Vụ cây xanh đổ giữa sân trường: Đừng để điều đáng tiếc xảy ra!

Chỉ còn chưa đầy 10 phút là 6h30, toàn bộ học sinh trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh sẽ vào lớp học. Buổi sáng 26/5, bầu trời trong veo. Đêm trước chỉ có vài hạt mưa nhỏ. Bất thình lình, cây phượng 24 năm tuổi trong trường bật gốc đổ rạp.

Nhóm các em lớp 6/8 đang ngồi ăn sáng ngay dưới bóng cây đã không kịp phản ứng. Tiếng cười vụt tắt! Cả sân trường chỉ còn lại sự hoảng loạn, thất thần! Một bạn nam tử vong, 17 bạn khác bị thương phải nhập viện.

Bữa ăn sáng "định mệnh"

Nguyên nhân do gốc cây phượng đã bị mục ruỗng gây ra tai nạn hay không, kết quả còn chờ từ kết luận điều tra của cơ quan Công an. Vào những ngày này, mỗi buổi sáng trước cổng trường, người ta chỉ thấy, những cái tay nắm thật chặt của phụ huynh với con khi đưa con tới lớp, dặn dò con kỹ lưỡng trong việc đi lại, tránh xa các cây xanh trong trường.

Ngày 27/5, nhà trường vừa cho đốn bỏ một cây phượng nữa trong sân trường có số tuổi tương đương như cây đã gây ra tai nạn. Nhưng nhiều học sinh trong lớp 6/8 có bạn bị tử vong đêm về vẫn không thể ngủ. Các em ám ảnh về vụ tai nạn. Nỗi đau của các em biết bao giờ có thể nguôi ngoai!

Hiện trường vụ cây đổ tại trường THCS Bạch Đằng.

Hiện trường vụ cây đổ tại trường THCS Bạch Đằng.

Với riêng trường hợp em N.T.K. (học sinh lớp 6/8 của trường) đã bị tử vong trong vụ tai nạn thì đây là một cú sốc quá khủng khiếp với gia đình em. Trong căn nhà cấp 4 (số 18/79 đường Trần Quang Diệu), người thân em K. không khỏi bàng hoàng khi đứa con trai mới sáng hôm qua vẫn còn vui vẻ, cười đùa, khoanh tay chào cha mẹ đi học, giờ đã không còn nữa.

Ngồi lặng rất lâu, anh Nguyễn Duy Trung (54 tuổi, cha của em) mới nói trong tâm trạng đau xót: "6 giờ sáng tôi gọi con thức dậy để ăn sáng và đi học. Sáng nào cũng vậy, tôi thường hỏi con muốn ăn gì, thì cháu nói thèm ăn mì Ý. Tôi chở con đi mua hộp mì Ý rồi đưa đến trường, nó vui vẻ cười và khoanh tay chào tôi để vào trường học".

Sau khi đưa con đến trường, khoảng 7 giờ sáng, anh Trung nhận được cuộc gọi của cô giáo chủ nhiệm báo cháu K. bị tai nạn. Anh chỉ nghĩ có lẽ con anh chạy nhảy, đùa giỡn với bạn học rồi té ngã chứ không nghĩ chuyện gì khác. Nhưng anh chưa kịp đến trường thì cô giáo lại gọi điện và khóc nói, K. đã được chuyển vào bệnh viện An Sinh. Linh cảm chuyện không hay, anh nhanh chóng chạy xe vào bệnh viện.

Tới nơi anh thấy nhiều đứa trẻ mặc áo học sinh bị tai nạn nằm trên băng ca đang khóc. Anh chạy vào phòng cấp cứu thì thấy các bác sĩ đang làm hô hấp cho một cháu mặc áo học sinh. Cố nhìn kỹ, tim anh như ngừng đập khi hay tin con anh đã vĩnh viễn ra đi. Ôm con vào lòng, anh như một cái xác không hồn.

Điện thoại cứ reo mãi nhưng anh không thể nghe được, chuông cứ đổ liên tục. Rất lâu sau, anh mới lấy điện thoại ra. Vợ anh gọi. "Lúc đó, thực sự tôi không biết phải nói với vợ như thế nào. Vợ tôi vừa mới sinh được mấy ngày, cho vợ biết tin con mất thì sợ vợ không chịu thấu". Cổ cứ nghẹn lại, anh nấc thành tiếng: "Con mất rồi em ạ. Con bị cây đè mất rồi em ạ…". Hai vợ chồng òa lên khóc qua điện thoại. Anh cũng không còn đứng vững, khuỵu xuống.

