Khó khăn trăm bề của những đứa trẻ ở Chè Lỳ

'Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh' - câu nói này phần nào cho thấy thực trạng cuộc sống của đồng bào xóm Chè Lỳ A, Chè Lỳ B - xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Cái nghèo đeo đẳng khiến cuộc sống sinh hoạt của những đứa trẻ nơi đây vô cùng vất vả.

Ngoài giờ lên lớp học, nếu không phải lên nương giúp bố mẹ vun ngô thì việc chính của tất cả những đứa trẻ nơi đây là đi lấy nước. Giữa trưa nắng tháng 5, những đứa bé đầu trần, khệ nệ từng chiếc can nhựa đi trên triền dốc.

Ngoài giờ lên lớp học, nếu không phải lên nương giúp bố mẹ vun ngô thì việc chính của tất cả những đứa trẻ nơi đây là đi lấy nước. Giữa trưa nắng tháng 5, những đứa bé đầu trần, khệ nệ từng chiếc can nhựa đi trên triền dốc.

Bể nước tập trung cách nhà đến 1-2km thường xuyên cạn trơ đáy. Các em phải leo xuống bể, dùng gáo nhựa gạn từng từng chút nước đổ vào can. Nắng gắt tháng 5 khiến mạch nước ít ỏi lại càng ít ỏi hơn khiến việc đi lấy nước thêm vất vả.

Xóm Chè Lỳ A và Chè Lỳ B nằm trên lưng chừng núi giáp biên giới thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Gộp cả 2 xóm có khoảng 180 hộ gia đình với gần 300 đứa trẻ. Hầu hết các gia đình đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Còn đường lên xóm đã được mở nhưng chỉ là đường đất, xóm cũng đã có điểm trường mầm non và tiểu học nhưng do tập quán sinh sống, có những điểm dân cư xa như ở Lũng Pjạ, người lớn phải đi bộ đến hơn 2 giờ đồng hồ để đưa trẻ con tới lớp. Tới khi lên học cấp 2, các em phải vượt quãng đường hơn 12 km về trung tâm xã trong điều kiện đi lại hết sức khó khăn, nguy hiểm.

Người dân xóm Chè Lỳ A, Chè Lỳ B đều mong con cháu mình được học hành đến nơi đến chốn, nhưng với cuộc sống chỉ trông vào nương ngô, vạt rẫy khô cằn, nhiều gia đình lại đông con nên mơ ước được học cao hơn của bọn trẻ nơi đây cũng xa như đám mây trắng trên bầu trời mùa hè vậy.

Lương Văn Khoáy, năm nay học lớp 9 cho biết, do xóm ở lưng núi nên không thể đi xe đạp nên hầu hết các em phải đi bộ đến trường. Còn nếu muốn học cấp 3, các em sẽ phải về trung tâm huyện, cách nhà đến gần 50km.

Anh Triệu Văn Thắng, một người dân xóm Chè Lỳ A cho biết: "Đường đi khó, các cháu đi học phải đi bộ, qua đường tắt đến trường, sáng thường đi lúc 4h-5h sáng, 7h đến trường. Tôi chỉ mong các cháu học giỏi để sau này có nghề nghiệp ổn định, có tương lai hơn người lớn, người già bây giờ".

Cô Nông Thị Lưu, giáo viên tại điểm trường Chè Lỳ cho biết, hầu hết các cháu nhỏ đến lớp đều rất khó khăn, thiếu thốn từ đồ ăn đến sách, bút, giấy vở. Dù các thầy giáo, cô giáo ở các điểm trường luôn cố gắng dành dụm mua thêm chút đồ ăn hay dụng cụ học tập cho các em nhưng cũng như "muối bỏ bể".

Ước mơ của những đứa trẻ Chè Lỳ không quá cao xa, chỉ là những bữa ăn có đủ cơm, rau, thịt, cá, chiếc cặp đến trường có đủ sách vở, giấy bút, mơ về những chậu đầy nước sạch lấp loáng ánh mặt trời trong buổi trưa hè; con đường không còn lầy lội, trơn trượt khi mưa xuống. Dù hôm nay, cuộc sống người dân Chè Lỳ đã tốt hơn rất nhiều so với trước, nhưng để ước mơ giản dị của những đứa trẻ nơi đây sớm trở thành hiện thực đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với sự nỗ lực của chính người dân nơi đây./.

PV/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/kho-khan-tram-be-cua-nhung-dua-tre-o-che-ly-862353.vov