúc thẩm hủy toàn bộ vì chưa đủ căn cứ xác định ông Nhật phạm tội gì. Tháng 6-2018, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do hành vi phạm tội của ông Nhật không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Hiện ông Nhật (bị tạm giam gần hai năm) đang khiếu nại kêu oan.

Không có quy định cho phép

Trong thực tiễn, bị can có thể thông qua thân nhân đề nghị văn phòng công chứng, căn cứ vào khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014 về việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở, đề nghị CQĐT cho công chứng vào trại tạm giam để công chứng văn bản ủy quyền cho thân nhân đại diện thực hiện các giao dịch dân sự. Trường hợp này cũng chỉ thân nhân bị can và công chứng viên được vào gặp, hoàn toàn không có quy định nào cho phép CQĐT dẫn chủ nợ, bị hại… vào trại và trích xuất bị can ra để giao dịch.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/vu-dinh-chi-de-ne-boi-thuong-trich-xuat-bi-can-sai-luat-794537.html