Vụ diệt chủng Rwanda: Nghi phạm cuối cùng bị bắt

Cảnh sát Pháp vừa cho biết đã bắt giữ nghi phạm chủ chốt cuối cùng - trong vụ diệt chủng ở Rwanda- một trong những vụ diệt chủng khủng khiếp nhất thế kỷ XX khiến 800.000 thiệt mạng. Đó là Felicien Kabuga, một trong những người đàn ông được coi là giàu nhất Rwanda.

Một ngôi mộ tập thể của những nạn nhân vụ diệt chủng ở Rwanda 1994.

Một ngôi mộ tập thể của những nạn nhân vụ diệt chủng ở Rwanda 1994.

Bị bắt sau 25 năm trốn chạy

Félicien Kabuga, một trong những kẻ chạy trốn bị truy nã gắt gao nhất thế giới, người được cho là nhân vật hàng đầu trong cuộc diệt chủng năm 1994 chống lại người Tutsi và người Hutus ôn hòa ở Rwanda. “Félicien Kabuga đã bị bắt hôm thứ Bảy 16/5 trong một hoạt động phối hợp với chính quyền Pháp”- Liên Hợp Quốc nói trong một tuyên bố.

Tuyên bố cho biết Kabuga, 84 tuổi, đã sống ở Asnieres-sur-Seine phía Bắc Paris và đã lẩn trốn với sự đồng lõa của các con. “Vụ bắt giữ được thực hiện vào lúc bình minh và cuối cùng đã bắt giữ được nghi phạm mà các cơ quan tư pháp trên khắp thế giới đã tìm kiếm, truy bắt trong 25 năm qua”- bản tuyên bố cho biết thêm.

Các điều tra ban đầu cho thấy Felicien Kabuga là nhà tài trợ của nạn diệt chủng ở Rwanda. Đồng thời Kabuga cũng đã giúp xây dựng Đài Phát thanh-Truyền hình Libre des Mille Collines và tổ chức các chương trình nhằm kích động mọi người thực hiện vụ thảm sát.

Nghi phạm này đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế của Liên Hợp Quốc truy tố năm 1997 về 7 tội danh trong đó có tội diệt chủng. Người dân và những nạn nhân của vụ diệt chủng Rwanda đã gọi Kabuga là tên đồ tể.

Theo điều tra, trước khi đến Pháp để lẩn trốn, Kabuga đã dành thời gian ở Đức, Bỉ, Cộng hòa Dân chủ Congo, Kenya và Thụy Sĩ. Các nhân viên an ninh Hoa Kỳ năm 2003 đã không bắt được Kabuga,và đưa ra số tiền thưởng 5 triệu USD cho ai phát hiện, trong một nỗ lực để dụ anh ta đến nhà của một doanh nhân người Kenya.

Nỗi đau chồng chất

Chỉ trong thế kỷ XX, Rwanda- một quốc gia nghèo của châu Phi- đã chịu 3 cuộc diệt chủng quy mô lớn với các mâu thuẫn chứa đựng xung quanh vấn đề sắc tộc. Cả 3 cuộc diệt chủng đều do mâu thuẫn giữa người Hồi giáo ở Rwanda, người Tutsi dân tộc thiểu số và người Hutus.

Vào ngày 27/4/1972, một cuộc nổi dậy lớn của người Hutus nổ ra. Tuy nhiên 300.000 người Hutus, trong đó 50.000 trẻ em đã bị quân đội Tutsi giết hại. Còn trong Báo cáo của Ủy ban điều tra quốc tế về Burundi (năm 2002), từ 80.000 đến 210.000 người đã bị sát hại. Hàng trăm nghìn người Hutus phải chạy sang các nước láng giềng.

Năm 1993, những kẻ cực đoan trong quân đội Tutsi đã sát hại Tổng thống người Hutus. Ngay lập tức nó gây ra sự giận dữ trong dân chúng Hutus. Người Hutus bị kích động tràn đi với dao rựa chém giết người Tutsi trên khắp cả nước. Mặc dù Chính phủ tuyên bố 25.000 người Tutsi bị giết, nhưng các thống kê dân số năm sau đó chỉ ra dân số Tutsi của Burundi giảm hơn 100.000 người.

Nhưng chỉ hơn một năm sau, năm 1994, bạo lực bùng phát sau khi một chiếc máy bay chở Tổng thống Rwanda khi đó là Juvenal Habyarimana, một người dân tộc Hutus, bị bắn hạ vào ngày 6/4//1994. Những kẻ cực đoan người Hồi giáo ở Rwanda nhắm vào người Tutsi dân tộc thiểu số và người Hutus ôn hòa, trong một số trường hợp tàn sát các gia đình trong nhà của họ và đốt nhà thờ với những người bên trong.

Thống kê cho thấy 75% dân số Tutsi, khoảng 800.000 người Tutsi người đã bị giết. Khoảng 400.000 người Tutsi sống sót bỏ chạy qua các nước láng giềng. Đất nước gần như sạch bóng người Tutsi. Ngoài ra, 200.000 người Hutus ôn hòa, và đặc biệt là 30% dân số người Twa vốn đã rất ít cũng bị thảm sát do bị cáo buộc giúp đỡ người Tutsi. Họ được coi là những nạn nhân bị lãng quên của cuộc diệt chủng.

“Với một đất nước chịu nhiều đau khổ về nạn diệt chủng như Rwanda việc bắt giữ Felicien Kabuga hôm nay là lời nhắc nhở rằng những người chịu trách nhiệm về tội diệt chủng sẽ bị đưa ra xét xử thậm chí là sau 26 năm kể từ khi tội ác diễn ra. Vụ bắt giữ không thể được thực hiện nếu không có sự hợp tác và kỹ năng tinh nhuệ của chính quyền Pháp” - Công tố viên trưởng Serge Brammertz nói.

Đình Tú

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/vu-diet-chung-rwanda-nghi-pham-cuoi-cung-bi-bat-466586.html