Vụ công trình trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng: Đừng đưa sinh mệnh ra 'dọa' pháp luật

Liên quan đến công trình nhiều tầng xây dựng không phép trên đèo Mã Pì Lèng gây xôn xao dư luận những ngày qua, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sáng ngày 8-10, đoàn công tác của Cục Di sản Văn hóa đã lên Hà Giang kiểm tra công trình và chia sẻ khá nhiều quan điểm, thông tin khác quanh vụ việc.

Ông Bình cho biết, từ chiều ngày 6-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chính thức về vấn đề này. Bộ vẫn giữ quan điểm là công trình nói trên không nằm trong khu vực bảo vệ danh thắng Mã Pì Lèng nhưng theo quy định pháp luật vẫn phải có ý kiến , sự thẩm định thẩm định của cơ quan quản lý văn hóa. Đến nay, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào về thẩm định công trình này.

Theo quy định, việc xây dựng công trình chịu sự điều chỉnh về Luật Xây dựng và tỉnh Hà Giang quản lý. Nhưng, quan điểm của Bộ là chúng ta phải làm sao để có biện pháp, hình thức để bảo vệ tốt hơn danh lam thắng cảnh di tích quốc gia trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về luồng ý kiến cho là công trình trái phép đang đông khách, ngành du lịch cần có giải pháp bảo đảm an toàn cho du khách, ngành du lịch vẫn bảo lưu quan điểm là các công trình phục vụ khách du lịch trên các chặng đường, tuyến du lịch mà đáp ứng được nhu cầu của khách về tham quan, dừng chân và dịch vụ khác thì đều được coi là những công trình phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, bất kỳ công trình nào cũng phải tuân thủ các quy định về trình tự thủ tục xây dựng… Công trình ở Mã Pì Lèng xây dựng, đi vào hoạt động đều phải thực hiện các quy định pháp luật chung cũng như ở địa phương - điểm đến.

Tòa nhà trên đèo Mã Pì Lèng

Xung quanh ý kiến trả lời báo chí của bà chủ tòa nhà trên Mã Pì Lèng, nói việc xây dựng giúp công trình để người dân đỡ đói nghèo và có clip bà nói nếu tháo dỡ công trình thì chỉ còn cách nhảy xuống sông Nho Quế tự tử, ông Bình cho là không được lôi sinh mệnh của mình ra để tạo áp lực ngược trở lại với luật pháp. Bởi vì khi sai, nhận thức cái sai của mình phải tìm cách khắc phục, sửa chữa. Còn đã là doanh nghiệp, trong cơ chế thị trường được ăn, thua chịu, đừng khi vi phạm pháp luật, thua lại bắt xã hội, pháp luật cùng gánh chịu. Điều này không hay.

Các em nhỏ người Mông dạo chơi trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng.

Về công trình trái phép trên đèo mã Pì Lèng, trong quá trình kiểm tra của Cục Di sản Văn hóa mà có kết quả mới, chúng tôi sẽ thông tin thêm. Nhưng theo tôi được biết, qua văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thì địa phương có chủ trương xây dựng điểm dừng chân ở Mã Pì Lèng nhưng không phải là công trình kiên cố 6-7 tầng. Chủ công trình cố tình vi phạm, xây nhà kiên cố. Tôi đọc văn bản thì thấy họ (tỉnh Hà Giang – PV) còn quy định cả về mặt nguyên vật liệu để làm sao nó không bê tông kiên cố.

Theo hình dung của tôi là điểm dừng chân này, về mặt chủ trương giống như ở Sơn La, dọc đường, mây mù, địa phương có cho phép dựng những cái lán của bà con để bán đồ dọc đường. Nhưng ở Mã Pì Lèng, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật” – ông Bình khẳng định.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/dia-phuong-khong-chu-truong-xay-diem-dung-chan-kien-co-tren-ma-pi-leng-564812/