Vụ chìm tàu, 9 ngư dân mất tích: Dốc toàn lực, sử dụng robot lặn tìm kiếm các thuyền viên

Trong lúc đánh bắt cá ở vị trí cách đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) khoảng 34 hải lý về hướng Nam, tàu cá NA 95899 TS do ông Hồ Bá Lâm (trú xã Tiến Thủy, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng (trên tàu có 19 thuyền viên) va chạm với tàu Pacific 01. 9 ngư dân và 1 thi thể đã được cứu và đưa về mai táng tại quê nhà. Đến nay, 10 ngày trôi qua nhưng 9 ngư dân còn lại vẫn mất tích và đang được lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm.

Công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương.

Công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích vẫn đang được tiến hành khẩn trương.

Chỉ mong tìm được thi thể người thân

10 ngày qua, người dân cả làng biển xã Tiến Thủy không một đêm yên giấc. Họ quên ăn, mất ngủ chỉ để chờ mong, cầu nguyện sẽ tìm được thi thể người thân là các ngư dân xấu số. Bởi, họ cũng biết rằng, hy vọng sống sót dường như đã biến tan. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chỉ có thi thể thuyền viên Nguyễn Văn Hòa được người thân đưa về mai táng, 9 thuyền viên may mắn được cứu sống gồm Đinh Trọng Dũng, Nguyễn Xuân Tuyến, Phạm Hữu Thanh, Hồ Khắc Đức, Đinh Trọng Hậu, Phạm Hữu Hoàn, Nguyễn Văn Công, Trương Văn Việt (cùng trú tại xã Tiến Thủy) và Tô Duy Thái (trú xã Quỳnh Nghĩa, H. Quỳnh Lưu). Còn lại 9 thuyền viên vẫn đang nằm lại đâu đó dưới biển khơi là Hồ Bá Lâm (thuyền trưởng), Bùi Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Tùng, Trương Đắc Quý, Hồ Bá Hoàn, Nguyễn Tuấn Phong, Bùi Ngọc Chung, Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Ngọc Tân (cùng trú xã Tiến Thủy).

Ngôi nhà cấp 4 của thuyền viên Nguyễn Văn Hòa những ngày này vẫn nặng trĩu không khí tang thương. Căn nhà lụp xụp, nghèo nhất làng với tường mốc meo, nứt chằng chịt là nơi trú ngụ của mấy mẹ con chị Thái Thị Lý (vợ anh Hòa). Ngày tàu cá gặp nạn, anh Hòa may mắn được cứu nhưng khi tỉnh dậy không thấy cậu con trai Nguyễn Tuấn Phong đâu nên đã nhảy xuống tìm. Và kết quả, cha tử vong còn con vẫn nằm lại biển khơi. Những ngày qua, đã có nhiều tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi động viên gia đình chị Lý. Trong đó, Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái - Tổng Biên tập Tạp chí Công an nhân dân, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược, lịch sử, Bộ Công an, dẫn đầu, đại diện cho các lãnh đạo cơ quan báo chí Nghệ An cùng các cơ quan đoàn thể tại tỉnh nhà đã đến thăm hỏi, chia sẻ và trao quà động viên với gia đình chị Lý và gia đình các nạn nhân gặp nạn.

Ngư dân Đinh Trọng Dũng - 1 trong 9 người được cứu sống kể lại sự việc.

Sẽ dùng robot lặn tìm kiếm

Năm 2017, theo Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu, anh Hồ Bá Lâm cùng 14 thuyền viên khác đã chung vốn và vay thêm tiền ngân hàng để đóng chiếc tàu đánh bắt xa bờ với số tiền hơn 14 tỉ đồng. Ngày 25-6, tàu cùng 19 thuyền viên ra khơi đánh cá, đến trưa 28-6 thì gặp nạn. Là người lớn tuổi nhất tàu với gần 30 năm kinh nghiệm đi biển nhưng đây cũng là chuyến đi biển ám ảnh nhất đối với thuyền viên Đinh Trọng Dũng (1962, trú xã Tiến Thủy). "Khi nghe một tiếng động rất lớn, tôi và mọi người bị hất văng xuống biển. Quá bất ngờ và không mặc áo phao nên mọi người chìm xuống, tôi chỉ biết mình tìm mọi cách vùng vẫy, vật lộn để sống chứ không rõ nữa", ông Dũng nhớ lại.

Còn thuyền viên Nguyễn Xuân Tuyến (1986, trú cùng địa phương) cũng chưa hết bàng hoàng: "Hôm đó, khoảng 13 giờ chiều, anh em thuyền viên nằm ngủ sau một đêm thức trắng đánh cá thì bỗng giật mình tỉnh giấc bởi một tiếng động rất lớn rồi tàu cá chìm dần, mọi người đều rơi hết xuống biển. Tôi thấy chiếc phao vòng tròn trên tàu cá ở gần nên ôm chặt lấy. Tàu Pacific cao khoảng 30m chạy lướt qua, sau đó quần lại để cứu người và ném áo phao xuống biển. Còn tàu chở hàng vòng lại đến lần thứ 2 mới kéo được tôi lên, kết thúc thời gian tôi ôm phao lênh đênh trên biển khoảng 60 phút", anh Tuyến kể. Cũng theo anh Tuyến, thời điểm tàu cá gặp nạn sóng giật cấp 6, cấp 7, độ cao hơn 1,5m, biển sâu hơn 60m. Tàu bị đâm chìm nhưng một số phao cũng bung ra, hầu hết những người còn sống là do nắm được phao. Ở vị trí bị nạn, không có sóng điện thoại, lúc neo đậu thì các thuyền viên đã đánh bắt được 10 tấn cá.

Hiện tại, 9 thuyền viên đã theo các đoàn tìm kiếm cứu nạn trở lại khu vực tàu gặp nạn để tìm kiếm bạn bè, người thân. Trong đó, anh Đinh Trọng Dũng và Phạm Hữu Hoàn đã lên tàu SAR 411 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam rời cảng Cửa Lò để di chuyển ra vùng biển khu vực Vịnh Bắc Bộ. Còn anh Nguyễn Xuân Tuyến cùng các thuyền viên còn lại cũng đã ra biển Hải Phòng cùng hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm 9 ngư dân còn lại. Theo thông tin từ lực lượng tìm kiếm, cơ quan chức năng đã điều động 5 tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn tại vùng biển hiện trường nhưng thợ lặn đã lặn sâu tới 50m nhưng vẫn không thể tiếp cận được vị trí tàu gặp nạn, do dòng chảy dưới biển quá lớn và vị trí tàu cá bị chìm sâu khoảng 60m, không đủ điều kiện an toàn. Bộ GTVT, Cục Cứu hộ cứu nạn cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng điều tàu Tân Cảng 63 từ TPHCM ra tham gia tìm kiếm. Đây là tàu được trang bị thiết bị lặn siêu vi điều khiển từ xa (robot lặn) có thể lặn sâu hàng trăm mét, sẽ được sử dụng để khảo sát, ghi lại hình ảnh dưới hiện trường đáy biển nơi tàu cá đang bị chìm. Dự kiến ngày 10-7, tàu Tân Cảng 63 sẽ đưa robot lặn ra tới hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm.

DƯƠNG HÓA

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_209077_vu-chim-tau-9-ngu-dan-mat-tich-doc-toan-luc-su-dung-robot-lan-tim-kiem-cac-thuyen-vien.aspx