Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Sóng gió chưa qua

Cuộc đảo chính bất thành của một nhóm binh sĩ và sĩ quan quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã gây chấn động dư luận. Số người thiệt mạng trong vụ đảo chính lên tới hơn 290 người, ngoài ra còn có hơn 1.400 người bị thương. Theo giới phân tích, thất bại của cuộc đảo chính là điều đã được dự đoán trước, bởi ảnh hưởng quá yếu của phe đảo chính cũng như sự ủng hộ quá lớn của người dân dành cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Mặc dù vậy, mọi thách thức dường như mới chỉ bắt đầu và hệ lụy của cuộc đảo chính vẫn đang chi phối chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau vụ đảo chính bất thành, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng. Ảnh: AP

Nguyên nhân dẫn đến đảo chính

Đảo chính quân sự thường xảy ra khi chính sách của chính quyền đương nhiệm có sự dao động mạnh. Tương tự vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trải qua những thay đổi chính sách đáng kể trong thời gian gần đây, trong đó có sự thay đổi các nhân vật trong nội các của Thủ tướng Binali Yldirim. Về mặt ngoại giao, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ bỏ “học thuyết Ottoman mới” (khôi phục sức mạnh mềm của đạo Hồi, tạo dựng lại nền ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển từ vai trò đồng minh của phương Tây thành vai trò lãnh đạo thế giới Trung Đông), và dần dần bắt đầu tìm kiếm bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng như Nga và Israel. Ngoài ra, các cuộc tấn công khủng bố thường xuyên trong nước cũng khiến tình cảm bất mãn của dân chúng tăng lên, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để phát động đảo chính quân sự.

Chính sách cai trị không nhân nhượng của Tổng thống Erdogan cũng là một trong những lý do gây ra phản ứng bạo lực. Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính đã chỉ ra rằng tham nhũng và mối đe dọa đối với chủ nghĩa thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ là những lý do cho hành động của họ.

Về phần mình, chính phủ đã nhanh chóng đổ lỗi cho đồng minh chính trị trước đây của Tổng thống Erdogan là giáo sĩ Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ, đứng đằng sau âm mưu đảo chính này. Đồng thời chính phủ của ông Erdogan cũng ráo riết triển khai “chiến dịch thanh lọc” trên khắp đất nước, bắt giữ hơn 6.000 đối tượng tham gia và cả những người bị nghi có liên quan đến vụ đảo chính, và ông Erdogan hứa hẹn một “sự trả đũa lớn hơn”.

Vì sao đảo chính thất bại?

Lý do cuộc đảo chính quân sự lần này nhanh chóng thất bại là do nội bộ quân đội Thổ Nhì Kỳ không thống nhất. Cuộc đảo chính chỉ là hành động bột phát của một nhóm sĩ quan và binh sĩ trong quân đội, chủ yếu thuộc Quân đoàn 1 đóng quân ở khu vực phụ cận Istanbul và một phần của Quân đoàn 3 đóng ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Armenia, nên không thể tạo thành một ưu thế áp đảo. Khi nhóm đảo chính tuyên bố nắm chính quyền trên truyền hình, lập tức các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đã lên án hành động này và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Erdogan. Điều này cho thấy nhóm đảo chính đã không thể tập hợp được toàn bộ lực lượng quân đội để thực hiện hành động đảo chính.

Yếu tố quan trọng thứ hai là sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Erdogan. Lên nắm quyền từ năm 2003, ông Erdogan được mô tả là con người “quyết liệt”, nắm trong tay rất nhiều quyền lực, và đã nhiều lần dẹp tan sức ép từ phe quân đội. Bên cạnh đó, người dân cũng không ủng hộ một cuộc đảo chính nhằm lật đổ tổng thống dân bầu bởi nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể quên thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế sau những cuộc đảo chính quân sự trước đây, và họ không hề muốn điều đó lặp lại.

Ngoài ra, cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ lần này cũng vấp phải một số yếu tố hết sức bất lợi, trong đó phải kể đến sức mạnh của công nghệ và con người của thế kỷ 21. Lực lượng đảo chính đã không cắt được sóng truyền hình tư nhân, tín hiệu điện thoại di động hay các mạng lưới truyền thông xã hội, khiến Tổng thống Erdogan và các phụ tá của ông có thể nhanh chóng kêu gọi người ủng hộ xuống đường để đối phó với cuộc nổi dậy. Thủ tướng Yldirim đã thông báo trên trang Twitter về cuộc nổi dậy và đảm bảo với người dân rằng các lực lượng chỉ huy vũ trang tối cao không đứng sau ủng hộ cho cuộc nổi dậy này. Các phụ tá của ông Erdogan đã truyền những thông điệp cho truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế rằng tổng thống vẫn an toàn ngay cả khi quân nổi dậy đã kiểm soát được đài truyền hình TRT. Rõ ràng, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã tận dụng hiểu quả công nghệ truyền thông mới để đánh bại kẻ thù.

Nguy cơ bất ổn kéo dài

Mặc dù cuộc đảo chính quân sự đêm 15-7 đã nhanh chóng được dập tắt và chính quyền của Tổng thống Erdogan lập tức tuyên bố tình hình an ninh đã trở lại bình thường, song những bất ổn vẫn đang tồn tại ở quốc gia này. Chiến dịch trấn áp và trừng trị thẳng tay của chính quyền không chỉ nhằm vào các tướng lĩnh và quân lính nổi dậy mà lan sang cả bộ máy tư pháp. Thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Erdogan khiến không chỉ dư luận trong nước mà cả các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại.

Hiện chưa thể chỉ đích danh phe phái nào ở Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau cuộc đảo chính quân sự và mục đích cuối cùng là gì. Nhưng “chiến dịch thanh lọc” mà ông Erdogan đang triển khai nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho làn sóng phản đối trong và ngoài nước, và điều đó chắc chắn sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội, kinh tế cũng như chính trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Lâu nay giới học giả và truyền thông đã công khai lên tiếng chỉ trích nhiều chính sách cứng rắn của Tổng thống Éc-đô-gan, đặc biệt là liên quan đến cuộc chiến chống đảng Công nhân người Cuốc (PKK). Trong cuộc bầu cử năm 2015, đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan đã giành chiến thắng với 317/550 ghế ở Quốc hội. Rõ ràng, AKP vẫn đang nắm giữ quyền lực mà họ có được thông qua cuộc bầu cử dân chủ và công bằng. Vấn đề đặt ra là ông Erdogan và đảng AKP cầm quyền sẽ vượt qua thách thức như thế nào để nhanh chóng bình ổn tình hình, và quan trọng hơn là cần chứng tỏ khả năng chèo lái đất nước hướng tới một tương lai hòa bình hơn.

Sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa sống còn đối với cấu trúc an ninh châu Âu và Trung Đông vì nước này trực tiếp gánh vác trách nhiệm giải quyết làn sóng người di cư từ Syria tràn sang trước khi tìm đường vào châu Âu. Đây cũng là nơi các máy bay chiến đấu của đồng minh xuất kích trong những chiến dịch tiêu diệt IS ở Syria và Iraq. Theo giới chuyên gia, cuộc đảo chính quân sự hiện tại không làm thay đổi bất cứ thỏa thuận hợp tác nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tuy nhiên giới hoạch định chính sách phương Tây cần sẵn sàng cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu vào khủng hoảng chính trị.

Như Lan

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vu-dao-chinh-o-tho-nhi-ky-song-gio-chua-qua/