Vụ cô gái bị chồng Hàn Quốc đánh gãy xương: Rủi may 'cô dâu Việt'

Hàng nghìn cô gái trẻ đã lựa chọn lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... như một phương cách để thoát nghèo. Thế nhưng...

Thời gian qua, việc một phụ nữ Việt Nam tên L.G. (SN 1989, quê gốc Ninh Thuận), bị chồng là người chồng Hàn Quốc đánh đập trong suốt 3 giờ liền trở thành tâm điểm của truyền thông.

Video dài 2 phút rưỡi ghi lại hình ảnh G bị chồng tát, đấm đá đến gãy xương trước mặt đứa con 2 tuổi đang sợ hãi đứng khóc được chia sẻ trên khắp các trang mạng xã hội của cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Thậm chí người dân Hàn Quốc còn làm đơn kiến nghị gửi lên Tổng thống, yêu cầu giới chức nước này xử phạt thật nặng người chồng. Hiện lá đơn đó đã thu hút được trên 10.000 chữ ký ủng hộ.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Công an Tô Lâm vào ngày 8/7/2019 tại Seoul, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak Yeon đã bày tỏ lấy làm tiếc về vụ “cô dâu Việt” bị chồng đánh gãy xương và hứa tăng cường những nỗ lực bảo vệ quyền con người và an toàn cho người Việt đang sống tại quốc gia này.

G chỉ là một trong hàng nghìn cô gái Việt Nam chấp nhận “làm dâu xứ lạ” những mong thay đổi cuộc đời mình. Thế nhưng, cái giá mà các cô phải trả là những trận đòn roi liên miên hay thậm chí là mạng sống.

L.G. bị chồng đánh đến gãy xương trước mặt con trai

L.G. bị chồng đánh đến gãy xương trước mặt con trai

Với ước mơ thoát khỏi cuộc sống cơ cực ở ngôi làng nhỏ bé thuộc tỉnh Tây Ninh, năm 2004, Đ.T.M.T, khi đó 17 tuổi, chấp nhận kết hôn với một người đàn ông Hàn Quốc gần bằng tuổi... bố mình. Sau lễ hợp hôn chóng vánh, cô rời quê hương và chuyển tới sinh sống ở xứ kim chi.

Ngày 24/7/2014, xác của T được tìm thấy dưới một hẻm núi. Khi đó, cô mới vừa tròn 27 tuổi. Thủ phạm chính là Lee Geun Sik, chồng của T. Tại cơ quan chức năng, Sik khai rằng, hắn giết vợ sau khi cãi vã rồi cố tình ném xác nạn nhân để phi tang.

Cái chết của T khi đó đã gây chấn động cộng đồng Hàn Quốc cũng như Việt Nam suốt một thời gian dài. Vụ án cũng trở thành một “ví dụ điển hình” cho nạn bạo hành trong các gia đình, nơi có những người chồng gia trưởng thích nói chuyện bằng... nắm đấm.

Trước đó, vào tháng 7/2010, T.T.H.N, cô gái quê gốc ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, cũng bị chồng là người Hàn Quốc sát hại dã man tại Busan, chỉ sau đám cưới đúng 1 tuần.

Trong một bài phát biểu, đích thân Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung Bak đã phải lên tiếng xin lỗi và gửi lời chia buồn tới gia đình nạn nhân T.T.H.N.

Và điều đáng nói là những trường hợp như G, như N không hề cá biệt. Theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc, cứ 10 cô dâu nhập cư, mà chủ yếu đến từ các nước Đông Nam Á, thì có 4 người bị chồng bản địa bạo hành, trong đó các hình thức bạo hành phổ biến nhất là xúc phạm bằng lời nói, cưỡng ép hoặc lạm dụng tình dục.

Thế nên, cứ thi thoảng báo chí lại rộ lên thông tin “cô dâu Việt” này bị bạo hành, “cô dâu Việt” kia bỏ mạng. Có những cô vừa mới xênh xang váy áo “xuất ngoại theo chồng”, dăm bữa nửa tháng đã hóa thành tro, hồi hương trong chiếc làn của mẹ.

