Vụ cô giáo quỳ gối: Chúng ta đã quên bẵng đi những đứa trẻ?

Trong câu chuyện học sinh quỳ, cô giáo quỳ mà dư luận đang phán xét đúng sai, những đứa trẻ đang bị bỏ quên. Liệu có ai hỏi xem chúng đang nghĩ gì, cần gì, được gì và mất gì khi chứng kiến những tranh cãi của người lớn?

Những đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi những ngày qua nghe cô giáo và bố mẹ chúng xì xào về câu chuyện xảy ra với phụ huynh và giáo viên trong trường? Ảnh minh họa: Kỳ Quan

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB "Đọc sách cùng con" đã dùng từ “người lớn quên bẵng đi những đứa trẻ” khi nhìn nhận về câu chuyện “cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh”.

Lúc đầu, dư luận phẫn nộ vì trẻ bị bắt quỳ - tức đứa trẻ là đối tượng được bảo vệ - nhưng rất nhanh chóng, làn sóng phẫn nộ hướng vào phụ huynh đã bắt cô giáo quỳ để trả giá cho hành vi phi giáo dục của mình.

Có điều, khi Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) trở thành tâm điểm, việc học tập và sinh hoạt của học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Nhất là con của vị phụ huynh có hành vi chưa đúng với cô giáo có chịu sự phán xét, xa lánh của giáo viên và học sinh trong trường vì hành động của bố mẹ mình?

Bởi trong thế giới phẳng, khi hình ảnh cá nhân, công việc, bằng cấp của vị phụ huynh có hành động gây sức ép để cô giáo phải quỳ gối đều bị đưa lên mạng, ai cũng có thể trở thành quan tòa để phán xét.

Sự phẫn nộ trên thế giới ảo, nhưng hậu quả nhận lại là thật. Khi từ sức ép của dư luận xã hội, vị phụ huynh đã bị biểu quyết khai trừ Đảng, cuộc sống đảo lộn, rồi công việc giúp anh có nguồn thu nhập để nuôi sống cả gia đình cũng có nguy cơ bị mất.

Sự trả giá quá đắt cho hành động bảo vệ con mù quáng và không hiểu biết, dù xuất phát điểm là tình thương và mong muốn bảo vệ con cái mình. Vì một chút hơn thua, vị phụ huynh đã xử lý tình huống chưa khéo để đánh đổi bằng cả tương lai của mình và của con.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng sự việc này nên được dừng lại, hãy ngừng phán xét. Cô giáo chưa đúng đã có cơ quan chức năng xử lý, phụ huynh có hành động sai, cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Lúc này, ban giám hiệu nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường phải làm đầu mối trung gian, gặp gỡ các bên để cùng phối hợp giải quyết sự việc, trên cơ sở coi đây là bài học sâu sắc trong việc ứng xử giữa phụ huynh và nhà trường, để tìm được tiếng nói chung trong việc giáo dục trẻ.

“Quan trọng, cần ứng xử làm sao cho nhân văn, giáo viên không phải vì phụ huynh sai mà quay sang trù dập học sinh, như thế còn đáng trách hơn rất nhiều. Đứa trẻ không có lỗi trong sự việc này”- Luật sư Bùi Đình Ứng chia sẻ.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, dù sao sự việc đáng tiếc cũng đã xảy ra, nhà trường và giáo viên phải nhận diện được thiếu sót trong việc áp dụng hình phạt chưa tích cực với học sinh và phải thay đổi. Việc động viên cô giáo trở lại công việc là cần thiết, nhưng đừng gieo hận thù lên những đứa trẻ, khi có sự phân biệt, xa lánh chỉ vì chúng là con của vị phụ huynh kia.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/vu-co-giao-quy-goi-chung-ta-da-quen-bang-di-nhung-dua-tre-595122.ldo