Vụ cô giáo bắt học sinh quỳ: Đừng biến thầy cô thành 'máy dạy'!

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vụ cô giáo bắt học sinh quỳ vì vi phạm nội quy. Vào bất cứ trang mạng xã hội nào ta cũng có thể bắt gặp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ý kiến 'sặc mùi bạo lực'...

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vụ cô giáo L.T.Q ở Thường Tín, Hà Nội bắt học sinh quỳ vì vi phạm nội quy. Năm người mười ý, song phần lớn ý kiến đều lên án hành động của cô giáo là phản cảm, là phi giáo dục. Bởi họ cho rằng, đánh đập hay phạt quỳ đều là hành vi bạo lực, và nó không thể tồn tại trong mỗi ngôi trường.

Bày tỏ quan điểm, phê phán, bất bình với cái sai cái xấu để xã hội tốt hơn là việc nên làm và đáng được hoan nghênh. Song điều đáng nói ở đây là cái cách dư luận phản ứng, bày tỏ thái độ trước sự việc này nó khiến người ta không khỏi giật mình. Vào bất cứ trang mạng xã hội nào ta cũng có thể bắt gặp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ý kiến kiểu như “Phải bắt cô đó quỳ cả tuần cho sáng mắt ra”, “Đây là phù thủy chứ đâu phải là cô giáo”, “Cô này mà gặp tôi ngoài đường, chắc no đòn”, “Phải con tôi, tôi chém cả nhà”...

Với những quan điểm, ý kiến “sặc mùi bạo lực” như thế, vô tình người ta đã và đang cổ súy cho thứ văn hóa bạo lực trong cộng đồng, xã hội. Chỉ vì muốn trừng trị lỗi lầm của một ai đó, người ta có thể tự cho mình cái quyền rủa xả rồi “chém cả nhà”? Không. Đó là cái lý, cái dũng của kẻ thất phu! Là suy nghĩ của những kẻ rừng rú, mê muội, vô pháp vô thiên. Một xã hội văn minh, không thể tồn tại cái tư duy “dùng bạo lực để trả thù bạo lực”.

Hình ảnh vụ cô giáo phạt học sinh quỳ ở Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Internet

Hình ảnh vụ cô giáo phạt học sinh quỳ ở Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Internet

Hơn nữa, khi con người ảo tưởng rằng “bạo lực có thể khắc chế được bạo lực”, thì những giá trị đạo đức và lễ nghĩa trong xã hội truyền thống sẽ bị phá vỡ; ranh giới đúng - sai, tốt - xấu sẽ bị xóa nhòa và đó là lúc nhân tính bị hủy hoại nghiêm trọng. Đất nước thượng tôn pháp luật, bất cứ hành vi sai quấy nào cũng đều có chế tài xử lý, không ai có thể tự cho mình cái quyền dùng bạo lực để trút xả những tức giận, bất bình của bản thân...

Chính sự can thiệp thái quá và có phần thô bạo, hung hãn, “chỉ nhìn hiện tượng, không cần xem bản chất” như thế của cộng đồng, dư luận, nhất là thế giới mạng đã và đang biến thầy cô thành “máy dạy”.

Có cô giáo đã từng tâm sự rằng, cô càng ngày càng sợ học trò. Sợ theo đúng nghĩa. Bởi giờ các em không là “cục vàng” của nhà này thì cũng là “cục bạc” của nhà kia, chạm vào là cô chả khác gì “cá nằm trên thớt”. Nhiều em nghịch ngợm, phá phách song chỉ cần bị mắng mỏ, quát nạt vài câu là về kể lể, thậm chí là thêm thắt với phụ huynh. Lúc đó cô sẽ phải đối mặt với hàng trăm hệ lụy. Và trường hợp sợ học trò như cô, nó không phải là cá biệt.

Việc lâu nay dư luận chỉ cần dựa vào hình ảnh, rồi phán đoán, rồi “auto” lên án, chỉ trích đã khiến nhiều thầy cô rơi vào tình trạng bị tổn thương, gây tiền lệ xấu cho giáo dục. Điều đó dần tạo nên tâm lý “mackeno”, tức “mặc kệ nó” trong đầu của những người thầy. Họ lên lớp, giảng như một cái máy cho hết bài rồi về, trò có nghe hiểu hay không là việc khác. Như thế, cho an toàn.

