Vụ đánh ghen lột đồ, đổ nước mắm vào nạn nhân: Phạm một lúc 3 tội

Người thực hiện hành vi đánh ghen dã man ở Thanh Hóa đã phạm cùng một lúc 3 tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Đánh ghen dã man ở Thanh Hóa

Khoảng 20h ngày 12.6, nhiều người dân trên phố Cao Thắng (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) nhìn thấy một cô gái bị một nhóm phụ nữ xông vào đánh, lột đồ sạch đồ giữa đường. Một phụ nữ bịt khẩu trang sau đó còn đổ nước mắm và bọc ớt bột lên người cô gái. Theo thông tin ban đầu, vụ việc xuất phát từ ghen tuông cá nhân.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn LSTP Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng nữ đã xâm phạm đến 3 khách thể quy định trong Bộ luật Hình sự - tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân - được pháp luật bảo vệ và xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh, quy tắc sống xã hội chủ nghĩa.

Hành vi của đối tượng có dấu hiệu phạm 3 tội - làm nhục người khác, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 134, Điều 155 và Điều 318 BLHS 2015.

Căn cứ Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, để xử lý các đối tượng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS), Tội làm nhục người khác (Điều 155 BLHS), phải có đơn yêu cầu của người bị hại.

Nếu người bị hại trong vụ việc này không yêu cầu khởi tố các đối tượng, không giám định thương tích để làm căn cứ xử lý thì cơ quan điều tra vẫn có căn cứ để xử lý đối tượng về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS. Theo đó, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu có căn cứ chứng minh người chồng có dấu hiệu vi phạm chế độ hôn nhân gia đình thì có nhiều cách hợp pháp để giải quyết vụ việc như: Làm đơn trình báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an giải quyết, xử lý theo pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015. Pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, không chỉ trong quan hệ hôn nhân gia đình.

D.H

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-danh-ghen-lot-do-do-nuoc-mam-vao-nan-nhan-pham-mot-luc-3-toi-612944.ldo