Vụ dải phân cách 'cản' ô tô gây chết người: Đơn vị liên quan nói gì về trách nhiệm?

Đơn vị chức năng cho rằng cục bê tông gây chết người đã được 'bứng' vì có bất cập nhưng việc đặt dải phân cách đúng hay sai thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Dải phân cách bằng bê tông và cọc tiêu nhựa đã được “bứng” đi

Dải phân cách bằng bê tông và cọc tiêu nhựa đã được “bứng” đi

Ngày 19/3, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TP. HCM đã có những trao đổi sau vụ thanh niên chạy xe máy, tông vào dải phân cách trên đường dẫn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (HLD) dẫn đến tử vong.

Về vị trí đặt dải phân cách giữa làn xe hai bánh để “cản” ô tô đi vào dẫn đến tại nạn đúng hay sai? và có phù hợp quy định của ngành giao thông hay không?, vị trưởng phòng này cho hay vụ việc đang được công an điều tra.

“Hiện tại, Sở GTVT cũng đang chờ kết quả điều tra vụ tai nạn từ cơ quan công an. Khi có kết luận điều tra thì chúng tôi sẽ căn cứ trên đó để có phương án thực hiện tiếp theo”, ông Đường thông tin.

Người đi đường qua khu vực dải phân cách bằng bê tông trước khi tháo dỡ

Nói về trách nhiệm của Sở GTVT, vị trưởng phòng này cho biết sau vụ việc đã kiểm tra, rà soát và cho “bứng” luôn dải phân cách cứng bằng bê tông và dải phân cách nhựa khu vực xảy ra tai nạn vì có bất cập.

Theo ông Đường dải phân cách được lắp từ năm 2017 để “cản” ô tô chạy vào làn xe hai bánh trên đường dẫn cao tốc HLD và đây là vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan đến dải phân cách.

“Chúng tôi đã lắp camera đầy đủ tại khu vực đã “bứng” dải phân cách. Những trường hợp ô tô cố tình chạy vào làn xe hai bánh sẽ được đơn vị chuyển hình ảnh cho cơ quan công an để xử lý”, vị Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT cho hay.

Hiện trường vụ tai nạn khiến anh Lý Vũ Hảo tử vong vào tối 12/3

Theo ông Đường, hiện chưa có quy chuẩn cụ thể về việc bố trí dải phân cách. Tuy nhiên, khi gắn dải phân cách giữa làn xe máy, Sở GTVT cũng cho gắn đầy đủ hệ thống cảnh báo liên quan theo Quy chuẩn 41 về báo hiệu đường bộ của Bộ GTVT, gồm biển báo đi chậm, biển cảnh báo có chướng ngại vật phía trước, 5 gờ giảm tốc và một số cọc tiêu cảnh báo.

Trước đó, vào tối 12/3, anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, quê tỉnh Cà Mau) điều khiển xe máy lưu thông trên cao tốc HLD (hướng từ đường Đỗ Xuân Hợp về nút giao An Phú). Khi đến cột đèn số TL3/49 (phường An Phú, quận 2) thì tông vài dải phân cách bằng bê tông đặt giữa đường ở làn xe hai bánh để “cản” ô tô chạy vào, khiến anh Hảo ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.

Khu vực xảy ra tai nạn là đường dẫn vào cao tốc thuộc tổng thể dự án đường cao tốc HLD do Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Toàn bộ tuyến cao tốc dài 55 km, trong đó có 4 km đầu đi qua địa bàn quận 2 và quận 9 (TP.HCM) nối nút giao An Phú đến đoạn giao với đường vành đai 2 (vòng xoay Phú Hữu) được Khu quản lý giao thông đô thị số 2 (Khu 2) thuộc Sở GTVT quản lý, phần còn lại của cao tốc do VEC quản lý.

Khi mới đưa vào sử dụng, đoạn đường 4km không có làn đường dành cho xe máy. Đến đầu năm 2017, Bộ GTVT chấp thuận phương án cho xe máy chạy vào cao tốc này (đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2) theo đề nghị của cơ quan chức năng TP.HCM. Tuy nhiên, các xe chỉ được lưu thông ở làn dừng khẩn cấp theo tính chất đường đô thị.

Phương án được đưa ra dựa trên đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea). Horea cho rằng đường dẫn lên cao tốc, đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ (quận 2) đến đường vành đai 2 - Võ Chí Công đang có 4 làn ô tô, trong số đó 2 làn dừng khẩn cấp chỉ cho ô tô lưu thông, đường khá thông thoáng.

Đơn vị này đề nghị cho xe máy vào đoạn dẫn cao tốc này để sử dụng hết hạ tầng giao thông, giảm tải lưu lượng phương tiện lên các tuyến đường Vành Đai 2, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh.

Khi đó, làn dừng khẩn cấp rộng 3 m được chuyển đổi thành làn đường dành cho xe máy.

Dương Thanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-dai-phan-cach-can-o-to-gay-chet-nguoi-don-vi-lien-quan-noi-gi-ve-trach-nhiem-964643.html