Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: Anh có thể trả đũa Nga ra sao?

London ra tối hậu thư cho Moscow phải giải thích về vụ cựu điệp viên bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok ngay trên đất Anh và Thủ tướng Theresa May cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu trước Quốc hội - Ảnh: AFP

Trong tuyên bố trước quốc hội Anh vào ngày 12.3, Thủ tướng May phát biểu: “Đã rõ cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal (67 tuổi) và con gái Yulia (34 tuổi) bị trúng chất độc thần kinh Novichok ở cấp độ quân sự, loại do Nga điều chế”. Hiện cha con ông Skripal vẫn còn trong tình trạng nguy kịch sau khi cảnh sát phát hiện họ bất tỉnh trên băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salibury, tây nam nước Anh hôm 4.3.

Bà May đưa ra hai khả năng có thể giải thích chuyện đã xảy ra: hoặc là Nga trực tiếp tiến hành vụ ám sát, hoặc nước này mất quyền kiểm soát chất độc chết người.

Anh đã yêu cầu đại sứ Nga tại London phải đưa ra lời giải thích trong ngày 13.3. Theo bà May, nếu Nga không có câu trả lời đáng tin cậy, Anh sẽ kết luận Nga đứng sau vụ tấn công nhằm vào Anh, đồng thời sẽ có các biện pháp trả đũa thích đáng.

Trước câu hỏi của Đài BBC về sự liên quan của Nga đối với vụ án, Tổng thống Vladimir Putin trả lời: “Trước hết quý vị cứ tìm cho ra lẽ, rồi hãy tính đến nói phải trái với chúng tôi”.

Mặc dù Thủ tướng May chưa công bố biện pháp trả đũa, nhưng đài BBC vạch ra nhiều động thái Anh có thể thực hiện để chống lại Nga:

Hành động trực tiếp

Anh có thể trục xuất các nhà ngoại giao Nga như từng làm sau vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium hồi năm 2006. Tuy nhiên, một số quan chức Anh cho rằng biện pháp này không đủ mạnh bởi vì sau vụ Litvinenko, London đã áp dụng thêm nhiều biện pháp khác, bao gồm giới hạn cấp visa cho quan chức Nga, nhưng vô tác dụng. Người được xác định là nghi phạm chính trong vụ sát hại Litvinenko chẳng những không bỏ trốn mà hiện là nghị sĩ quốc hội Nga, Andrei Lugovoi, theo BBC.

Cựu điệp viện Nga Alexander Litvinenko bị đầu độc trước khi qua đời ở Anh hồi năm 2006 - Ảnh: Reuters

Chính vì thế, nghị sĩ Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, đề xuất trục xuất các nhà ngoại giao cấp cao, Đại sứ cùng những nhân viên tình báo Nga. Ông Tugendhat cho rằng Anh cần phải có biện pháp mạnh nhằm vào cả giới tài phiệt Nga bằng cách niêm phong hoặc tịch thu tài sản của họ ở London cho đến khi vụ đầu độc được làm sáng tỏ. Giới chức Anh cũng đề nghị tẩy chay Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup) sẽ được tổ chức ở Nga trong năm nay và rút giấy phép, cấm hoạt động đối với đài truyền hình Russia Today (Nga).

Ngoài ra, Anh cũng có thể thông qua luật tương tự Luật Magnitsky 2012 của Mỹ. Theo Luật Magnitsky 2012, Mỹ trừng phạt những công dân Nga dính líu đến tham nhũng và vi phạm nhân quyền bằng cách đóng băng tài sản và cấm đi lại. Washington đặt tên đạo luật này theo tên của luật sư Nga tử vong trong tù sau khi hé lộ những cáo buộc tham nhũng chống lại quan chức cấp cao nước này.

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, 66 tuổi, và con gái Yulia, 33 tuổi - Ảnh: AFP

EU tăng cường trừng phạt Nga?

Những biện pháp trừng phạt hiện tại chống lại Nga mà Anh ủng hộ là do Liên minh châu Âu áp đặt sau khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập Nga và xung đột miền đông Ukraine bùng nổ hồi năm 2014. Theo đó, khoảng 150 cá nhân và 38 công ty bị liệt vào danh sách cấm cấp visa và đóng băng tài sản.

Các quốc gia thành viên EU hiện vẫn còn bất đồng quan điểm về những biện pháp trừng phạt này. Một số nước như Hungary, Ý và Hy Lạp ủng hộ giảm nhẹ biện pháp trừng phạt Nga. Giới quan sát chưa rõ liệu rằng Anh có thể thuyết phục EU tăng cường trừng phạt Nga giữa lúc London đang trong tiến trình rời khỏi liên minh này.

NATO sẽ hành động?

Trước Quốc hội, Thủ tướng May tuyên bố nếu Nga không có câu trả lời đáng tin cậy, Anh sẽ kết luận Nga đứng sau vụ tấn công bất hợp pháp nhằm vào Anh, đồng thời sẽ có các biện pháp trả đũa thích đáng. Điều này dẫn đến câu hỏi liệu NATO có thể bị kéo vào cuộc hay không.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường sau khi phát hiện chất độc thần kinh tại nhà hàng Zizzi, nơi cha con Skripal ghé qua - Ảnh: Reuters

Điều 5 về chính sách “phòng vệ tập thể” của NATO nhấn mạnh bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một thành viên NATO cũng đồng nghĩa với việc tấn công toàn bộ 29 đồng minh trong khối. Mỹ lần đầu tiên áp dụng Điều 5 sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 ở thành phố New York. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Anh Lord Ricketts lưu ý tuyên bố “tấn công bất hợp pháp” là nhằm đảm bảo NATO sẽ can thiệp. Tuy nhiên, chính phủ Anh bác bỏ thông tin này.

Đồng minh của Anh vào cuộc?

Anh có thể đem vụ việc này ra Liên Hiệp Quốc và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ những biện pháp chống lại Nga. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bà May cũng đạt được sự đồng thuận từ đồng minh, theo đó Anh-Pháp sẽ hợp lực gây sức ép đối với Nga. Mặc dù bà May chưa điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng giới chức hai bên đã có những cuộc thảo luận cấp cao về vấn đề này.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders lên án vụ đầu độc ông Skripal. Còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố vụ tấn công “rõ ràng xuất phát từ Nga”, nhưng Tổng thống Trump vẫn chưa có bình luận gì.

Phúc Duy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/the-gioi/vu-dau-doc-cuu-diep-vien-nga-anh-co-the-tra-dua-nga-ra-sao-941363.html