Vụ cà phê trộn lõi pin: Các doanh nghiệp lừa nhau chứ sản phẩm chưa thể đến tay người tiêu dùng

Bà Dung khai, nếu không bị phát hiện lượng hồ tiêu trộn hỗn hợp tạp chất này sẽ được bán cho một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp này mua về sẽ phải phân loại rồi mới bán ra thị trường.

Liên quan đến vụ việc một cơ sở ở thu mua nông sản ở tỉnh Đắk Nông có hành vi trộn tạp chất vỏ cà phê, sỏi và pin rồi bán cho một cơ sở ở Bình Phước để trộn vào hồ tiêu nhằm tăng trọng lượng, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thượng tá Phạm Thanh Bình, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Công an tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam 5 người về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quy định tại Điều 317, Bộ luật hình sự.

Cơ quan Công an kiểm tra cơ sở sản xuất hợp chất than -pin - cà phê của bà Thanh Loan. Ảnh: báo Thanh Niên.

Các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông phê chuẩn.

5 người bị bắt gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi), Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, chồng bà Loan, xã Đăk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Phan Thị Dung (56 tuổi, trú khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi) và Trần Ngưỡng (còn gọi là Trần Văn Tuấn, 42 tuổi) cùng trú xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, Đắk Nông.

Vụ việc nghiêm trọng này đã gây ảnh hưởng lớn đến uy tín nông sản Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sáng ngày 3/5, trao đổi với Dân trí, ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành 1 (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện ông và đoàn công tác của Bộ NN&PTNT vẫn đang ở Tây Nguyên để tiếp tục phối hợp với lực lượng công an điều tra, làm rõ vụ việc trên.

Cũng theo ông Dũng, bước đầu đoàn kiểm tra xác định, vụ việc trên chủ yếu là các doanh nghiệp lừa nhau chứ sản phẩm chưa thể đến tay người tiêu dùng ngay được.

“Cơ sở bà Loan ở Đắk Nông làm ra hỗn hợp tạp chất từ vỏ cà phê, sỏi và pin, sau đó bán cho một người trung gian và người này bán lại cho cơ sở của bà Dung ở Bình Phước. Bà Dung mua hỗn hợp này về để trộn vào hồ tiêu xô (hồ tiêu chưa phân loại, gồm cả hạt to, hạt nhỏ và hạt lép) nhằm tăng trọng lượng.

Bà Dung khai, nếu không bị phát hiện lượng hồ tiêu trộn hỗn hợp tạp chất này sẽ được bán cho một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp này mua về sẽ phải phân loại rồi mới bán ra thị trường.

Do đó, vụ việc này chủ yếu là doanh nghiệp lừa nhau, phải qua vài khâu nữa hỗn hợp tiêu trộn tạp chất này mới được bán đến tay người tiêu dùng”, ông Dũng giải thích.

Hiện, số lượng cà phê trộn lõi pin chưa được tung ra thị trường. Ảnh: báo Lao Động.

Trước đó, cơ sở thu mua nông sản của bà Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, chủ cơ sở sản xuất hỗn hợp vỏ cà phê - sỏi - than pin bị Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh bắt quả tang vào chiều ngày 15/4.

Tại hiện trường cơ quan chức năng phát hiện khoảng 15 tấn cà phê có trộn lẫn các hóa chất trên và nhuộm đen bằng lõi pin.

Bước đầu khai nhận với cảnh sát, bà Loan cho hay, cơ sở do bà làm chủ ở thôn 13, xã Đắk Wer hoạt động từ năm 2016, có giấy đăng ký kinh doanh thu mua nông sản.

Bà Loan thừa nhận sử dụng vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ và pin trộn lại với nhau để tạo ra sản phẩm bán kiếm lời. Toàn bộ quy trình đều do bà Loan nghĩ ra.

Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Yến Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/vu-ca-phe-tron-loi-pin-cac-doanh-nghiep-lua-nhau-chu-san-pham-chua-the-den-tay-nguoi-tieu-dung-2735794.html