Vụ cô giáo đánh trẻ khuyết tật ở Long An: Người mẹ mong muốn nhà trường không đuổi việc cô giáo

Vụ cô giáo ở Long An dùng thước gỗ đánh học sinh khuyết tật lớp 1 làm bầm tím cơ thể cháu bé, khiến dư luận cả nước xôn xao.

Cơ thể của cháu K bị bầm tím do cô giáo bạo hành. ẢNh: TL

Cơ thể của cháu K bị bầm tím do cô giáo bạo hành. ẢNh: TL

Dù bức xúc trước hành động của cô giáo chủ nhiệm, nhưng phụ huynh học sinh này nhận định để xảy ra sự việc là có một phần lỗi của con; đồng thời bày tỏ nguyện vọng xin các cơ quan chức năng không đuổi việc cô giáo.

Cô giáo bạo hành học sinh khuyết tật

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh N.H.T (SN 1987, ở thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nhiều ngày nay luôn tấp nập bà con ra vào hỏi thăm, động viên tinh thần anh chị sau sự việc con trai anh là N.H.K (SN 2010, học sinh lớp 1 Trường tiểu học B.H) bị cô giáo chủ nhiệm Cao Thị Vui bạo hành.

Sự việc xảy ra vào ngày 6/12, anh T đến trường đón con trai như mọi ngày. Về đến nhà, chị N.T.B.L (vợ anh T) hoảng hốt phát hiện nhiều chỗ trên lưng và mông của con bị thâm tím và con kêu đau mỗi khi chạm vào vết thâm.

Ngay lập tức, cháu K được đưa đến bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ chẩn đoán cháu K bị “tổn thương nông tác động nhiều vùng cơ thể” và cho thuốc uống điều trị tại nhà. Gặng hỏi con anh T được biết, K bị cô giáo đánh do nghịch đồ dùng học tập của bạn. “Cháu nghịch đồ dùng học tập của bạn nên bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước gỗ đánh nhiều lần vào lưng và mông...”, cháu K kể lại.

Anh T cho biết, K là con trai đầu lòng của vợ chồng anh, cháu bị khuyết tật ở chân, đi lại khập khiễng, khó khăn. Cũng vì ngoại hình khiếm khuyết nên tính tình của K rụt rè, nhút nhát, không được thông minh, hiếu động như những đứa trẻ cùng lứa. Lên 8 tuổi, K mới bắt đầu theo học lớp 1.

“Khi nhìn cơ thể của con trai bầm tím, vợ chồng tôi đã rất đau xót. Đồng ý là cô có quyền dạy bảo con trai tôi cũng như những học sinh khác nếu chúng không nghe lời. Thế nhưng, cô đánh con tôi ra nông nỗi này thì quá đáng lắm. Tôi phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao cô giáo lại đánh con tôi bầm tím như vậy, đồng thời khuyên cô sau này không nên hành động như vậy với con tôi cũng như những học sinh khác nữa”, anh T cho biết.

Chị L bày tỏ nguyện vọng xin nhà trường đừng đuổi việc nữ giáo viên đã bạo hành con trai của mình.

“Xin đừng đuổi việc cô giáo”

Nhiều người dân địa phương sau khi nghe sự việc đã rất bức xúc, tìm đến nhà anh T thăm hỏi, động viên cháu K. Sau đó, anh T đã phản ánh sự việc lên Ban giám hiệu nhà trường. Ban Giám hiệu Trường tiểu học B.H đã xác minh vụ việc và kết luận chính thức: Do không kìm được nóng giận, cô giáo chủ nhiệm Cao Thị Vui đã đánh cháu K.

"Một ngày sau khi phát hiện sự việc, cô Vui cùng lãnh đạo trường đã tìm đến tận nhà xin lỗi, mong gia đình tha thứ. Mấy ngày nay cô ấy cũng qua thăm hỏi, quan tâm đến cháu và mong vợ chồng tôi đừng làm lớn chuyện", chị L nói.

Trong giải trình gửi lãnh đạo Trường tiểu học B.H, cô Vui trình bày, K là học sinh khuyết tật, học yếu hơn so với nhiều bạn trong lớp nên được sắp xếp ngồi cùng bàn với cô để kèm cặp thêm. Ngày 6/12, đang trong giờ học thì K nghịch đồ của bạn. Mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng K vẫn không chịu nghe lời khiến cô giáo bức xúc, dùng thước đánh vào mông, lưng học sinh.

Theo chị L, hiện cháu K đã ổn định tinh thần, không còn hoảng sợ hay tỏ ra đau đớn như trước và đã có thể chơi đùa. Sáng thứ Hai (ngày 10/12), vợ chồng chị L vẫn tiếp tục cho con đến lớp học như bình thường.

“Cô giáo cũng vì thương con trai tôi, muốn con theo kịp bạn bè trong lớp nên cô cố gắng chỉ dạy, kèm cặp nhưng không được nên mới đánh. Cô Vui cũng đã biết lỗi, thường xuyên qua nhà thăm con tôi. Mong nhà trường chỉ kỷ luật thôi chứ đừng đuổi việc cô mà tội. Cô Vui hứa từ nay sẽ không đánh học sinh như vậy nữa rồi. Hãy cho cô ấy một cơ hội để sửa sai", chị L cho biết.

Ông Lê Ngọc Khanh - Phó phòng GD&ĐT huyện Đức Hòa cho biết, đã đình chỉ công tác đối với cô Cao Thị Vui 15 ngày (kể từ ngày 10/12) để chờ xem xét kỷ luật.

Bà Phan Thị Nguyệt - Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An) cho biết, “dựa vào nguyện vọng của gia đình, nếu anh T không muốn cháu K học ở trường cũ thì chúng tôi sẽ phối hợp với ngành giáo dục hỗ trợ chuyển trường, tạo điều kiện để cháu K tiếp tục đi học”.

N.An - H.Duyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/vu-co-giao-danh-tre-khuyet-tat-o-long-an-nguoi-me-mong-muon-nha-truong-khong-duoi-viec-co-giao-20181211102225083.htm