Vụ cháu bé bị đánh dẫn đến tự tử: Nhóm người hành hung có phạm tội?

Theo luật sư, hành vi của nhóm người đánh cháu bé xâm phạm đến khách thể khác mà Bộ luật hình sự điều chỉnh, đó là trật tự nơi công cộng, nếp sống văn minh, qui tắc sống xã hội chủ nghĩa, gây bất bình trong dư luận xã hội...

Trước đó, vào khoảng 12 giờ ngày 19/9/2016, tại trước cổng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Âu Lâu, xã Âu Lâu, Thành phố Yên Bái, cháu Bùi Đoàn Quang Huy (SN 2001, là học sinh lớp 8A) đã bị một người nhà của bạn Trần Văn Đức (SN 2001) đánh gây thương tích phải nằm viện điều trị 07 ngày tại Bệnh viện Hữu nghị 103. Sau đó, cháu Bùi Đoàn Quang Huy xuất viện về gia đình. Ngày 25/9/2016, cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã tự tử tại nhà ở Thôn Cống Đá, Xã Âu Lâu, Thành phố Yên Bái.

Cháu Huy bị đánh và bắt quỳ giữ nơi đông người (Ảnh Infonet)

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Điều 37 Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam đã qui định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.

Điều 1. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 qui định về Trẻ em “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới mưới sáu tuổi”.

Điều 7. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 nghiêm cấm các hành vi: “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”

Cháu Bùi Đoàn Quang Huy đang ở lứa tuổi trẻ em, là đối tượng được sự quan tâm đặc biệt của gia đình, nhà trường, nhà nước và xã hội. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, hành vi của đối tượng đã đánh cháu Bùi Đoàn Quang Huy trước cổng trường học và bắt cháu quỳ xuống trước sự chứng kiến của nhiều người đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Mặt khác, hành vi đó của đối tượng đã gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và gây hoang mang, bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật mới đủ sức răn đe, trừng trị và phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay khi bạo lực học đường đã và đang có xu hướng gia tăng.

Xét hành vi của đối tượng là phụ huynh của cháu Trần Văn Đức đã đánh cháu Bùi Đoàn Quang Huy và bắt cháu quỳ trước nặt mọi người đã có dấu hiệu phạm Tội làm nhục người khác và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 121 và Điều 104 Bộ luật hình sự 1999.

Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, trong vụ việc này, cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã tự sát tại nhà vào ngày 25/9//2016 nên khó có căn cứ để xử lý đối tượng về các tội danh này. Bởi lẽ:

Thứ nhất, về Tội làm nhục người khác: Khách thể của tội phạm là xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người. Nghĩa là nhằm bảo vệ nhân phẩm, danh dự người bị hại đang sống. Trong vụ việc này, hiện nay cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã chết do tự sát nên không thỏa mãn dấu hiệu khách thể của tội phạm làm nhục người khác.

Mặt khác, Tội làm nhục người khác thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của người Bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự. Để xử lý đối tượng về Tội làm nhục cần thiết phải có lời khai của người bị hại để làm rõ về việc có bị nhục hay không. Bởi vì cùng bị xâm phạm như nhau nhưng có người bị thấy nhục nhưng có người lại thấy bình thường…

Thứ hai, về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì cần phải trưng cầu giám định tỷ lệ % thương tật để làm căn cứ xử lý đối tượng.Tuy rằng, hồ sơ bệnh án của cháu Bùi Đoàn Quang Huy nằm điều trị tại Bện viện Hữu nghị 103 đã xác định cháu bị chấn thương phần mềm và chấn động não nhưng do vụ việc chưa được khởi tố vụ án hình sự nên chưa được các Cơ quan tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Do đó chưa có căn cứ xác định tỷ lệ thương tật của cháu Huy.

Điều 25. Luật giám định tư pháp 2012 qui định Trưng cầu giám định tư pháp: “Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định”.

Hiện nay, cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã chết do tự sát nên không đủ điều kiện giám định tỷ lệ thương tật theo qui định của Luật giám định tư pháp là phải có đối tượng giám định (người sống).

Mặt khác, Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thuộc nhóm tội khởi tố theo yêu cầu của người Bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, do cháu đã chết vì tự sát nên không có căn cứ xử lý hình sự đối tượng đã đánh cháu gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật hình sự.

Theo luật sư Thơm, hành vi của các đối tượng tham gia đánh cháu Bùi Đoàn Quang Huy rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật. Tuy chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm về Tội làm nhục người khác và Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại về sức khỏe người khác nhưng hành vi của các đối tượng còn xâm phạm đến khách thể khác mà Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là trật tự nơi công cộng, nếp sống văn minh, qui tắc sống xã hội chủ nghĩa, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Hành vi của các đối tượng đã có dấu hiệu phạm Tội gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 245 Bộ luật hình sự 1999.

Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:

a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
b. Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;
d. Chết người;
đ. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên;
e. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên;
g. Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên;
h. Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.
Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn trên đây, thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự, an toàn xã hội...

Luật sư Thơm cho rằng: Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không.

Xét hậu quả nghiêm trọng trong vụ việc các đối tượng đánh cháu Bùi Đoàn Quang Huy là hậu quả phi vật chất đã gây ảnh hưởng rất xấu đến trật tự trị an trên địa bàn, gây bất bình trong dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các học sinh, cha mẹ học sinh trong nhà Trường bởi sự manh động, côn đồ hung hãn của các đối tượng đang tâm đánh cháu Huy ngay trước cổng Trường giờ tan học về.

"Trong vụ việc này, các cơ quan tổ chức, đoàn thể, nhà trường cần thiết phải có kiến nghị gửi các cơ quan Pháp luật đề nghị xử lý nghiêm minh hành vi của đối tượng đánh cháu Huy đã gây mất trật tự trị an, gây bất bình trong quần chúng nhân dân", luật sư Thơm nói.

Về hành vi đăng tải clip cháu Bùi Đoàn Quang Huy bị đánh lên mạng xã hội, luật sư Thơm cho rằng: Để xử lý đối với hành vi này, Cơ quan điều tra cần phải xác định người đầu tiên phát tán clip và triệu tập đến làm việc để làm rõ động cơ, mục đích.

Trong trường hợp xác định việc quay clip nhằm mục đích bêu rếu, làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cháu Bùi Đoàn Quang Huy thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật hình sự 1999 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet.

Vì cháu Bùi Đoàn Quang Huy đã chết do tự sát, nếu Cơ quan điều tra chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa việc cháu tự sát do bị đối tượng đưa clip lên mạng xã hội nhằm mục đích làm nhục cháu thì sẽ không xử lý về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự mà phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet theo Điều 226 Bộ luật hình sự.

Trường hợp người đưa clip cháu Huy bị đánh lên mạng xã hội do vô tình chứng kiến quay clip để phản ánh sự việc, không nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, làm nhục và sau đó clip được cơ quan tố tụng làm căn cứ xử lý thì hành vi quay clip đưa lên mạng xã hội không vi phạm pháp luật.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
b) Có tổ chức;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

Điều 226 Bộ luật hình sự là loại tội phạm nghiêm trọng (hình phạt cao nhất đến 07 năm tù) nên chỉ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên mới phạm tội.

Điều 12 Bộ luật hình sự qui định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khánh Công

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201610/vu-chau-be-bi-danh-dan-den-tu-tu-nhom-nguoi-hanh-hung-co-pham-toi-544204/