Vụ cô giáo quỳ xin lỗi: Đủ căn cứ vi phạm tội làm nhục người khác

Theo luật sư, hành vi của vị phụ huynh bắt cô giáo quỳ 40 phút hoàn toàn thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội 'Làm nhục người khác' theo quy định tại khoản 1, Điều 150 BLHS.

Liên quan đến vụ việc một cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, Long An bị phụ huynh ép phải quỳ gối xin lỗi trong trường học vì phạt học sinh với hình thức tương tự, cơ quan chức năng địa phương đã đưa ra hình thức kỷ luật khai trừ Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận - một trong các phụ huynh được cho là gây sức ép với cô giáo.

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc. Ảnh: IT

Với hình thức kỷ luật trên, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng vẫn chưa tương xứng.

Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, trước hết, phải khẳng định rằng việc phụ huynh học sinh tới tận trường học rồi buộc cô phải quỳ gối xin lỗi dù xuất phát từ lý do gì đi nữa vẫn là không đúng.

Hành vi của vị phụ huynh trên tuy xuất phát từ tình yêu thương với con nhưng lại “xót con” thái quá, trở thành hành vi “trả thù vặt” không đáng có, gây bức xúc, cần phải xử lý nghiêm để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hòe cho rằng, hành vi của vị phụ huynh đó có các dấu hiệu thỏa mãn yếu tố cấu thành của tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại khoản 1, Điều 150 BLHS.

Cụ thể điều luật này quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.

Theo quy định trên, dấu hiệu của tội “Làm nhục người khác” là hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”. Theo đó, người phạm tội phải là người có hành vi (bằng lời nói hoặc hành động) xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Ý thức chủ quan của người phạm tội là mong muốn cho người bị hại bị hạ nhục với nhiều động cơ khác nhau, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại. Tất cả các hành vi trên đều nhằm mục đích làm nhục người khác chứ không nhằm mục đích khác.

Đối chiếu với quy định trên của luật, nếu chứng minh được vị phụ huynh này đã tới tận nơi làm việc của giáo viên, có lời nói và hành động gây áp lực để buộc cô giáo không còn lựa chọn nào khác mà phải quỳ gối xin lỗi thì người này đã vi phạm.

Luật sư Trương Quốc Hòe. Ảnh: IT

Người này hoàn toàn có khả năng nhận thức rằng trường học là nơi có các giáo viên đồng nghiệp cũng như rất nhiều học sinh mà cô trực tiếp dạy dỗ. Hành động trên ảnh hưởng rất nhiều tới tinh thần của cô giáo cũng như xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người giáo viên, người đang thực thi công việc trồng người.

Tuy rằng cô giáo đã có hành động trách phạt học sinh không đúng khiến phụ huynh bức xúc nhưng còn rất nhiều biện pháp khác để cô sửa lỗi sai của mình (có thể yêu cầu cô tới xin lỗi các em học sinh trước lớp).

Nhưng dù cô đã kiểm điểm và xin lỗi nhưng vị phụ huynh vẫn không đồng ý mà muốn cô phải quỳ giống như cô đã phạt học sinh. Từ đó có thể thấy, hành vi của phụ huynh có thể thỏa mãn các dấu hiệu để khởi tố tội “Làm nhục người khác” theo quy định của bộ luật hình sự.

Cần phải lưu ý, các hành vi của tội “Làm nhục người khác” nếu rơi vào các hành vi tại khoản 1 của điều luật thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên việc có khởi tố hình sự đối với vị phụ huynh trên hay không trong trường hợp này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và quyết định của cô giáo.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bởi lẽ nguyên nhân vụ việc cũng xuất phát từ việc cô giáo, người được xác định là bị hại cũng có lỗi và đây cũng là tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình đối với vị phụ huynh.

Bởi chính cô đã nhiều lần trách phạt học sinh bằng hình thức quỳ, có lần 10 phút, có lần cả tiết học; cô dùng thước đánh vào tay học sinh; gọi học sinh là thằng,... khiến cho các phụ huynh bức xúc.

Hình thức xử phạt của cô giáo đối với học sinh của mình là hình thức không phù hợp với môi trường sư phạm, không mang tính giáo dục. Ngoài ra, hành động này của cô giáo cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, danh dự của học sinh (đều đang ở độ tuổi còn nhỏ).

Hành vi của cô giáo cũng là hành vi sai phạm trong giáo dục, vi phạm đạo đức, chuẩn mực của nghề giáo viên và vì thế cũng cần được xem xét, xử lý.

Chính vì vậy, nhìn một cách tổng thể thì không chỉ xem xét đến trách nhiệm của vị phụ huynh học sinh mà còn cần xem xét tới hành vi sai phạm của giáo viên để đưa ra hình thức xử lý phù hợp với cô giáo nói trên.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 10.3, Đảng ủy xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức đã họp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín với kết quả là khai trừ Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận, phụ huynh gây ra vụ việc này.

Sau khi tiếp nhận biên bản cuộc họp của cấp ủy cơ sở, Đảng ủy xã Nhựt Chánh cũng đã có cuộc họp xem xét tính chất vụ việc và hành vi của ông Võ Hòa Thuận,đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp 6, xã Nhựt Chánh. Việc biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín có kết quả là khai trừ Đảng đối với ông Thuận.

Đình Việt

Nguồn SGGP: http://danviet.vn/ban-doc/vu-co-giao-quy-xin-loi-du-can-cu-vi-pham-toi-lam-nhuc-nguoi-khac-855598.html