Vụ cướp bóc khét tiếng và sự trỗi dậy của một đế chế

Cuốn 'Enemy of All Mankind' đã thông qua câu chuyện của một tên cướp biển khét tiếng để khắc họa sự trỗi dậy của một đế chế và xa hơn là sự biến ảo của thế kỷ trước.

Vào ngày 11/9/1695, khi Ganj-i-Sawai, con tàu chở đầy tài vật của đế chế Mughal, từ Mecca đi gần tới điểm cuối hành trình là thành phố cảng Surat thuộc Ấn Độ Dương, nó nhìn thấy cánh buồm của một tàu chiến Anh ở phía chân trời tiếp cận với tốc độ phi thường. Vài phút sau, con tàu Fancy, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng cướp biển khét tiếng Henry Every, đã áp sát tàu Sawai và đập tan khẩu súng chính dài 40 feet của nó bằng một phát đại bác duy nhất.

Áp đảo được thủy thủ đoàn Ấn Độ và tìm kiếm được kho báu, đã bị nhắm mục tiêu sẵn, những tên cướp biển còn phát hiện ra nhiều người hành hương dưới boong tàu, bao gồm cả họ hàng của Grand Mughal Aurangzeb, vua thứ sáu của vương triều Moghal trong lịch sử Ấn Độ và dường như cũng là người đàn ông giàu có nhất trên Trái Đất lúc đó.

 Every đã trở nên nổi tiếng trong giới cướp biển sau khi chiếm được kho báu khổng lồ trên Ganj-i-Sawai. Ảnh: Alamy.

Every đã trở nên nổi tiếng trong giới cướp biển sau khi chiếm được kho báu khổng lồ trên Ganj-i-Sawai. Ảnh: Alamy.

Những tên cướp biển được cho là man rợ và tàn nhẫn này dường như đã tiến hành tra tấn các nạn nhân và hãm hiếp những nữ hành hương trước khi giải thoát cho những người còn sống và biến mất cùng kho báu khổng lồ, gồm vàng, bạc, đá quý, ngà voi, nhựa thơm, trị giá ít nhất 200 nghìn bảng Anh, tương đương khoảng 20 triệu USD ngày nay. Theo đánh giá của tác giả Steven Johnson trong cuốn Enemy of All Mankind thì đây là “một trong vụ béo bở nhất trong lịch sử tội phạm”.

Cuốn sách ra mắt ngày 12/5. Ảnh: Amazon.

Trong phần phụ đề của cuốn sách, Steven Johnson khẳng định rằng đây là một câu chuyện có thật về cướp biển, quyền lực và cuộc săn lùng tội phạm đầu tiên trong lịch sử ở quy mô toàn cầu.

Những hành động tội ác của Every và mọi nỗ lực đưa tên thủ lĩnh này ra công lý đã được khắc họa vô cùng sống động. Nhưng không chỉ có vậy, thông qua câu chuyện của Every, Johnson muốn cho độc giả thấy được từ một sự việc, với nhiều cách biến ảo khôn lường, đã có tác động ra sao tới quyền lực nhà nước và có thể thay đổi tiến trình lịch sử.

Johnson lập luận rằng cuộc tấn công vào con tàu Ganj-i-Sawai còn có ý nghĩa lớn hơn khi được coi là một điểm chốt quan trọng trong sự trỗi dậy của đế chế Anh.

Nút thắt dẫn tới quyền lực của một đế chế

Vào đầu những năm 1700, sức mạnh của đế chế Mughal, thống trị Ấn Độ trong hàng trăm năm và có khối tài sản khổng lồ từ việc sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị và hàng dệt bông, đã ở vào thời kỳ hoàng hôn trước sự nổi lên của Công ty Đông Ấn.

Là tập đoàn cổ phần đầu tiên trong lịch sử, công ty này được thành lập năm 1600 để tài trợ cho các cuộc thám hiểm thương mại giữa Ấn Độ và Anh. Nhưng nó dần trở thành một phương tiện để chính phủ Anh mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế của mình ở Ấn Độ, và thông qua các lực lượng quân sự tư nhân của công ty, hoàng gia Anh sẽ, vào cuối thế kỷ tiếp theo, chinh phục và khuất phục toàn bộ tiểu lục địa này.

Tuy nhiên, khi con tàu Fancy xuất hiện trên đường chân trời vào ngày 1695, công ty Đông Ấn vẫn chỉ dừng ở mức có các thỏa thuận thương mại với nhà Mughal, lúc này chỉ cho phép Đông Ấn duy trì một số cơ sở ở Bombay và Surat.

Và khi những người sống sót sau cuộc tấn công vào Ganj-i-Sawai trở về Surat, Aurangzeb đã rất giận dữ và cho rằng các nhân viên địa phương của công ty này phải chịu trách nhiệm cho sự tàn bạo của hải tặc Every và mọi tùy tùng dưới sự chỉ huy của tên này. Thống đốc Surat đã tra tấn các nhà quản lý công ty, cắt đứt liên lạc giữa họ với thế giới bên ngoài. Và chính những hệ lụy sau đó, phản ứng từ Mughal vấp phải hành động từ chính quyền ở London đã tạo tiền đề cho quyền bá chủ của Anh trên tiểu lục địa Ấn Độ trong 200 năm tiếp theo.

Công ty Đông Ấn đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chinh phục Ấn Độ của đế chế Anh. Ảnh: Thư viện Anh.

Một tuyên bố của hoàng gia Anh đã xếp Every và thủy thủ đoàn của ông ta là kẻ thù của cả nhân loại, điều cho phép hoàng gia Anh mở rộng quyền tài phán trên biển, đã tung ra một cuộc săn lùng toàn cầu đối với cướp biển và tiếp theo đó là “nhân tiện” xây dựng con đường thương mại toàn cầu.

Câu chuyện mà Johnson kể chứa đầy những tình tiết ly kỳ, được lồng ghép vào những nguyên nhân, diễn biến của loạt điểm mấu chốt gây tiếng vang qua nhiều thế kỷ, đặc biệt là việc một quốc gia lớn như nước Anh, trong thời kỳ tiền kỹ thuật, đã từ bỏ trách nhiệm lãnh thổ và chính trị của mình cho một tập đoàn tư nhân hùng mạnh với tham vọng xuyên quốc gia.

Những mắt xích mà Johnson khắc họa tưởng chừng như không có ảnh hưởng gì nhưng cũng đã góp phần vào dòng sông lịch sử. Những lựa chọn của một tên cướp biển bí ẩn trên boong tàu của anh ta vào năm 1695 cũng có thể khiến thế giới trở thành một nơi rất khác.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-cuop-boc-khet-tieng-va-su-troi-day-cua-mot-de-che-post1085358.html