Vụ 'cá cược' Brexit của bà Theresa May

Thủ tướng Anh Theresa May sẽ tìm cách thuyết phục các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về các kế hoạch của bà trong cuộc họp thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Salzburg (Áo) vào ngày 20/9, trong bối cảnh hạn chót để Anh rời khỏi liên minh ngày càng tới gần.

Chặng đầu trong tiến trình lịch sử

Anh dự kiến sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019 song các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ. Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo EU tại Salzburg tuần này sẽ là chặng đầu tiên trong hành trình tìm kiếm thỏa thuận lịch sử giữa Anh và EU, với các cuộc họp cấp cao khác trong tháng 10 và tháng 11 tới.

Thủ tướng Anh Theresa May đến Premier tại Brussels, Bỉ, 22/3. (Nguồn: Reuters)

Các nhà đàm phán thậm chí đã bắt đầu cân nhắc lộ trình cho thỏa thuận cuối cùng, với kỳ vọng có thể hoàn tất tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào giữa tháng 11 tới. Các cuộc thảo luận về những vấn đề khó khăn nhất, trong đó có vấn đề về đường biên giới với Ireland – đã bớt căng thẳng khi cả hai bên đều tỏ thái độ tích cực hướng đến tìm giải pháp chung.

Dự thảo kế hoạch chi tiết về mối quan hệ tương lai chưa được thực sự nhắc đến và vẫn còn nhiều khúc mắc cũng như bất đồng về kế hoạch Chequers, liên quan đến tự do trung chuyển hàng hóa, của Thủ tướng May. Tuy nhiên, đó vẫn được xem là phần dễ dàng hơn trong hàng loạt thử thách của bà May, bởi vấn đề chính nằm ở chỗ bà sẽ thuyết phục các nghị sỹ Anh hoài nghi châu Âu như thế nào.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin BBC, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, các nghị sỹ sẽ phải lựa chọn giữa việc chấp nhận thỏa thuận với EU do bà đề xuất, hay còn gọi là thỏa thuận Chequers, hoặc sẽ không có thỏa thuận nào hết. Nhà lãnh đạo Anh cũng chỉ trích kế hoạch của phe ủng hộ Brexit trong việc xử lý vấn đề biên giới với Ireland, cho rằng những quyết định này sẽ dẫn đến việc hình thành “đường biên giới cứng kéo dài 20km giữa phần Bắc và Nam đảo Ireland”. Bắc Ireland là một phần của Liên hiệp Vương quốc Anh và sẽ rời EU dù nằm chung một hòn đảo với Cộng hòa Ireland, thành viên EU.

"Bài toán" nội bộ

Pascal Lamy, cựu ủy viên EU, cựu Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bình luận: “Đây không phải là một cuộc đàm phán giữa EU và Anh. Những gì cần đàm phán đã được đàm phán. Đây là cuộc đàm phán nội bộ của London giữa 'phe ở lại' và 'phe Brexit'”.

Ông Lamy cho rằng, khó khăn tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng sẽ là làm thế nào để giải tỏa những căng thẳng tại Brussels nhằm tìm kế sách cho những vấn đề tại London. Ông Lamy và một số nhà đàm phán cấp cao của EU thậm chí còn cho rằng khả năng thỏa thuận thành công chỉ là 50% bởi nguy cơ Hạ viện sẽ không thông qua thỏa thuận này.

Ivan Rogers, cựu Đại sứ Anh tại EU, cảnh báo rằng các thị trường đang đánh giá thấp nguy cơ “sảy chân vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng”. Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ “các bên đều hiểu sai động cơ thực sự và những khúc mắc chính trị mà phía bên kia gặp phải”.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh vẫn kiên định cho rằng mọi tuyên bố về tương lai cần phải rõ ràng và cụ thể, mở đường cho những dàn xếp hợp lý và tạo điều kiện cho những sự dịch chuyển tự do (cả hàng hóa và con người) như đã được đề cập tới trong thỏa thuận Chequers.

