Vụ đạo tranh in lên áo dài: Công ty Phương Mai cãi cùn, khuyên họa sĩ 'cân nhắc' khi đưa tác phẩm lên mạng

Dù đưa ra hình ảnh thuyết phục chứng minh công ty TNHH In ấn Dệt may Phương Mai (quận Tân Phú, TP HCM) đã sử dụng trái phép tác phẩm để in lên vải, nhưng, họa sỹ Ngụy Đình Hà vẫn không biết phải làm sao khi công ty này không chịu thừa nhận là mình đã sử dụng bản quyền trái phép.

Công ty TNHH In ấn Dệt may Phương Mai (quận Tân Phú, TP.HCM) là đơn vị vi phạm nhiều nhất tranh của các họa sĩ, bằng việc tự ý lấy 5 bức tranh nghệ thuật của các họa sĩ đem in lên áo dài bán. Đơn vị này không chỉ vi phạm tác phẩm của họa sỹ Ngụy Đình Hà mà còn vi phạm bản quyền tác phẩm của họa sỹ Lâm Đức Mạnh 2 bức, họa sỹ Nguyễn Quý Tâm (Huế) 2 bức.

Công ty TNHH In ấn Dệt may Phương Mai cũng là đơn vị cãi cùn nhất trong số các công ty được nhóm họa sĩ phát hiện ra việc xâm hại bản quyền và yêu cầu hợp tác giải quyết.

Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Tranh của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Khi các họa sĩ viết thư điện tử gửi công ty Phương Mai khẳng định mục đích của việc yêu cầu Phương Mai xin lỗi không phải vì tiền. Bởi lẽ, những tác phẩm bị Phương Mai xâm phạm ấy đã được khẳng định về mặt giá trị trên thị trường tranh.

Thậm chí, có họa sĩ còn viết rằng, bán 1 bức tranh như thế có thể mua được hàng trăm bộ áo dài của công ty Phương Mai. Nhưng việc làm của công ty này đã làm tổn hại đến giá trị của tác phẩm, công lao sáng tạo của người họa sĩ. Một họa sĩ phải mất hàng chục năm để tìm ra một con đường đi cho mình nhưng công ty Phương Mai lại coi nhẹ sự sáng tạo và tự ý sử dụng trái phép tác phẩm của các họa sĩ.

Tuy nhiên, đáp lại mong muốn của các họa sỹ lại là thái độ thách thức và bất chấp luật pháp, dư luận của công ty Phương Mai. Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc công ty Phương Mai đã trả lời rằng: "Ông phải hiểu chúng tôi "không cố ý xâm phạm". Chúng tôi là công ty thiết kế cần sử dụng những hình ảnh trên mạng để làm sao có bộ áo dài đẹp nhất đến khách hàng. Vì lý do đó, tôi muốn nói với ông rằng: Thứ nhất hình ảnh của ông không có 1 bút tích hoặc logo để chúng tôi xác nhận nó là hình ảnh có bản quyền. Thứ hai, hình ảnh của ông xuất hiện trên các trang web rất nhiều, kể cả trang chuyên tải hình ảnh miễn phí là pinterest.com.au"

Với cách lý giải này, ông Dương Thanh Bình lại còn đưa ra "lời khuyên" với họa sỹ khi tung tranh lên mạng: "Ông cần giữ hình ảnh về tranh của mình một cách tốt nhất và suy nghĩ trước khi đưa lên mạng xã hội, hoặc nếu ông muốn đưa lên thì có logo chìm bên trong. Khi đó không ai lấy được và cũng không ai lấy nó khi biết tác phẩm đã có bản quyền".

Tác phẩm của họa sỹ Ngụy Đình Hà bị công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền

Chốt lại, vị giám đốc này cho biết: "Chúng tôi có phần sai và ông cũng chưa đúng trong vấn đề sử dụng hình ảnh trên mạng! Hiện nay, chúng tôi đã hủy toàn bộ những mẫu thuộc tranh vẽ của ông. Chúng tôi không thách thức ông! Chúng tôi cần ông hiểu vấn đề".

Bực tức trước thái độ của giám đốc công ty Phương Mai, họa sỹ Ngụy Đình Hà khẳng định với phía đơn vị này: "Logo của tôi chính là bức tranh vì tác phẩm đó độc nhất do tôi sáng tạo ra và trên thế giới chỉ có 1 mà không có 2. Thương hiệu của tôi chính là dòng tranh khi người ta nhìn vào tác phẩm biết là tôi vẽ. Ông có quyền dowload ảnh tác phẩm của tôi, nhưng ông không có quyền dùng hình ảnh của tôi để kiếm lời mà không được sự đồng ý của tôi".

Bức tranh của họa sỹ Ngụy Đình Hà

Cho tới thời điểm hiện tại, phía công ty Phương Mai vẫn giữ nguyên những lý lẽ của mình để bao biện cho hành động xâm phạm bản quyền của các họa sỹ. Các tác giả đang bàn bạc các bước tiếp theo để buộc Phương Mai phải thừa nhận lỗi sai phạm và xin lỗi các tác giả. Trong đó, bước tiếp theo sẽ là viết đơn gửi tới Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm để nhờ các đơn vị này lên tiếng và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi lại tác quyền của các họa sỹ.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/vu-dao-tranh-in-len-ao-dai-cong-ty-phuong-mai-cai-cun-khuyen-hoa-si-can-nhac-khi-dua-tac-pham-len-mang/810183.antd