Vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân (Thuận An-Bình Dương): Không thể dùng tiền hợp thức hóa sai phạm

Vụ đấu giá khu dân cư Hòa Lân (Thuận An, Bình Dương) đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Các bên liên quan như Agribank Chợ Lớn, Công ty Kim Oanh liên tục đưa ra những luận điểm phản biện càng làm bộc lộ những điểm bất thường từ cuộc đấu giá này.

Agribank Chợ Lớn bỏ qua quy định của Luật?

Dự án khu dân cư Hòa Lân có tổng diện tích 490.765,1m2, trong đó diện tích được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất là 246.853.1m2. Khoản 2 Điều 173 Luật đất đai 2013 quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất".

Theo đó, phần diện tích đất được Nhà nước giao mà không thu tiền sử dụng đất nằm trong dự án Hòa Lân là phần đất không được giao dịch với bất cứ hình thức nào, chỉ có thể được chuyển đổi nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Bình Dương đồng ý cho chuyển đổi chủ đầu tư dự án.

Thế nhưng, phần đất này lại được Agribank Chợ lớn giao cho Công ty đấu giá mang ra bán. Trong Biên bản bán đấu giá tài sản ngày 25/5/2017 có ghi rõ: Tài sản bán đấu giá là toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân, trong đó liệt kê rõ phần diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất bao gồm 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Để có thể có được số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như nêu trên, phải chăng ngân hàng Agribank đã bỏ qua các quy định của Luật đất đai để nhận thế chấp phần tài sản không được phép giao dịch và sau đó tiếp tục mang đi bán đấu giá?

 Vụ đấu giá đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng

Vụ đấu giá đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng

Sau khi bán đấu giá thành, theo đúng quy định, bên trúng đấu giá phải tự thực hiện việc xin chủ trương chuyển đổi chủ đầu tư để được tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, khi có Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức công chứng mới được công chứng Hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá. Thế nhưng, một lần nữa Agribank Chợ Lớn tiếp tục bỏ qua các quy định pháp lý, tự cho mình quyền định đoạt phần diện tích đất không được phép sang nhượng, chuyển đổi bằng Hợp đồng công chứng Mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG.

Chính việc "cầm đèn chạy trước ô tô" của Agribank Chợ Lớn dẫn đến sau gần 2 năm bán đấu giá thành mà thương vụ vẫn chưa hoàn thành. Phía mua chây ì thanh toán kéo dài gần 2 năm chưa xong, Thiên Phú- chủ sở hữu tài sản- vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng, hàng tháng vẫn phải gánh lãi quá hạn. Công ty Kim Oanh, đơn vị trúng đấu giá thì khiếu nại vì chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho phép làm chủ đầu tư mới của dự án Hòa Lân cũng trên tinh thần đã được ký hợp đồng mua bán tài sả. Tuy nhiên họ quên mất một điều rằng, nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành thì không thể có cơ sở cho các cơ quan chức năng cấp phép.

Ai mới là người bỏ giá cao nhất trong phiên đấu giá?

Trong phiên đấu giá ngày 25/5/2917, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá với mức giá 1.353 tỷ đồng, cao hơn Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức 10 tỷ và được coi là đơn vị bỏ giá cao nhất. Thực tế với diễn biến sau đó thì liệu mức giá này có thể coi là cao nhất và Kim Oanh có thực sự là đơn vị trúng đấu giá hay không?

Như đã thông tin trước đây, Công ty nhà Thủ Đức là đơn vị duy nhất trong 3 đơn vị tham gia đấu giá có văn bản cam kết sẽ thanh toán hết một lần tiền mua đấu giá tài sản trong vòng 45 ngày theo quy định của quy chế đấu giá.

Sau khi đấu giá thành, Công ty nhà Thủ Đức đã có công văn số 753/CV-CT gửi các bên liên quan đến cuộc đấu giá trong đó có Agribank Chợ Lớn để yêu cầu được thông tin về việc thực hiện thanh toán của Công ty Kim Oanh. Nếu đơn vị trúng đấu giá không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thanh toán thì đề nghị các bên liên quan hủy kết quả đấu giá, tạo điều kiện cho các đơn vị có năng lực thanh toán có cơ hội tham gia.

Không hiểu vì lý do gì, ngay sau khi đấu giá thành phía Agribank Chợ Lớn đã lập tức ưu ái cho Công ty Kim Oanh khi đồng ý cho công ty này trả tiền trong vòng 90 ngày thay vì 45 ngày như quy định. Nếu chỉ tính lãi suất tiền vay trung bình 7%/ năm thì chỉ trong 45 ngày được ưu ái công ty Kim Oanh đã thu lợi từ khoản tiền phải trả lên đến hơn 11,8 tỷ đồng. So sánh với con số 10 tỷ trả giá thấp hơn của Công ty nhà Thủ Đức và con số 11,8 tỷ thất thoát do chậm trả 45 ngày của Kim Oanh thì rõ ràng Công ty nhà Thủ Đức mới là đơn vị trả giá cao hơn trong thương vụ đấu giá này.

Người bình thường nhìn vào chỉ thấy con số được rao trong phiên đấu giá, nhưng với những người kinh doanh tiền tệ như các lãnh đạo Agribank Chợ Lớn chắc chắn không thể không biết đến thuật toán tính lợi nhuận đầu kỳ và lợi nhuận cuối kỳ cho những khoản trả liền/trả chậm như vậy. Rõ ràng trong vụ đấu giá này, Công ty nhà Thủ Đức đã cố tình bị đẩy ra khỏi cuộc chơi ngay khi nó vừa mới bắt đầu.

Đan Hà

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/ban-doc/vu-dau-gia-khu-dan-cu-hoa-lan-thuan-an-binh-duong-khong-the-dung-tien-hop-thuc-hoa-sai-pham-293226.html