Cô M là chủ nhiệm của em K., nói đứt quãng: "Bé K. ngoan, hiền, vui vẻ, học đều các môn… Khi xảy ra vụ cây ngã đè trúng học trò, tôi cũng hoảng loạn, chạy từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để nắm thông tin, thăm các em. Lòng tôi lúc đó rối bời, chỉ luôn cầu mong cho các em không có mệnh hệ gì. Vậy mà…". Cô M. bật khóc òa.

Hàng xóm và cả những người đến viếng K., ai nấy đôi mắt đều đỏ hoe, sụt sùi. Bà Nguyễn Thị Thâu, cạnh nhà của cháu K. nói trong nước mắt: "Tội nghiệp thằng bé, ăn nói hiền lành, gặp hàng xóm là lễ phép chào hỏi. Đi học về nó thường cùng với mấy đứa bạn trong hẻm chơi đùa, rồi đá banh. Mà bây giờ nó đột ngột ra đi khi mẹ nó mới sinh em được 3 ngày…".

Chị Hoàng Thị Hương, mẹ của cháu K. nằm cáng trở về từ bệnh viện để nhìn mặt con lần cuối, khóc ngất, gọi tên con trong vô vọng. Ngay trong chiều 26/5, các bác sĩ lại phải đưa chị vào bệnh viện để chăm sóc.

Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, thầy Nguyễn Văn Phúc đau lòng cho biết, cây phượng vĩ bị đổ được trồng từ năm 1996. Hàng năm, trường đều nhờ công ty Công viên cây xanh đến "mé" nhánh cây để giảm nguy hiểm khi giông lốc, mưa bão. Trích xuất camera tại trường cho thấy, do cây phượng đổ đúng về phía một số học sinh (lớp 6/8) đang ngồi ăn sáng, gây ra tai nạn.

An toàn cây xanh trong trường học đã "bỏ sót" những điều gì?

Sáng 27/5, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn khẩn đến tất cả các trường học về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích. Sở cũng yêu cầu các trường rà soát công tác ký liên tịch với địa phương nhằm đảm bảo an toàn và an ninh trật tự tại cơ sở; chủ động kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai, bão lũ, nhất là cần triển khai việc kiểm tra cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, kiểm tra đảm bảo an toàn tại các trường.

Cũng trong ngày 27/5, Công ty Công viên Cây xanh TP đã đến trường THCS Bạch Đằng và đã thực hiện đốn bỏ thêm một cây phượng ở trong trường.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện; Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật và Công ty Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với cây xanh trên địa bàn thành phố. Sở cũng yêu cầu các quận, huyện khẩn trương rà soát, kiểm tra toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong khu cơ quan, công sở, trường học...

Tuy nhiên, theo ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh, không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra những cây sắp chết vì một số cây có bề ngoài trông rất bình thường, nhưng thật ra bên trong thân cây đã bị sâu bọ, ấu trùng đục rỗng, có thể gãy, đổ bất cứ lúc nào. Nếu đơn vị quản lý chuyên môn không vững, chủ quan, bỏ qua, đến khi xảy ra sự cố thì đã quá muộn.

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị cho rằng, hiện nay nhiều nhà trường trồng quá nhiều cây như phượng, hoa sữa, bàng, cau vua… Những loài cây này thường cho hoa đẹp, ấn tượng với học sinh nhưng rất dễ gãy nhánh, đổ thân. Ở một số trường học mới xây dựng cũng đưa vào trồng những cây giống kích thước đường kính lớn từ 25 - 30cm, chiều cao từ 6 - 7m với hy vọng nhanh tạo bóng mát. Tuy nhiên, những cây này khi chuyển về trồng, rễ cái đều bị chặt bỏ nên khả năng đứng vững trước gió bão rất kém. Hơn nữa, những cây này còn rất dễ bị mục thân và chỗ cành lớn bị cắt nên nguy cơ tự đổ gãy là rất cao.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, vào đầu mỗi năm học, Sở luôn có công tác chỉ đạo vào trước mùa mưa bão. Trên 2.000 trường học đều triển khai tốt, tuy nhiên theo qui định, kể cả việc đốn cây nhà trường vẫn phải có xin phép, có cơ quan chức năng thẩm định.

