Vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Xem xét đình chỉ chức vụ, bãi nhiệm tư cách ĐBQH

Trong cuộc họp báo diễn ra từ 17 giờ ngày 1-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP thông tin về việc ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch và thống nhất các hướng xử lý ngay trong tháng 9 này

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc

Trước đó, hãng tin Al Jazeera tung loạt bài viết cho biết chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus) cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sẽ sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.

ĐBQH Phạm Phú Quốc được Al Jazeera nêu tên trong danh sách những người nước ngoài đã sở hữu hộ chiếu Cộng hòa Síp.

Trả lời báo chí ngay đó, ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông "mua" quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera.

Ông Phạm Phú Quốc sinh năm 1968, quê quán: huyện Triệu Phong, Quảng Trị; trình độ chính trị: Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế.

Ông Phạm Phú Quốc hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trước đó ông từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Ông Phạm Phú Quốc là ĐBQH khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:

1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1-1-2021) bổ sung điểm a vào sau khoản 1 Điều 22 với yêu cầu ĐBQH "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam".

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-hop-bao-vu-dai-bieu-quoc-hoi-pham-phu-quoc-co-2-quoc-tich-20200901161317635.htm