Vụ công ty địa ốc Alibaba lừa đảo: Số tiền 2.500 tỷ đồng giờ ở đâu?

Theo cơ quan chức năng, số tiền mà công an đang thu giữ tại Công ty Alibaba là rất nhỏ so với con số 2.500 tỷ đồng mà công ty này đã lừa đảo.

Khách hàng làm đơn trình báo, tố cáo Công ty Alibaba tại Công an TP.HCM. Ảnh: Thanh Niên.

Khách hàng làm đơn trình báo, tố cáo Công ty Alibaba tại Công an TP.HCM. Ảnh: Thanh Niên.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, ông N.V.P (TP.HCM) cho biết vào năm 2017 ông là một trong những người đầu tiên đầu tư mua đất nền tại Công ty Alibaba. Theo ông P., Công ty Alibaba mua bán đất theo hình thức đa cấp, các dự án đều là đất nông nghiệp và không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng. Thế nhưng để thu hút người mua, công ty bán giá đất nông nghiệp thấp hơn so với thị trường khoảng 30 - 40% và cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn. Chính vì điều này, nhiều người đầu tư bất chấp, không quan tâm đến tính pháp lý, hoặc tin theo những lời hứa “có cánh” của nhân viên bán hàng.

Về pháp lý các hợp đồng mà khách hàng ký kết với Công ty Alibaba, ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ cho biết đến nay chưa có trường hợp khách hàng nào mua nền đất của các “dự án” Alibaba trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đến đăng ký sang tên, làm sổ đỏ.

“Được biết, khách hàng mua nền đất của Alibaba có diện tích khoảng 100 m2/nền, như vậy việc tách sổ là không thể được. Vì quy định mới đây của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đất nông nghiệp khi tách sổ phải đầy đủ các điều kiện, trong đó diện tích không nhỏ hơn 500 m2”, ông Thắm cho hay.

Trong khi đó, một lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, 8 “dự án” Alibaba phân lô, bán nền trên địa bàn thị xã Phú Mỹ đang đứng tên chủ sở hữu là cá nhân, hộ gia đình. "Trước đây, có một vài chủ sử dụng có đề nghị cơ quan chức năng cho hợp đồng góp vốn đầu tư vào Công ty Alibaba bằng đất, nhưng đã không được chấp nhận vì trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công ty này chưa được cấp phép cho dự án nào thực hiện. Cho nên các dự án Alibaba rao bán vẫn đang thuộc quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, chưa có trường hợp nào được cơ quan chức năng cho phép phân lô. Vì vậy, khách hàng của Công ty Alibaba cũng không thể nhận được sổ đỏ theo đất nền từ công ty này được", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo thông tin từ Phòng PC03 Công an TP.HCM, đơn vị này vẫn tiếp tục nhận đơn trình báo, tố cáo của người dân đối với Công ty Alibaba. “Người dân chuẩn bị đầy đủ các hợp đồng giao dịch ký với Công ty Alibaba, các hóa đơn chuyển tiền để công an thu thập một cách đầy đủ, chi tiết nhằm phục vụ công tác điều tra. Còn khi nào người dân nhận lại được tiền thì phải chờ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng”, một cán bộ công an thông tin.

Theo PC03 - Công an TP.HCM, 2.500 tỷ đồng là số tiền ghi nhận được từ các hợp đồng mà Công ty Alibaba giao dịch với khách hàng. Còn số tiền công an thu giữ tại Công ty Alibaba vào ngày 18/9 sau khi thực hiện lệnh khám xét, bắt Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba) thì rất nhỏ. Riêng về số tiền trong các tài khoản Công ty Alibaba và lãnh đạo công ty này bị phong tỏa thì đang trong quá trình điều tra nên chưa thể công bố.

Trước đó, chia sẻ trên Vietnamnet, Thượng tá Vũ Như Hà - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng - Công an TP.HCM cho biết cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp cùng Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ khác đã khởi tố, bắt giam anh em Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) - Nguyễn Thái Linh (Giám đốc công ty Alibaba) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và hiện đang trong giai đoạn mở rộng điều tra, làm rõ vai trò, xử lý các cá nhân khác.

Qua công tác khám xét trụ sở Alibaba nằm trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức và các văn phòng giao dịch, trụ sở các công ty con thì Công an đã thu giữ được lượng tang vật đáng kể.

Cụ thể, Công an thu giữ 376 thùng tài liệu là những chứng từ sổ sách của Alibaba, các công ty con; hơn 9 tỷ đồng tiền mặt, 257 miếng kim loại màu vàng, 20 thỏi kim loại màu vàng đang được giám định, 3 xe ô tô các loại, 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất ở nhiều tỉnh, thành...

Cơ quan CSĐT xác định, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu vụ án lừa đảo này; chỉ đạo cho các người thân, nhân viên tin cậy thu gom đất nông nghiệp ở nhiều tỉnh thành, tự vẽ ra là khu dân cư cao cấp để rao bán, lừa khách hàng. Nguồn tiền để duy trì hoạt động công ty, tiền thu gom đất là nguồn tiền khách hàng đóng vào để mua đất.

Công an xác định, Luyện, Lĩnh và bộ sậu Alibaba, các công ty con đã lừa tổng cộng 6.700 khách hàng để chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/vu-cong-ty-dia-oc-alibaba-lua-dao-so-tien-2500-ty-dong-gio-o-dau-a293916.html