Vụ cảnh sát Mỹ giết người da đen phơi bày nguyên tắc nổ súng lỗi thời

Việc sa thải nhanh chóng viên cảnh sát bắn chết người da đen ở Atlanta, bang Goergia cho thấy cảnh sát Mỹ đang chịu sức ép lớn phải thay đổi cách xử lý các tình huống nguy hiểm.

Trước đây, theo một nguyên tắc đã có từ lâu, cảnh sát Mỹ được phép sử dụng vũ khí chết người nếu họ có nỗi sợ hợp lý rằng tính mạng của họ hay của người khác đang gặp nguy hiểm.

Tiêu chuẩn này cho phép cảnh sát có sự tự do khá lớn khi ra những quyết định sống chết chỉ trong chớp mắt, mà không phải sợ bị trừng phạt.

Nhưng sau nhiều năm sự giận dữ gia tăng về những vụ người da đen chết dưới tay cảnh sát, nhất là vụ George Floyd ở Minneapolis tháng trước, nguyên tắc và tiêu chuẩn này đang bị gạt đi nhanh chóng, New York Times dẫn ý kiến các chuyên gia.

 Một cuộc biểu tình ở Atlanta tại nơi mà nạn nhân Rayshard Brooks bị bắn chết. Ảnh: New York Times.

Một cuộc biểu tình ở Atlanta tại nơi mà nạn nhân Rayshard Brooks bị bắn chết. Ảnh: New York Times.

Hàng loạt bang sửa đổi luật về cảnh sát

“Hai tuần qua, tôi thấy nhiều nghị sĩ - cả cấp liên bang lẫn tiểu bang - nói về việc sửa đổi luật xoay quanh vũ khí chết người (của cảnh sát), và tôi thấy nhiều dự luật được đề ra hơn so với tôi từng thấy”, Seth Stoughton, giáo sư luật tại Đại học Nam Carolina, chuyên nghiên cứu về cảnh sát, nói với New York Times. “Có sự thừa nhận từ hai đảng rằng tình trạng hiện tại là không bền vững, và có điều gì đó phải thay đổi”.

Trong vòng 24 giờ sau vụ cảnh sát bắn người da đen có tên Rayshard Brooks ở Atlanta, cảnh sát trưởng đã từ chức, còn viên cảnh sát nổ súng bị sa thải.

Theo video từ camera an ninh và từ người đi đường, nạn nhân Brooks vật lộn với hai cảnh sát trước khi lấy súng bắn điện Taser của một cảnh sát và chạy đi. Một trong hai cảnh sát đã bắn Brooks khi người này bỏ chạy. Giám định pháp y cho thấy ông Brooks bị giết chết do bị bắn hai phát vào lưng, gây tổn thương nội quan và mất máu.

Cảnh sát công bố thêm video cho thấy ông Brooks và hai cảnh sát đã nói chuyện một cách bình tĩnh trong hơn 25 phút trước khi giằng co với nhau.

Một buổi thắp nến cầu nguyện cho nạn nhân thiệt mạng dưới tay cảnh sát, gần nơi George Floyd bị cảnh sát đè chết. Ảnh: New York Times.

Trong vài năm qua, một số bang đã xem xét lại luật về cảnh sát sử dụng vũ lực, nhất là sau vụ cảnh sát bắn chết Michael Brown ở Ferguson, Missouri vào tháng 8/2014, gây ra làn sóng biểu tình diện rộng. Ít nhất 16 bang đã ban hành luật mới về phạm vi dùng vũ lực của cảnh sát trong các năm 2014-2017, và ít nhất 9 bang đã sửa đổi luật để tăng sự minh bạch trong điều tra các vụ cảnh sát làm chết người.

Luật của bang Georgia, bang bao gồm thành phố Atlanta, ghi rằng cảnh sát có thể dùng vũ lực chết người nếu “nhận định một cách hợp lý” rằng nghi phạm có vũ khí chết người, trực tiếp đe dọa bạo lực, hoặc đã phạm tội danh bạo lực nghiêm trọng.