Thậm chí, có những cô bước chân về nhà chồng, bị lạm dụng tình dục, bị ép uổng “làm vợ” của 5-7 gã đàn ông, từ cha chồng cho đến anh chồng. Lý do là bởi gia đình ấy quá nghèo, không đủ điều kiện để cưới cho mỗi người một vợ. Mà đã “mất tiền mua mâm”, thì nhất định phải “đâm cho thủng”, thế là họ thay nhau vày vò cô sớm tối.

Những bài học nhãn tiền, những tấm gương tày liếp còn tươi rói như thế nhưng có vẻ chưa đủ để làm người ta thức tỉnh. Ở nhiều làng quê, vẫn còn vô số các cô gái tiếp tục nuôi hy vọng đổi đời từ việc lấy chồng ngoại quốc.

Chồng G bị bắt giữ

Cứ nhìn cảnh “thí sinh” tấp nập trong các trung tâm môi giới hôn nhân thì biết. Rặt những “mười tám, đôi mươi” chen chúc khoe mặt, ưỡn ẹo phơi thân để những mong nhận được cái gật đầu của mấy gã đàn ông xì xồ, xa lạ.

Lấy chồng không bởi “tiếng gọi tình yêu”, chả ai dám chắc chuyến đi của các cô nó không chứa đựng rủi ro. Có khi ước mơ vượt thoát ra khỏi luống cày, đồng lúa, con trâu... của các cô, nó tan ngay sau khi cái “hợp đồng hôn nhân” vừa được ký.

Còn nhiều cặp vợ chồng sau khi gả con gái cho các anh chàng ngoại quốc, không chắc đứa con đó còn có ngày trở về, họ lại tiếp tục sinh ra những đứa con khác, để đề phòng bất trắc.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trong hàng chục nghìn cô gái lấy chồng ngoại, có không ít người hạnh phúc, nhưng số gặp bất hạnh cũng chẳng hề kém cạnh.

Mà “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, thường thì người ta chỉ nhìn thấy những sang chảnh, váy áo, nhà xe, điện thoại... chứ mấy ai thấy được cảnh “cô dâu Việt” bị vắt kiệt sức ở xứ người, nước mắt chan cơm và những tháng ngày cô độc không ai san sẻ?

Những thứ hào nhoáng ấy càng dễ làm cho nhiều người thèm muốn. Nó ngấm ngầm len lỏi vào ngay cha mẹ, người thân các cô, tạo thành cơn lốc phù du bao phủ những làng quê thuần phác.

Các câu chuyện kiểu như con gái ông A hay bà B mới gửi tiền về xây sửa cửa nhà ra sao, phụng dưỡng, đỡ đần về kinh tế cho cha mẹ như thế nào, người ta có thể nghe ở rất nhiều xóm ấp. Thái độ của bà con chòm xóm, làng xã, cộng đồng qua những câu chuyện như thế nó tạo ra một đòn bẩy âm thầm, thúc giục những cô gái độc thân tiếp bước.

Cứ như thế, số cô gái vốn dĩ chỉ biết đến ruộng đồng, một chữ tiếng Anh không biết bỗng một ngày chạy lòng vòng khắp Seoul, Bắc Kinh hay Đài Loan, Đài Bắc ngày càng nhiều.

Có lẽ tư tưởng sính ngoại đã ăn sâu vào lối suy nghĩ của nhiều người, nên hễ cứ nghe cái gì có liên quan đến “nước ngoài” là họ mặc nhiên cho rằng nó tốt hơn “trong nước”? Không hẳn là vậy. Không phải cứ là đàn ông nước ngoài thì hay hơn đàn ông trong nước, và ngược lại.

Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc và ai cũng xứng đáng được sống một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là một canh bạc rủi may, nhất là khi hôn nhân dựa trên những toan tính đổi đời.

Hiện chưa có tổ chức, cá nhân nào đứng ra thống kê chính xác số chị em phụ nữ Việt Nam đang lang bạt xứ người kiếm sống dưới danh nghĩa vợ chồng và gặp rủi ro. Chỉ biết là con số ấy rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn. Chúng ta gần như là thụ động trong việc bảo vệ họ, ngay cả khi nhìn thấy họ tiến gần hơn về phía bi kịch.

T.Thành

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/vu-co-gai-bi-chong-han-quoc-danh-gay-xuong-rui-may-co-dau-viet-23183.html