Vụ Chủ tịch huyện mua nhà gỗ lậu cho con trai: Kiểm điểm Hạt kiểm lâm Minh Hóa

Ngày 18.10, Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cho biết, liên quan đến bài báo 'Chủ tịch huyện mua nhà gỗ lậu cho con trai?' đăng trên báo điện tử Một Thế Giới, đơn vị đã đi xác minh và có kết luận tại văn bản số 1041.

Thừa nhận bán nhà gỗ

Văn bản này gửi báo cáo Chi cục kiểm lâm vùng II do ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Bình ký. Phần nhà gỗ không có hồ sơ nguồn gốc theo quy định. Việc mua bán vận chuyển nhà gỗ từ xã Dân Hóa về Quy Hóa, ông Dân và ông Sĩ không trình báo UBND xã Dân Hóa và kiểm lâm La Trọng. Mặt khác, UBND xã Dân Hóa và kiểm lâm La Trọng cũng không biết việc mua bán, vận chuyển nhà gỗ giữa ông Dân và ông Sĩ.

Đây là căn nhà gỗ cũ?

Văn bản xác minh của kiểm lâm ghi: ông Nguyễn Văn Dân sinh năm 1964, nghề nghiệp lái xe, có hộ khẩu thường trú tại xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa. Năm 2002 ông Dân cùng gia đình đến xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đăng ký tạm trú. Năm 2005 ông Dân làm 1 ngôi nhà gỗ ở bản Kreng, theo ông trình bày là loại nhà gỗ 3 gian, 17 cột, cột lớn cao khoảng 5m, đường kính khoảng 35cm, cột nhỏ cao khoảng 4m, đường kính khoảng 20cm, loại gỗ chua, gội; ván bao quanh nhà là gỗ nhóm 7, 8. Số gỗ làm nhà ông Dân thuê, mượn, đổi lương thực, mua lại của đồng bào dân tộc và người dân địa phương, không có giấy tờ liên quan.

Năm 2016, ông Dân bán ngôi nhà gỗ cho ông Sĩ ở xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa với giá 700 triệu. Ngoài ra không có cơ sở khẳng định ông Dân là đối tượng làm nhà gỗ để buôn bán trái pháp luật.

Về thông tin này, khi phóng viên trong vai người đi mua nhà gỗ tiếp xúc, ông Dân cho biết chỉ cần nói kiểu nhà và đưa một ông thợ làm nhà gỗ đi theo để lên ý tưởng nhà gỗ như thế nào là có gỗ làm nhà. Do đó, chỉ xác minh một chiều rồi kết luận ông Dân không buôn bán nhà gỗ là khiên cưỡng.

Người mua là con trai Chủ tịch huyện

Văn bản của kiểm lâm nói về người mua: ông Đinh Ngọc Sỹ, sinh năm 1987, nghề nghiệp: viên chức tại Trung tâm giáo dục nghề huyện Minh Hóa, thường trú tại thôn 4 Thanh Long, xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa. Ông Đinh Ngọc Sỹ là con trai của ông Đinh Hữu Niên, hiện là Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa. Ông Sỹ và gia đình đang sống trong ngôi nhà gỗ 3 gian được xây dựng trên mảnh đất bên cạnh nhà ông Đinh Hữu Niên như báo phản ánh.

Kiểm lâm cho biết, ngôi nhà ông Sỹ đang ở là loại nhà gỗ 3 gian, trên lợp ngói, 3 phía xây bao bằng gạch, phía trước bằng ván gỗ. Nhà chiều ngang 12m, sâu 8m, có 17 cột, cột lớn cao 5m, đường kính 36cm, cột nhỏ cao 3,8m, đường kính 22cm. Phần gỗ làm cột, băng, kèo, đòn tay… chủ yếu là gỗ chua nhóm 3; theo ông Sỹ trình bày thì ông mua lại ngôi nhà gỗ của ông Dân ở xã Dân Hóa, nhà gỗ cũ đã qua sử dụng nên không có giấy tờ gì liên quan. Phần gỗ làm cửa, ván trần, nội thất hoàn thiện ngôi nhà là gỗ pơ mu nhóm 1, giỗi nhóm 3, de nhóm 4 ông Sỹ mua lại của Công ty TNHH Tiến Mạnh Cường với khối lượng 12m3, gỗ có nguồn gốc xử lý tịch thu sung công quỹ nhà nước được Sở Tài chính Quảng Bình bán theo hóa đơn.

Căn nhà như thế này không thể gọi là cũ

Kiểm lâm Quảng Bình kết luận, như vậy nguồn gốc làm nhà của ông Sĩ gồm phần gỗ cửa, ván, trần và nội thất ngôi nhà có nguồn gốc hợp pháp. Phần nhà gỗ gồm cột, băng, kèo, đòn tay… là gỗ cũ đã qua sử dụng, không có hồ sơ nguồn gốc theo quy định.

Khó khăn nên không xử lý?

Kiểm lâm Quảng Bình đưa ra nhận định: Huyện Minh Hóa là một huyện miền núi nghèo do vậy được hưởng chính sách hỗ trợ làm nhà ở đối với đồng bào dân tộc, hộ nghèo, đa số người dân sống trên địa bàn các xã miền núi, đều có nhu cầu làm nhà ở và gỗ làm nhà cũ trước đây thường có nguồn gốc hợp pháp từ chính sách hỗ trợ của nhà nước và một số có nguồn gốc không rõ ràng, không hợp pháp, đây thực sự là vấn đề tồn tại khó giải quyết, xử lý tại địa bàn huyện Minh Hóa.

Cần khẳng định căn nhà ông Dân bán cho ông Sỹ là không có nguồn gốc hợp pháp, nhà gỗ lậu

Kiểm lâm biện hộ rằng, sau khi thông tư số 01/2012/TT-BNN có hiệu lực năm 2012 đã đuy định chủ lâm sản phải tự khai báo và chịu trách nhiệm về nguồn gốc lâm sản khi mua bán, vận chuyển, cất giữ, kể cả đồ mộc hoàn chỉnh, đã qua sử dụng. Tương tự trường hợp ngôi nhà gỗ cũ đã được ông Dân sử dụng lại từ năm 2005 đến năm 2016 thì bán lại cho ông Sỹ nên buộc ông Dân chứng minh nguồn gốc số gỗ để làm nhà là hết sức khó khăn đối với ông Dân. Vì vậy Chi cục kiểm lâm Quảng Bình cũng rất khó khăn để thực hiện biện pháp truy xuất nguồn gốc lâm sản và xem xét áp dụng hình thức xử lý hành vi mua bán trái phép nhà gỗ của ông Dân.

Qua vụ việc này, Chi cục kiểm lâm Quảng Bình đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Minh Hóa, Trạm trưởng kiểm lâm La Trọng và kiểm lâm địa bàn xã Dân Hóa kiểm điểm nghiêm túc khi để xảy ra việc mua bán, vận chuyển nhà gỗ không có hồ sơ nguồn gốc ra khỏi địa bàn quản lý thời gian qua.

Clip căn nhà gỗ lậu của ông Dân bán cho ông Sĩ

Sơn Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/vu-chu-tich-huyen-mua-nha-go-lau-cho-con-trai-kiem-diem-hat-kiem-lam-minh-hoa-73908.html