Vụ 'cả bản' kéo đến hiện trường TNGT đòi bồi thường 400 triệu: Phép vua thua lệ... bản!?

Dư luận đang xôn xao bởi vụ việc hàng trăm người thân, họ hàng, bạn bè của nạn nhân kéo đến hiện trường vụ TNGT đòi bồi thường 400 triệu đồng tại Lào Cai. Cơ quan chức năng và luật sư nói gì về vụ việc này?

Hơn 100 người kéo đến đòi bồi thường tại chỗ 400 triệu đồng

Theo đó, vào khoảng 12h trưa ngày 1/3 tại Km108+600 QL4D, Hạng A Câu (SN 2004), trú tại xã Sa Pả điều khiển xe máy BKS 24B2-150.50 lưu thông trên QL4D theo hướng Lào Cai - Sa Pa đến Km108+600 đoạn qua xã Sa Pả đã đâm trực diện vào xe ô tô 4 chỗ BKS 24A-029.19 do Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1989, trú tại TP Lào Cai) điều khiển lưu thông chiều ngược lại.

Cú va chạm mạnh khiến Hạng A Câu bay về phía sau xe con ngã xuống đường và bị một chiếc ô tô đi phía sau chèn qua đầu tử vong tại chỗ.

Sau khi nhận tin tai nạn, hàng trăm người thân, bạn bè của nạn nhân đã kéo đến hiện trường ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giải quyết tai nạn, phân luồng giao thông khiến tuyến QL4D bị ùn tắc cục bộ.

 Rất nhiều người vây đến hiện trường vụ tai nạn (ảnh: otofun).

Rất nhiều người vây đến hiện trường vụ tai nạn (ảnh: otofun).

“Những người thân của nạn nhân đã yêu cầu phải bồi thường 400 triệu đồng mới cho lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, giải quyết vụ việc. Họ đứng vây xung quanh thi thể nạn nhân không cho cơ quan chức năng di chuyển thi thể. Lực lượng chức năng đã phối hợp với lãnh đạo địa phương thương lượng nhiều giờ đồng hồ nhưng không được. Chỉ đến khi lái xe ô tô con đưa cho gia đình 200 triệu đồng, họ mới chấp nhận” – một cán bộ của Đội TTKS số 7 CSGT Công an tỉnh Lào Cai cho biết.

Một vị lãnh đạo xã Sa Pả (Sa Pa) cũng khẳng định thông tin giống như trên. Vụ TNGT đã khiến tuyến QL4D ùn tắc suốt 5 tiếng đồng hồ. Ngay sau khi người dân rời khỏi hiện trường, lực lượng CSGT và Công an huyện Sa Pa đã khẩn trương khám nghiệm hiện trường, phân luồng giao thông. Đến 21h cùng ngày, giao thông trên QL4D mới được thông suốt.

* Cơ quan chức năng nói gì?

Trong một diễn biến khác, báo điện tử VOV.VN dẫn lời ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lào Cai, quan điểm xử lý là cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ ai đúng, ai sai; sau đó sẽ xem xét các vấn đề về bảo hiểm, chế độ chính sách để có hướng giải quyết chứ không thể tùy tiện.

“Chúng tôi sẽ có văn bản trước hết yêu cầu Công an huyện Sa Pa phải điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý rõ ràng, nghiêm túc theo quy định của pháp luật”, ông Sơn khẳng định.

Về việc gia đình, người dân địa phương ùn ùn kéo đến đòi lái xe ô tô bồi thường 400 triệu không cho đặt cọc, gây ách tắc, cản trở giao thông; cuối cùng phía lái xe ô tô phải đưa ra 200 triệu mới tạm yên, ông Sơn cho biết hành vi này là trái pháp luật vì không theo quy định nào.

“Rất tiếc không hiểu sao lực lượng chức năng địa phương có mặt tại đó nhưng lại để xảy ra vụ việc này khi còn chưa xác định rõ bên đúng bên sai. Trước mắt, vì việc đã rồi nên coi như đó là tiền tạm ứng. Còn sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ, nếu lái xe ô tô đi đúng thì bên kia sẽ phải trả lại số tiền”, ông Sơn nhấn mạnh với PV VOV.

Có thể phải chịu trách nhiệm về tội Chống người thi hành công vụ?

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh chia sẻ quan điểm về vụ tai nạn giao thông nói trên như sau:

“Dưới góc độ pháp lý, đây là vụ việc tai nạn giao thông đường bộ giữa phương tiện ô tô và xe mô tô gây hậu quả nghiêm trọng làm 1 người điều khiển xe mô tô tử vong.

Để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cần xác định lỗi các bên vi phạm.

Nếu bên nào có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 BLHS 2015.

Trường hợp, có căn cứ xác định lái xe ô tô không có lỗi vi phạm gây ra hậu quả chết người thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Khi đó việc bồi thường dân sự do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ đưa vụ việc ra Tòa án giải quyết theo trình tự dân sự.

Hiện trường vụ tai nạn.

Theo quy định tại Quyết định 18/2007/QĐ - BCA của Bộ Công an ban hành quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, việc điều tra khi xảy ra tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì phải báo cáo ngay cho đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý điều tra theo quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng cảnh sát.

CSGT hoặc các lực lượng Cảnh sát khác khi đến nơi xảy ra tai nạn giao thông cần làm ngay những việc như: Đánh dấu vị trí người bị nạn đã chết và che đậy nạn nhân; Trường hợp người bị nạn đã chết có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự đi lại, thì đánh dấu vị trí người bị nạn rồi đưa vào lề đường che đậy lại.

Cùng với đó, kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản; Tổ chức bảo vệ hiện trường; Khám nghiệm hiện trường thông báo cho gia đình người bị nạn, ghi lời khai, …

Theo thông tin ban đầu, các lực lượng chức năng khi biết tin về vụ tai nạn đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đã kéo ra khu vực hiện trường vụ tai nạn gây mất trật tự nhằm mục đích "bắt đền tài xế" xe ô tô con phải bồi thường 400 triệu đồng vì đã làm chết người.

Việc người nhà nạn nhân cùng nhiều người dân địa phương đòi lái xe ô tô 400 triệu vì làm chết người nhà họ đó là yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự. Tại thời điểm đó, có thể do họ bức xúc, chưa biết đúng sai giữa các bên nhưng thấy người nhà bị chết nên họ yêu cầu lái xe ô tô bồi thường tiền trước để lo các chi phí.

Quan trọng là việc bồi thường này đã được lái xe ô tô và gia đình họ thỏa thuận bồi thường ngay 200 triệu trước sự chứng kiến của cơ quan pháp luật.

Trường hợp, nếu gia đình nạn nhân đưa ra yêu cầu lái xe ô tô bồi thường mà lái xe ô tô không đồng ý và họ có sử dụng vũ lực bắt ép lái xe ô tô phải trả tiền thì khi đó mới có dấu hiệu phạm tội Cướp tài sản theo Điều 168 BLHS.

Riêng việc một số người dân có hành vi quá khích, say rượu nếu có hành vi gây mất trật tự, cản trở việc đưa thi thể ra khỏi hiện trường, cản trở điều tra giải quyết tai nạn giao thông thì tùy theo tính chất mức độ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 BLHS 2015”.

Vũ Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/giao-thong-bot/nong-vu-ca-ban-keo-den-hien-truong-tngt-doi-boi-thuong-400-trieu-phep-vua-thua-le-ban-66102.html