Vụ cảnh sát bắn chết ông Brooks diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa cảnh sát và người biểu tình ở Atlanta, và giữa các chính khách. Vụ việc diễn ra chỉ ba tuần sau khi vụ George Floyd gây làn sóng biểu tình toàn quốc, bao gồm cả ở Atlanta. Tại đây, có những vụ việc gây sốc được ghi lại trên video, chẳng hạn vụ cảnh sát kéo một sinh viên khỏi xe và bắn súng điện với sinh viên còn lại trên xe.

Tối 13/6, Thị trưởng Atlanta Keisha Lance Bottoms cho biết bà không coi vụ bắn chết nạn nhân Brooks là cảnh sát sử dụng vũ lực chết người một cách chính đáng, và kêu gọi viên cảnh sát phải bị sa thải ngay.

“Gió đổi chiều” đối với cảnh sát

Phản ứng của cảnh sát, bao gồm sa thải viên cảnh sát nói trên, và cảnh sát trưởng từ chức, cho thấy sức ép ngày càng tăng mà cảnh sát đang gặp phải.

Luồng gió chính trị đã đổi chiều kể từ vụ việc George Floyd, qua đó thổi sinh khí vào các nỗ lực cải tổ luật pháp, chính sách đối với cảnh sát, mà các nhà hoạt động mất hàng năm trời để vận động.

Chẳng hạn, ở New York, Thống đốc Andrew Cuomo ký một gói nhiều dự luật cấm việc dùng kỹ thuật kẹp cổ (chokehold) và hủy bỏ một điều khoản trong luật đang bảo vệ hồ sơ kỷ luật của cảnh sát khỏi bị công khai.

Thống đốc Andrew Cuomo ngày 12/6 ký các dự luật thắt chặt tiêu chuẩn áp dụng với cảnh sát ở bang New York. Ảnh: Getty Images.

Ở California, Thống đốc Gavin Newsom kêu gọi chấm dứt ngay kỹ thuật tương tự, và nói các động tác đó “không có chỗ đứng trong hoạt động của cảnh sát vào thế kỷ 21”.

Ở thủ đô Washington, D.C., hội đồng thành phố thông qua điều khoản về phạm vi cảnh sát được dùng vũ lực. Theo đó, nếu ra tòa, bồi thẩm đoàn sẽ không chỉ chú trọng liệu cảnh sát có nỗi sợ hợp lý về an toàn bản thân hay không (vốn là tiêu chuẩn từ trước đến nay), mà phải xem hành động của cảnh sát có hợp lý hay không.

Người biểu tình ở trung tâm Atlanta ngày 14/6. Ảnh: New York Times.

Việc chuyển trọng tâm sang “hành động hợp lý” dường như là nhỏ nhưng có thể là bước “xê dịch cột gôn” quan trọng khi kiện cảnh sát ra tòa.

Luật ở Washington, D.C. cũng yêu cầu bồi thẩm đoàn xem xét liệu các cảnh sát có thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng hay không, và liệu các hành động của cảnh sát trước khi dùng vũ lực có làm tăng rủi ro hay không.

“Dù sửa đổi luật không mang lại toàn bộ câu trả lời, vẫn có thể làm thay đổi văn hóa”, giáo sư luật Cynthia Lee, Đại học George Washington, ở thủ đô Washington, D.C., cho biết. “Chúng tôi muốn cảnh sát cẩn thận hơn trong những tình huống căng thẳng và chúng tôi muốn họ nhìn người khác là con người chứ không phải kẻ thù”.

Người da đen lại bị cảnh sát bắn chết, gây biểu tình sục sôi ở Mỹ Sau khi bị bắt giữ vì nồng độ cồn vượt mức cho phép, Rayshard Brooks đã kháng lệnh, giật súng điện bỏ chạy. Cảnh sát Atlanta trong lúc truy đuổi đã nổ súng khiến Brooks tử vong.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-canh-sat-my-giet-nguoi-da-den-phoi-bay-nguyen-tac-no-sung-loi-thoi-post1095987.html