Trường hợp bị thương nặng nhất - em H.M. vừa được phẫu thuật xong ngày 27/5.

Ông Lê Quang Đạo, đại diện Trung tâm quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng thành phố cho biết, cây phượng là cây hạn chế, thuộc trường quản lý. Cây phượng là loại cây không phù hợp với đô thị, đối với những cây thân có vòng khoanh trên 30cm thì cần phải đốn bỏ.

Dư luận đang có một dấu hỏi lớn với cơ quan chuyên môn, vậy lâu nay, khuyến cáo về việc nên đốn bỏ cây phượng có vòng khoanh 30cm trở lên nêu trên đã bao giờ được gửi tới Sở GD-ĐT TP hay chưa? Cần xem lại giữa các bên để có câu trả lời rốt ráo cho dư luận cũng như thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố.

Vụ việc xảy ra mới thấy, trong công tác phòng chống tai nạn thương tích cho học trò đã có nhiều vấn đề bị bỏ sót. Đó là đã thiếu sự "kết nối" trong công tác tham mưu, tư vấn cho từng trường với các đơn vị chuyên môn. Trước hết là danh mục cây xanh, cây nào nên trồng trong nhà trường, định kỳ chăm sóc ra sao cho an toàn cho học sinh, chưa có khuyến cáo rõ ràng.

Sang chấn tâm lý học trò sau tai nạn cần hết sức được quan tâm

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hay, 2 em học sinh bị thương nặng nhất trong số 8 em được đưa vào bệnh viện đã được phẫu thuật thành công. Hai em bị chấn thương rất nặng, gãy nhiều xương lớn, vỡ khung chậu.

Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận, điều trị tích cực cho các em bị thương.

Bé N.L.H.M., 11 tuổi, bị đa chấn thương và gãy 1/3 trên xương cánh tay phải, gãy bung khớp cùng chậu bên trái. Bé thứ hai là T.K.H., 12 tuổi, bị gãy 1/3 dưới xương đùi trái. Cả 2 bé đã được mổ cấp cứu. Hiện, các em đã hồi tỉnh, uống sữa được và các cuộc mổ có thể nói là thành công bước đầu.

Cũng theo Bệnh viện Nhi đồng 2, khi được đưa vào, đa phần các em trong tình trạng bị hoảng loạn tinh thần do sự việc quá bất ngờ và hốt hoảng khi nghe tin bạn học mất. Ngoài những biện pháp giúp giảm đau, các bác sỹ còn phải nâng đỡ tinh thần. Rất khó khăn mới tiến hành phẫu thuật được. Do đó, vấn đề điều trị sang chấn tâm lý cho học sinh trong vụ tai nạn là rất cần thiết. Tùy theo thể trạng từng em mà có thể bị tác động, ám ảnh vụ tai nạn lâu dài hay không.

Với những em rơi vào tình trạng "sang chấn" tâm lý thì rất cần thời gian. Tùy vào thể trạng và cảm xúc của từng em sẽ dẫn tới mức độ việc sang chấn tâm lý khác nhau. Cách hỗ trợ tâm lý ở đây có thể là cán bộ tâm lý ở trường, thầy cô hoặc chính là cha mẹ của các em cần vỗ về và động viên các em vào những ngày này, nếu em nào có biểu hiện bất thường thì cần thiết đưa tới các chuyên gia tâm lý ngay để điều trị, trị liệu kịp thời.

Trường THCS Bạch Đằng có 1.174 học sinh. Vụ việc xảy ra vào sáng 26/5 khiến 17 em học sinh bị thương phải nhập viện, 1 em bị tử vong. Ngay sau khi nhận được tin xảy ra tai nạn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo thành phố đã đến nhà riêng, viếng em học sinh tử vong do bị cây đè trong sân trường.

Đồng thời, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các cấp, các ngành của thành phố hỗ trợ kịp thời cho gia đình em N.T.K. nói riêng và gia đình các em bị thương trong vụ tai nạn. Gia đình em K. là hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Quận cũng đã chi tạm ứng 40 triệu đồng để hỗ trợ gia đình em.

H.Nga - N.Cảnh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/vu-cay-xanh-do-giua-san-truong-dung-de-dieu-dang-tiec-xay-ra-597263/