Vụ Con Cưng: Quản lý thị trường ra quân rầm rộ, bắt lỗi rất nhỏ của doanh nghiệp?

Câu hỏi này đang được dư luận đặt ra trong sự vụ Con Cưng khi mà cơ quan quản lý thị trường cử một lực lượng lớn để kiểm tra hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp này trên quy mô cả nước rồi sau đó… im lặng một cách khó hiểu.

"Cơn Cưng" được cho là không kinh doanh hàng lậu, hàng giả

Đã 3 tuần trôi qua kể từ khi lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra toàn diện chuỗi cửa hàng Con Cưng sau khi có phản ánh về việc Công ty quản lý chuỗi cửa hàng này nhập nhèm nhãn mác cho hàng hóa nhập khẩu, Cục Quản lý thị trường (nay là Tổng cục Quản lý thị trường) đến chiều nay (16/8), vẫn chưa có quyết định chính thức.

Thông tin ban đầu cho biết, sai phạm của chuỗi cửa hàng Con Cưng (TPHCM) là nhỏ, không nghiêm trọng như Cục Quản lý thị trường đánh giá ban đầu

Các thông tin mà báo giới cũng như dư luận nhận được từ lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn chỉ là “đang xem xét thận trọng và sẽ sớm có kết luận chính thức”. Sớm kết luận chính thức nhưng sớm là bao giờ thì hiện tại đã chuẩn bị bước sang tuần thứ 4 vẫn chưa có câu trả lời cuối. Thời điểm này, quản lý thị trường cũng cũng hạn chế tối đa sự phát ngôn cho báo chí.

Trong khi đó, ở khía cạnh khác, một số thông tin chia sẻ với báo chí cho rằng bước đầu về quá trình kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng cho thấy, đến thời điểm hiện tại không phát hiện doanh nghệp này vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, về nguyên liệu và nguồn gốc của bộ quần áo trẻ em mã CF G127011 - sản phẩm bị nghi ngờ "có vấn đề" về xuất xứ, tức trên mác để xuất xứ Thái Lan nhưng một khách hàng lại cáo buộc không phải xuất xứ Thái Lan, theo thông tin của Đoàn kiểm tra, Con Cưng trực tiếp nhập khẩu hàng hóa và hàng hóa nhập khẩu được sản xuất tại Thái Lan. Hồ sơ nhập khẩu hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, Con Cưng có thực hiện 1 Chương trình thu hồi đối với sản phẩm Bộ thun bé gái dài CF G127011. Đây không phải là một Chương trình thu hồi hàng hóa khuyết tật mà là một Chương trình do Công ty tự nguyện thực hiện nhằm tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về việc thay/gắn nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra, xác minh hồ sơ từ các cơ quan chức năng có liên quan cho thấy, không có chuyện Con Cưng bán hàng giả xuất xứ Thái Lan.

Cũng theo các nguồn tin kể trên thì đến thời điểm này, kết quả kiểm tra bước đầu đã cho thấy nội dung cáo buộc Con Cưng bán hàng không có hóa đơn chứng từ là không chính xác. Đoàn kiểm tra cũng không phát hiện vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Bên cạnh đó, hồ sơ công bố, tự công bố của các sản phẩm được kiểm tra đều phù hợp và đúng thẩm quyền và không phát hiện sản phẩm hết hạn sử dụng trong các sản phẩm được lựa chọn kiểm tra. Việc ghi nhãn hàng hóa, hầu hết các sản phẩm được kiểm tra có nhãn hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp có bị oan?

Đến thời điểm hiện tại, bản kết luận chính thức về Con Cưng vẫn chưa được phía Bộ Công Thương công bố. Trong khi đó, Con Cưng đã hơn một lần có văn bản gửi tới cơ quan này để đề nghị được sớm có kết luận chính thức để doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng để tiếp tục làm ăn.

Thậm chí, mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng có kết luận cuối cùng đối với sự vụ Con Cưng và xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm, nếu có.

Thế nhưng, đến trưa 16/8, tức là khoảng một tuần sau khi Phó Thủ tướng có ý kiến, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục im lặng một cách rất khó hiểu. Trong khi đó, những ngày qua, theo tìm hiểu của Dân trí, thương hiệu Con Cưng đối mặt với cơn khủng hoảng truyền thông chưa từng có.

Doanh số bán hàng cũng bị giảm một cách thê thảm khi từ chỗ các cửa hàng lúc nào cũng nhộn nhịp người đến mua đã trở nên đìu hiu hoang vắng. Kể từ khi có chuyện bị thanh tra, quản lý thị trường vào cuộc, người tiêu dùng không cần biết Con Cưng đúng sai thế nào đã kêu gọi tẩy chay và không mua hàng nữa.

Trao đổi với Dân trí, một chuyên gia kinh tế cho rằng, với sự vụ Con Cưng, Bộ Công Thương cần có kết luận ngay, càng sớm càng tốt cho doanh nghiệp, càng rộng đường dư luận. Doanh nghiệp sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nếu cơ quan quản lý thị trường sai cũng cần phải thể hiện sự cầu thị, công khai xin lỗi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người đừng đầu Bộ Công Thương cũng xem lại trình độ, cách thức xử lý sự vụ của cán bộ ngành mình để xử lý đúng người đúng tội.

Theo Hà Nguyễn - Dân trí

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vu-con-cung-quan-ly-thi-truong-ra-quan-ram-ro-bat-loi-rat-nho-cua-doanh-nghiep--20180816033211216p4c147.news