Trên thực tế thì trong thời gian gần đây đã có quá nhiều trường hợp thầy cô giáo “bỗng dưng thành người nổi tiếng”, rồi bị kỷ luật, bị thuyên chuyển công tác. Thậm chí có người còn bị cắt hợp đồng, bị buộc thôi việc chỉ vì trót trách phạt học sinh vi phạm bằng... thước kẻ. Thế là chỉ một sai lầm nhỏ, họ phải trả giá bằng chính sự nghiệp của mình.

Những thầy cô đó có biết hành động dùng bạo lực trách phạt học sinh của mình là sai? Chắc chắn là có. Vì đơn giản, ngay từ khi ngồi trên giảng đường của các trường sư phạm, các thầy cô đã được học, được đào tạo rất nhiều, rất sâu, rất kỹ về tâm lý học trò và các phương pháp giáo dục tiên tiến nhất. Chuyện họ phải dùng đến roi mây hay thước kẻ chung quy nó cũng là cái sự đặng chẳng đừng.

Trở lại vụ việc ở Thường Tín, Hà Nội, theo chia sẻ của nhiều thầy cô trong trường thì cậu học trò bị trách phạt đó bị liệt vào nhóm 5 học sinh cá biệt của lớp cô Q chủ nhiệm. Cá biệt đến nỗi cô Q đã từng phải mời phụ huynh của cả 5 em lên trao đổi để tìm “thuốc chữa”. Trong buổi họp ấy đã có phụ huynh thẳng thắn đề nghị: “Nếu tất cả các biện pháp trách phạt đều không làm các em thay đổi, cô giáo có thể bắt quỳ”.

Đừng để truyền thống “tôn sư trọng đạo” dần mai một

Khi biện pháp “bất đắc dĩ” đó được áp dụng, dư luận bắt đầu dậy sóng. Trong vụ việc đáng tiếc này, không phải ai cũng hướng mũi dùi về phía cô Q. Nhiều người bày tỏ sự cảm thông với cô và cũng không quên đặt ra câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của những bậc phụ huynh. Họ đã ở đâu và làm gì khi con mình “cá biệt”?

Không phải ngẫu nhiên mà dư người ta đặt ra câu hỏi ấy, bởi các nhà nghiên cứu tâm lý học cũng như các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới đều chỉ ra rằng: Những người có ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình xây dựng nên tính cách của các em là cha mẹ. Bởi họ chính là những người giáo viên đầu tiên và tạo ảnh hưởng dài lâu nhất. Nếu cha mẹ thờ ơ, không coi việc giáo dục đạo đức cho con thì ngay cả đứa trẻ đó học tốt cũng rất khó để trở thành người tốt.

Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay không ít phụ huynh hoàn toàn phó thác chuyện học hành, giáo dục đạo đức, lối sống của con mình cho thầy cô giáo. Họ “tống” đứa trẻ đến trường vì tin rằng “trường kiểu gì cũng sẽ dạy nó nên người”. Họ xem việc sáng đưa con đi, chiều đón về, tiền đóng gạo góp đầy đủ là đã làm tròn bổn phận. Đôi khi con học lớp A hay lớp B, chăm chỉ hay mải chơi họ cũng không cần biết, thế nhưng chỉ cần nghe tin con bị thầy trách hay cô phạt là họ hăm hở đến trường. Nhẹ thì đay đả, chất vấn, nặng thì làm đơn tố cáo.

Trò “bất khả xâm phạm”, phụ huynh thiếu hợp tác và không có sự cảm thông, chia sẻ như thế, thầy cô liệu có còn “lửa” với nghề? E rằng rất khó. Thầy cô giáo cũng là người, họ đâu phải thánh nhân. Họ cũng có hỉ nộ ái ố, cũng buồn vui, giận dữ. Đòi hỏi họ phải kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng, kiểm soát tâm trạng, kiềm chế cảm xúc trong bất cứ hoàn cảnh, đối tượng giáo dục nào là điều bất công và phi lý đến vô cùng.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, từ xưa đến nay, trong bất cứ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào thì người làm thầy luôn được xã hội tôn trọng, nghề giáo luôn là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” được ông cha ta tạo dựng, bồi đắp, trao truyền cho đến nay nó không còn là quan niệm về cách ứng xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức, một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Song để truyền thống, nét đẹp đó không mai một, trách nhiệm nhất định không chỉ thuộc về những người thầy.

T. Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/vu-co-giao-bat-hoc-sinh-quy-dung-bien-thay-co-thanh-may-day-22253.html