Vụ cháy nhà xưởng tại quận Nam Từ Liêm làm 8 người tử vong: Cháy nhà ra cả tá chuyện

Theo rà soát của cơ quan chức năng, khu vực nhà xưởng trong vụ cháy nghiêm trọng khiến 8 người chết tại ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cuối tuần qua là khu nhà xưởng xây dựng trái phép.

Đây không phải là lần đầu tiên khi tai nạn nghiêm trọng xảy ra, hàng loạt các bất cập trong quản lý trật tự xây dựng (TTXD) hay công tác PCCC mới bộc lộ rõ nhiều bất cập.

Một loạt nhà xưởng xây trái phép

Theo báo cáo về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, khu vực trên nằm trong chỉ giới hành lang sông Nhuệ. Nơi xảy ra vụ cháy khiến 8 người chết ngày 12/4/2019 là công trình xây dựng trái phép với 4 nhà xưởng mái tôn, khung sắt, có tường gạch bao xung quanh cao khoảng 1,5m, phía trên được quây tôn với tổng diện tích khoảng trên 800m2.

Cụ thể, thửa đất ông Đào Đăng Phượng sử dụng trồng hoa màu từ khoảng năm 1990 có nguồn gốc là đất do UBND xã Trung Văn (nay là phường Trung Văn) quản lý. Ông Đào Đăng Phượng đã cho con rể là ông Trần Quang Bình sử dụng, trong quá trình sử dụng đến năm 2008, ông Bình đã tự ý xây dựng nhà tôn, khung sắt.

 Các hộ gia đình tập kết rác ở phố Đại Linh (phường Trung Văn) lấn chiếm cả đường giao thông. Ảnh: Thái Trang

Các hộ gia đình tập kết rác ở phố Đại Linh (phường Trung Văn) lấn chiếm cả đường giao thông. Ảnh: Thái Trang

Trong quá trình xây dựng công trình, UBND xã Trung Văn đã lập hồ sơ vi phạm đối với ông Trần Quang Bình. Cụ thể, ngày 18/12/2008, UBND xã Trung Văn đã lập biên bản ngừng thi công công trình vi phạm TTXD đối với ông Trần Quang Bình vì hành vi vi phạm: Xây dựng trái phép trên đất không được xây dựng công trình có kết cấu khung, vì kèo bằng thép. Ngày 19/12/2008, UBND xã Trung Văn đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công công trình vi phạm TTXD đối với ông Trần Quang Bình.

Đối với thửa đất ông Đào Đăng Ngưỡng sử dụng, ông Ngưỡng làm vườn từ những năm 1990 có nguồn gốc đất do UBND xã Trung Văn quản lý. Ông Đào Đăng Ngưỡng đã cho con trai là ông Đào Đăng Yên sử dụng, trong quá trình sử dụng, năm 2009 ông Yên đã tự ý xây dựng nhà tôn, khung sắt. Hiện, ông Yên đã tự chuyển nhượng một phần cho ông Vũ Khánh Sơn và Ngô Thị Lan (mua bán trao tay). Từ năm 2009 đến nay, UBND xã Trung Văn đã nhiều lần lập biên bản ngừng thi công công trình vi phạm TTXD, xây dựng trái phép trên đất không được xây dựng (dựng lều lán tạm, vì kèo bằng gỗ) và đình chỉ thi công.

Từ thực tế trên có thể thấy, khi phát hiện công trình vi phạm, việc lập hồ sơ xử lý vi phạm (biên bản; quyết định đình chỉ thi công công trình) chỉ được phường Trung Văn làm cho hết trách nhiệm mà không kịp thời có các biện pháp xử lý, báo cáo, tham mưu hướng giải quyết. Do đó công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua tại khu vực này luôn ẩn chứa không ít nguy cơ mất an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ. Và vụ cháy kho, xưởng đau lòng khiến 8 người thiệt mạng cuối tuần qua là điều đã được cảnh báo trước nhưng đã bị cố tình làm ngơ.

Nơm nớp những nỗi lo

Khu nhà xưởng tại ngõ 1, phố Đại Linh, phường Trung Văn không phải là khu vực duy nhất nơm nớp những nguy cơ về PCCC. Qua mục sở thị, phóng viên Kinh tế & Đô thị phát hiện có nhiều hộ gia đình “làm rác”, tập kết phế liệu ở khu vực tuyến phố Đại Linh. Các hộ làm nghề này thu gom đồng nát, mua lại nilon, chai lọ, nhựa phế thải để sản xuất, các chế phẩm tập kết trong khu dân cư khiến gia tăng nguy cơ cháy, nổ.

Tuyến đường Đại Linh thường xuất hiện xe cồng kềnh chở phế liệu. Tại các đường, ngõ ngách khu vực này thường bắt gặp những đống phế liệu chất ngổn ngang, nhiều điểm lấn chiếm cả đường giao thông. Tại các khu vườn, những vựa rác lớn được tập kết, chất thành từng đống lớn. Các loại phế phẩm bao tải, nilon còn chất rải rác khắp các ngõ ngách, gây mùi xú uế, mất mỹ quan đô thị. Những vật liệu dễ gây cháy, nổ có trong những vựa đồng nát, từ những hộ “làm rác” đang uy hiếp đến sự an toàn của người dân. Trong khi đó, các gia đình làm nghề này không lường trước được hiểm họa tiềm ẩn.

Những năm qua, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với sự phát triển của đô thị để vừa phát triển kinh tế, vừa giảm nguy cơ cháy nổ trên địa bàn. Nếu như trước đây có gần 80 gia đình làm nghề sản xuất dây thừng, dây nilon, tái chế nhựa…, hiện còn khoảng vài chục hộ.

Tuy nhiên, năm 2018, đã xảy ra 2 vụ cháy tại 2 nhà xưởng tái chế nhựa ở phố Đại Linh và vụ cháy nhà liền kề số 30, 31 BT4-1 tại Khu nhà ở Trung Văn khiến 1 người chết, 4 người bị thương. Rạng sáng ngày 12/4 vừa qua, tại ngõ 1, phố Đại Linh đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng khiến 8 người thiệt mạng. Tương tự, tại khu vực xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có nhiều hộ gia đình “làm rác”; trong đó, làng Triều Khúc là nơi có nhiều gia đình mưu sinh theo nghề này hơn cả.

Phần lớn các hộ kinh doanh đồng nát, thu gom phế liệu ở đây mua lại từ những người thu mua lẻ, sau đó tiến hành phân loại. Nhiều vựa rác trong khu dân cư ẩm thấp, bẩn thỉu và hôi hám. Tuy nhiên, theo những người làm nghề này, đã mưu sinh nghề “làm rác” thì phải chấp nhận sống chung với... mùi của rác.

Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên địa bàn phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), hàng loạt bãi trông giữ xe không phép, các nhà xưởng, nhà trọ xây tạm bợ hoặc sử dụng làm nhà xưởng không đảm bảo PCCC ngay giữa khu dân cư đông người. Đơn cử, tại khu vực KĐT Đại Kim, hàng loạt bãi rửa xe mập mờ trông giữ xe, trong đó có bãi giữ xe nằm trên phần đất chưa xây dựng của Vinaconex 2. Không PCCC, nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc, những “kho xăng” di động này đang tiềm ẩn nguy cơ chực chờ.

Nha Trang - Hồng Thái

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-chay-nha-xuong-tai-quan-nam-tu-liem-lam-8-nguoi-tu-vong-chay-nha-ra-ca-ta-chuyen-340948.html