Vụ đào đường, đục đê chắn sóng nuôi tôm: Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giám sát việc 73 hộ dân nuôi tôm ở phường Hải Thanh vi phạm.

Những chiếc ống nhựa dài hàng trăm mét nối từ khu vực nuôi tôm qua đê chắn sóng xuống bờ biển

Những chiếc ống nhựa dài hàng trăm mét nối từ khu vực nuôi tôm qua đê chắn sóng xuống bờ biển

Chiều 21/7, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) cho biết, liên quan đến vấn đề 73 hộ dân ở phường Hải Thanh nuôi tôm trong khu vực dân cư làm ảnh hưởng đến tuyến đê biển, ô nhiễm vùng nước biển, chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo.

"Những lô cốt" được người dân xây dựng đặt hệ thống máy bơm để hút nước và xả thải trực tiếp ra môi trường biển

"Trước khi báo đưa tin, chúng tôi đã nhiều lần chỉ đạo phường Hải Thanh cần có sự giám sát chặt chẽ, xử lý đối với các hộ dân vi phạm. Tuy nhiên, đây là "kế sinh nhai" của người dân vì diện tích ở phường này nhỏ, đánh bắt hải sản nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế trong khi việc nuôi tôm lại mang lại lợi nhuận cao. Việc xử lý cần phải có thời gian chứ không thể nói ngày một ngày hai là làm được, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chưa nói đến các yếu tố nhạy cảm", ông Dũng cho hay.

Năm 2006, tuyến đê biển Hải Thanh được xây dựng bằng nguồn vốn ADB nhưng nay đang bị xâm hại nghiêm trọng

Như Báo Giao thông đăng tải trước đó, 73 hộ dân ở phường Hải Thanh đã tự ý xây dựng các khu nuôi tôm, đào đường giao thông, đục tường đê chắn sóng (tuyến đê biển thuộc dự án ADB, xây dựng từ năm 2006) lắp đường ống nhựa dài hàng trăm mét kéo ra bờ biển để hút nước, xả thải nuôi tôm gây ảnh hưởng đến an toàn đê, ô nhiễm môi trường.

Những đường ống kéo dài được chôn sâu dưới cát biển phục vụ việc lấy nước và xả thải

Ông Đỗ Xuân Chung - Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho rằng: “Việc nuôi tôm ồ ạt dẫn đến vi phạm quy hoạch do Hải Thanh không nằm trong quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản kéo theo tình trạng xây dựng không phép, vi phạm Luật đê điều do các hộ dân có hành vi đào đường ven đê, đục tường chắn sóng, đặt ống nhựa xuống cống thoát nước để lấy nước và xả thải ra.

Các cơ quan chức năng như Sở Nông nghiệp, Công an tỉnh, Hạt đê điều, UBND thị xã Nghi Sơn cũng đã về kiểm tra để có hướng xử lý nhiều lần. Tính đến thời điểm hiện tại, UBND phường Hải Thanh đã lập biên bản xử phạt hành chính về lĩnh vực phòng chống thiên tai, đê điều là 73 trường hợp. Kiến nghị UBND thị xã Nghi Sơn xử phạt 13 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và giao thông đường bộ.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vu-dao-duong-duc-de-chan-song-nuoi-tom-vi-sao-chua-xu-ly-dut-diem-d472822.html