Tuy nhiên, giới chức cả hai phía không mấy tự tin vào mục tiêu này khi thời hạn chót ngày càng tới gần. Thậm chí nhiều người còn lo ngại thỏa thuận cuối sẽ không thực sự chi tiết. Một quan chức châu Âu phụ trách vấn đề Brexit nói: “Người Anh có thể sẽ nhận ra rằng họ sẽ được lợi nhiều nhất nếu tránh đi vào chi tiết. Song thực tế là họ chưa hiểu rõ điều này, chúng tôi cần cho họ thêm thời gian”.

Kịch bản này sẽ dẫn tới việc nước Anh vào ngày “ra đi” thiếu một định hướng rõ ràng về tương lai với đối tác thương mại lớn nhất của mình, song đúng như quan chức trên bình luận: “Họ còn có thể kỳ vọng gì nhiều hơn thế? Động lực đàm phán sẽ còn thay đổi rất nhiều lần trước khi chúng tôi thực sự đạt được thỏa thuận cuối cùng. Điều đó mới là thực tế”.

Một số quan chức ủng hộ Brexit, trong đó có Bộ trưởng Môi trường Michael Gove, có thể sẽ ủng hộ kế hoạch của Thủ tướng May chỉ để đảm bảo rằng Anh sẽ tuân thủ đúng lộ trình rời khỏi EU vào tháng 3/2019 và chấp nhận để các chi tiết của kế hoạch được bổ sung dần dần trong tương lai. Ông tuyên bố: “Một thủ tướng Anh tương lai phải là người biết cách xử lý mối quan hệ (với EU)”.

Hiện tại Brexit vẫn đang làm xáo trộn nội bộ Anh. (Nguồn: BBC)

Do hiến pháp hay con người?

Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson nhận định, các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề cho tới nay là một sự “hủy diệt hiến pháp”. Trong khi đó, gương mặt tiêu biểu trong phong trào Brexit, Jacob Rees-Mogg, cho rằng Thủ tướng May cần “nỗ lực thêm chút nữa” để đạt được thỏa thuận tốt hơn.

Bà May đưa ra các đề xuất đối với vấn đề then chốt trong quan hệ thương mại qua biên giới sau khi có cuộc họp thượng đỉnh tại Chequers hồi tháng 7. Tuy nhiên, các nội dung trên đã bị phe ủng hộ Brexit chỉ trích gay gắt. Trả lời trong chương trình Panorama của BBC, bà nhấn mạnh, nếu Quốc hội không thông qua kế hoạch Chequers thì “tôi nghĩ rằng lựa chọn thay thế sẽ là không có thỏa thuận nào hết”.

Còn theo phóng viên chuyên về chính trị của BBC Laura Kuensberg, nhà lãnh đạo Anh đánh cược rằng khi phải đối diện giữa việc chấp nhận thỏa thuận Chequers với việc không có thỏa thuận nào, phe Brexit sẽ không “dám” phủi bỏ trong khi phe ủng hộ phương án “Ở lại” sẽ thấy rằng việc tiếp tục đấu tranh với kế hoạch này đi kèm quá nhiều rủi ro. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là ở chỗ chính bản thân Thủ tướng May cũng không thể dám chắc về nội dung thỏa thuận cuối cùng, và thực tế là một số nghị sỹ thuộc phe Brexit đã khẳng định chắc chắn không bỏ phiếu ủng hộ.

Trong bài viết trên nhật báo Telegraph số ra ngày 17/9, cựu Bộ trưởng Boris Johnson tiếp tục công kích đề xuất Chequers và các kế hoạch của Chính phủ trong việc tránh các biện pháp kiểm tra mới tại đường biên giới Bắc Ireland. Ông chỉ trích quyết định của Chính phủ Anh trong việc đồng ý với EU về nhu cầu cần có một “chốt chặn cuối” để tránh việc có đường biên giới cứng, bất kể thỏa thuận thương mại sẽ ra sao.

Ông Boris Johnson cho rằng, vấn đề này đang bị lợi dụng để “ép buộc Anh phải trở thành một nước chư hầu của Brussels”. Văn phòng Thủ tướng Anh chỉ trích bài bình luận của ông Johnson và cho rằng chính ông cũng từng là một phần trong chính phủ ký kết kế hoạch về “chốt chặn cuối” này.

Thu Hiền

(theo Financial Times)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vu-ca-cuoc-brexit-cua-ba-theresa-may-78120.html