Vũ điệu của cô bé nhút nhát Otsuka Ikumi

TGTTO Từng chuyển động, đường nét, bước nhảy… được Ikumi đẩy đến giới hạn tối đa sức chịu đựng và độ dẻo cơ thể, mang lại một màn trình diễn múa đương đại đậm đặc độ khó về kỹ thuật và thật giàu cảm xúc.

Màn mở đầu của vở diễn Shaka (khúc tạ tội) do Ikumi biên đạo và biểu diễn

Trò chuyện cùng phóng viên Thế Giới Tiếp Thị Online ngay sau buổi diễn trong chương trình J-Dance do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam giới thiệu tại Hà Nội, khác hẳn với phong thái mạnh mẽ, rắn rỏi, tự tin, đầy sức sống trên sàn diễn, nữ nghệ sĩ Ikumi ở đời thường trông giản dị và nhút nhát hơn rất nhiều, nhất là khi nghe nói được phỏng vấn trả lời trước báo giới Việt Nam trong chuyến biểu diễn vở múa đương đại Shaka (khúc tạ tội) do chính Ikumi biên đạo và thực hiện.

Dù biết tính khiêm tốn, rụt rè, là một điểm chung dễ nhận mỗi khi tiếp xúc cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ Nhật Bản, nhưng cái nhút nhát của Ikumi có lẽ mang “độ khó” cao hơn nhiều. Cũng phải, bởi đây là chuyến lưu diễn nước ngoài đầu tiên của cô bé sinh 1993 này.

Ikumi đưa cả cảm xúc lo lắng vào trong các động tác diễn xuất

Chương trình J-Dance diễn ra vào lúc 20 giờ trong hai tối 07 và 08/12/2018 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội. Dù hàng năm có rất nhiều chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ đến từ Nhật Bản ở các loại hình nghệ thuật như kịch câm, múa đương đại, nhảy múa đường phố… nhưng đây là lần đầu tiên một chương trình biểu diễn tập trung vào chuyên đề nói lên sự đa dạng của loại hình biểu hiện cơ thể - xu hướng nghệ thuật đang phát triển mạnh tại Nhật.

Và tác phẩm Shaka của Ikumi là một trong bốn vở diễn lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam.

Một động tác thăng bằng mang ngôn ngữ riêng của Ikumi

Trong số năm nghệ sĩ tham gia trình diễn trong chương trình J-Dance, nữ nghệ sĩ trẻ Ikumi tuy có ít kinh nghiệm trình diễn trước các sân khấu lớn so với bốn nghệ sĩ còn lại, nhưng cũng là người được đào tạo bài bản về múa từ thuở nhỏ.

Chính thức theo con đường múa đương đại từ năm 18 tuổi, tốt nghiệp môn múa hiện đại phương Tây của khoa Sân khấu, Đại học Nghệ thuật Nihon, xuất hiện nhiều trong tác phẩm của các nghệ sĩ như Shibata Emi, Sakai Aya, Ogasawara Daisuke, biên đạo và trình diễn các tác phẩm múa đương đại tại Nhật bản, nhận được nhiều giải thưởng về múa, tiêu biểu có giải Khán giả bình chọn trong chương trình truyền hình của Nhật “Tôi muốn xem khiêu vũ”.

Những chuyển động nhịp nhàng của tay chân, mang sự kết hợp liên hoàn trong vở diễn

Nói về chuyến biểu diễn nước ngoài đầu tiên, Ikumi chia sẻ: “Lần đầu tiên lưu diễn ngoài nước, lại đồng hành cùng những nghệ sĩ lớn trong bộ môn múa đương đại Nhật Bản, họ đều là bậc thầy của tôi nên cảm giác vui mừng vừa phải nhưng lo lắng nhiều hơn. Tuy nhiên ngôn ngữ chính của chương trình J-Dance là biểu hiện cơ thể, nên tôi đưa những lo lắng ấy vào tác phẩm.

Nhờ chuyến đi này, tôi hy vọng có thêm cách nhìn, cách cảm nhận về cuộc sống để giúp cho các động tác trình diễn được phong phú hơn”.

Một chuyển động xoay thử thách giới hạn của khớp tay trong vở múa Shaka

Khi xem vở múa của Ikumi, khán giả có cảm giác như nín thở theo dõi từng chuyển động mà nữ nghệ sĩ thể hiện. Âm nhạc, tiếng động được tiết giảm tối đa, chỉ có chuyển động liên hồi, kể về câu chuyện một kiếp người, từ khi chưa sinh ra đã gánh vác trong mình hiện tại, gánh vác tội lỗi của loài người. Khán giả không chỉ cảm rõ độ khó trong từng cử động – dù rất nhỏ của Ikumi, mà còn phiêu theo cảm xúc của tác giả theo những lo âu, phiền muộn, cùng băn khoăn trăn trở kiếp người.

Tất cả được diễn tả qua ngôn ngữ cơ thể, khi nhanh – chậm, khi giản đơn, khi cực kỳ phức tạp với những kết nối chuyển động liên hoàn.

Yếu tố kỹ thuật, độ khó cao là đặc trưng của vũ đạo hình thể

Chỉ với một dáng ngồi đậm yếu tố thiền, Ikumi phô diễn trên đó muôn vàn động tác khác lạ, nữ nghệ sĩ tâm sự: “Tôi không bắt đầu vở diễn bằng những chuyển động quá mạnh mẽ, phức tạp, mà rất chậm rãi, nhẹ nhàng với dáng ngồi, được mô phỏng theo hình tượng con ếch và phát triển các chuyển động dựa trên trí tưởng tượng âm thanh của ấm nước đang nấu sôi. Có lúc tôi chuyển động song hành theo tiếng nước, có lúc tôi chuyển động trước khi âm thanh ấy đến”.

Những nhanh – chậm ấy trong chuyển động của Ikumi còn được biểu đạt bằng một ngôn ngữ hình thể phức tạp, mang độ khó cao, đặc biệt là những động tác xoay, vặn cơ khớp, hay giữ thăng bằng, rất khó thực hiện nhuần nhuyễn nếu không qua dày công khổ luyện.

Dáng ngồi mô phỏng theo hình dáng chú ếch trong tiểu thuyết mà Ikumi yêu thích có tên Thiên đường của ếch

Khi được hỏi về ngôn ngữ chuyển động mà Ikumi tâm đắc trong vở diễn, nữ nghệ sĩ tiết lộ: “Trong động tác biểu hiện cơ thể, yếu tố kỹ thuật và độ khó luôn được chú trọng, còn điều tôi luôn phấn đấu và nỗ lực, chính là đẩy từ kỹ thuật cơ bản lên độ khó tối đa, dựa trên sức chịu đựng và giới hạn cơ thể. Mỗi lần trình diễn, tôi đều cố gắng vượt qua những giới hạn ấy của bản thân”.

Cùng một động tác kỹ thuật nhưng Ikumi luôn muốn đẩy đến tối đa giới hạn của cơ thể và sức chịu đựng bản thân.

THIÊN AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vu-dieu-cua-co-be-nhut-nhat-otsuka-ikumi-19915.html