Vụ can thiệp điểm dậy sóng ở Hà Giang: Không thể làm một mình?

Sau sự cố điểm thi bất thường ở Hà Giang, các cán bộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực làm thi, chấm thi cho rằng, quy trình rất chặt chẽ, một cá nhân khó có thể thực hiện được hành vi gian lận.

Sau Hà Giang, Bộ GD&ĐT cần chấm thẩm định ở một số địa phương có dư luận để trả lại tính công bằng, khách quan.

Đặc biệt, dư luận đang tiếp tục thông tin sự bất thường điểm thi ở nhiều địa phương khác. Bộ GD&ĐT cần lập đoàn công tác chấm thẩm định lại để đánh giá lại tính nghiêm túc, công bằng, khách quan của một kỳ thi quốc gia.

Một người không thể làm được

Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng khảo thí - Công nghệ (Sở GD&ĐT Tây Ninh) cho rằng quy trình giao nhận, mở phòng chứa bài thi, thùng đựng bài thi hiện nay của Bộ GD&ĐT rất chặt chẽ. Cụ thể, khi bài thi đã được niêm phong từ các điểm thi về phòng chứa bài thi, nếu muốn mở cửa phòng này phải có đủ 3 thành phần gồm: thanh tra, công an, và Ban thư ký hội đồng chấm thi trắc nghiệm.

Khi mở thùng chứa bài thi, túi chứa bài thi 3 lực lượng này phải cùng kiểm tra xem còn nguyên tem niêm phong hay không, kiểm tra chữ ký của Phó trưởng điểm thi là một cán bộ trường ĐH để so sánh với chữ ký gốc đã lưu trước đó. Nếu phát hiện chữ ký sai, niêm phong không nguyên vẹn phải lập tức báo cáo. Ngoài ra, bài thi đã ở khu vực chấm, đó là khu vực cấm, không có chuyện một cá nhân nào đó có thể can thiệp vào hay di chuyển đi nơi khác.

Cũng theo một cán bộ khảo thí với quy trình chặt chẽ như hiện nay, nếu muốn sửa điểm như báo cáo phải có ít nhất hai người gồm một người đọc và một người sửa bởi vì có nhiều mã đề dễ bị nhầm lẫn. "Vì vậy, phải có một tổ chức, đường dây thành một hệ thống thì mới can thiệp được. Cá nhân một Phó trưởng phòng khảo thí khó có thể một mình thực hiện hành vi và qua mắt được các thành phần khác", vị này nói.

Đồng quan điểm, một cán bộ có nhiều năm trong lĩnh vực khảo thí và kiểm định chất lượng cho rằng: Muốn phá vỡ một khâu nào đó trong quy trình tổ chức thi, chấm thi như hiện nay một người không thể làm được. Tất cả các khâu đều có các thành phần giám sát, niêm phong cẩn trọng.

Đặc biệt, năm nay có sự thay đổi về mặt kỹ thuật như năm nay ở việc dùng tem mỏng như tờ giấy ăn để dán các túi bài thi. Nếu có sự can thiệp, các túi chứa bài thi sẽ không còn nguyên vẹn và dễ bị phát hiện.

Ngoài ra, một trong những quy định then chốt để Bộ GD&ĐT nắm đằng chuôi nếu có sai phạm là các bài thi gốc trước khi chấm phải được quét qua máy và gửi về Bộ sau đó Bộ mới gửi đáp án cho các địa phương tiến hành chấm trắc nghiệm.

Cũng theo vị cán bộ này, quy trình rất chặt chẽ nhưng thực hiện lại bởi con người. Do đó, sai phạm vẫn có thể xảy ra giống như một ngôi nhà thậm chí đã được khóa bởi 2 lớp cửa nhưng vẫn có thợ bẻ được khóa.

Trưởng Phòng khảo thí -Kiểm định chất lượng Bà Rịa - Vũng Tàu ông Nguyễn Ngọc Trung cũng ví quy trình chấm thi hiện nay như tiền được bảo quản trong ngân hàng. Muốn lấy được bài thi ra chấm thi như lấy tiền ra, phải có đủ chữ ký, sự giám sát của ban bệ tuy nhiên đâu đó vẫn có người báo bị cướp. Ông Trung cho rằng, quy trình chặt nhưng con người làm lỏng, làm không đúng là cả một hệ thống.

Trong sự việc này, nhiều cán bộ khảo thí đều chia sẻ quan điểm, chỉ một mình Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng Vũ Đình Lương khó có thể thực hiện được. Cần phải truy trách nhiệm của các thành phần khác trong việc giám sát chấm thi liệu đã chặt chẽ, đúng quy chế hay chưa.

Cần chấm thẩm định một số địa phương

Theo các cán bộ lâu năm trong ngành giáo dục, sự kiện ở Hà Giang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín kỳ thi hai trong một mà Bộ GD&ĐT đang nỗ lực lấy được sự đồng thuận của xã hội. Nhiều địa phương cố gắng tổ chức một kỳ thi nghiêm túc nhưng chỉ một "con sâu bỏ rầu nồi canh" là chuyện đáng buồn, đáng xấu hổ cho ngành giáo dục. Vị cán bộ này phân tích, ngay từ khi kỳ thi 2 trong 1 tổ chức ở các địa phương đã nhận thấy sự bất ổn.

Ví như, việc đưa cán bộ các trường ĐH về các tỉnh vùng sâu, vùng xa coi thi. Với một người bình thường, tâm lý bao giờ cũng nghĩ học sinh vùng cao đi học còn được phát gạo, cứu đói thì nảy sinh sự thương cảm, coi lỏng đi một tý. Như vậy cũng đã không đảm bảo công bằng cho thí sinh giữa các địa phương. Chưa kể, chấm lỏng, chặt tay ở môn tự luận, thể hiện yếu tố cục bộ là điều không tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hữu Tài cho rằng, sự việc ở Hà Giang đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính nghiêm túc, khách quan của các địa phương khác. Ví dụ, có vùng trũng giáo dục nhưng điểm thi môn tự luận khá cao hay vẫn có chuyện thí sinh điểm cao đến khó tin.

"Tôi đề nghị, Bộ GD&ĐT lập đoàn chấm thẩm định ở các địa phương đang có dư luận. Phải làm tới cùng, thấu đáo để trả lại sự trong sạch, công bằng, khách quan cho ngành giáo dục". Ông Tài nhấn mạnh, người làm giáo dục, làm thầy mà đi lừa đảo thì sẽ tạo ra những lớp người lừa đảo trong xã hội.

Điều đáng nói, năm 2006, khi Bộ GD&ĐT đang rậm rịch chuẩn bị một phương thức hai trong một để thay thế kỳ thi 3 chung, Cố GS Văn Như Cương đã khẳng định trong bài viết "Hai trong một không chột cũng què" rằng: "Việc gian lận ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT tương đối phổ biến, địa phương nào cũng có và nhiều lúc mang tính tập thể, có tổ chức chu đáo và kín kẽ. Việc nhập hai kỳ thi làm một được dự kiến là lồng kỳ thi tuyển sinh vào trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ làm cho sự gian lận trong việc tuyển sinh vào ĐH - CĐ tăng lên gấp bội".

Nguyễn Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/vu-can-thiep-diem-day-song-o-ha-giang-khong-the-lam-mot-minh-1302397.tpo