Vũ điệu múa trống Sadăm

Trong các lễ hội, người Khmer thường tổ chức múa ở mọi nơi, từ sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà và không có giới hạn người tham gia. Chính vì vậy, dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại cùng nhiều loại hình giải trí, nhưng điệu múa trống Sadăm của người Khmer vẫn gắn bó mật thiết với đời sống.

Vui nhộn múa trống Sadăm, đeo mặt nạ chú khỉ Hanuman phục vụ Lễ hội dâng y cà sa của bà con Khmer xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Ảnh: Phương Nghi

Múa trống Sadăm (Chhayyăm) là điệu múa thường được thanh thiếu niên Khmer ưa thích. Trong loại hình nghệ thuật này, trống và chiêng vừa là nhạc cụ đệm, vừa là đạo cụ múa. Trống Sadăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Sadăm thường có từ 4 đến 6 cái trống Sadăm, 2 cái cuôl (chiêng) cùng với chul (chum chọe) và krap (gõ sênh). Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Sadăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng.

Vào những ngày lễ hội lớn, người múa trống Sadăm còn đeo mặt nạ với nhiều gương mặt khác nhau trông rất ngộ nghĩnh và lạ mắt. Khi biểu diễn tiết mục múa này đòi hỏi phải có một cái sân rộng, diễn viên đứng ở 4 góc. Khi bắt đầu diễn, tiếng trống và cồng vang lên dồn dập, liên hồi cùng những điệu bộ rất nhịp nhàng hết quay rồi lại nhảy khá dí dỏm.

Anh Sơn Sà Rươl, đội múa trống Sadăm chùa Bốn Mặt, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết, để có tiết mục múa trống Sadăm đặc sắc, các thành viên của đội trống phải quyện thành một trong khi biểu diễn. Nghĩa là, tiếng vỗ trống, đánh chiêng phải đều, đặc biệt là tiếng “hét nhịp” phải thật đều, từng nhịp múa, nhào lộn phải đều nhau, uyển chuyển từng thành viên giữ cự ly hợp lý trên từng sân khấu khác nhau. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đem lại niềm vui cho đồng bào dân tộc Khmer vào dịp lễ, tết là tiêu chí hàng đầu của đội trống Sadăm.

Múa trống Sadăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm những động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống, đến phức tạp hơn như đánh bằng cùi chỏ, bằng gót chân hoặc bất ngờ đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa, vừa làm xiếc với trống. Một số động tác phá cách như người nằm thẳng dưới sàn hai tay vẫn múa trống, hai người múa trống có thể bắt tay đánh chuyền qua trống làm cho điệu múa trống Sadăm thêm phong phú và hấp dẫn.

Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Chơn Rơn, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm, với những nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm, có sức khỏe tốt và sự dẻo dai, có thể biểu diễn động tác nâng trống Sadăm lên bằng miệng rất chuyên nghiệp. “Những động tác bất ngờ, vui nhộn cộng với mặt nạ hóa trang hài hước và âm thanh vui tai khiến cho màn múa trống Sadăm luôn có sức thu hút mạnh mẽ người xem. Múa trống Sadăm còn có sự kết hợp điêu luyện của những chú khỉ Hanuman với các động tác như cười, lạy, gãi, nhảy, âu yếm hòa quyện rất nhịp nhàng với tiếng trống làm cho buổi diễn thêm sinh động và vui nhộn” – Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Chơn Rơn chia sẻ.

Thưởng thức múa trống Sadăm sẽ đem lại cho chúng ta một cảm giác thật hào hứng, sảng khoái, cười không ngớt bởi những trò trêu trọc của các diễn viên múa.

Phương Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vu-dieu-mua-trong-sadam/