Vụ buôn lậu xe sang: Không mua bán vẫn bị xử tội chủ mưu buôn lậu

Buôn lậu là hành vi mua bán trái phép qua biên giới, nhưng ở vụ 'buôn lậu xe sang', các bị cáo dù không mua, không bán vẫn bị cáo buộc là chủ thể buôn lậu.

Một chủ salon ô tô được triệu tập ra trước tòa. Ảnh: Lao Động

Sáng 10.9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Quang Vinh (SN 1982), Trần Phước Thạnh (SN 1967), Trần Thái Nguyên (SN 1982) và Nguyễn Giang Lam (SN 1975, nguyên cán bộ Phòng PA72 – Công an TP.HCM) về hành vi Buôn lậu trong vụ án đường dây tiêu thụ xe sang. Ngoài ra, trong vụ án còn có bị cáo Bùi Khắc Hà (SN 1975 – nguyên cán bộ Bộ Công an) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cáo trạng cáo buộc Vinh, Thạnh, Lam là chủ mưu. Tuy nhiên, tại tòa, các bị cáo đều khẳng định không phải chủ mưu. Bị cáo Vinh khai chỉ làm dịch vụ từ việc tìm Việt kiều mua tiêu chuẩn nhập xe hơi miễn thuế và làm thủ tục nhập xe, nhận xe về.

“Bị cáo được 2 chủ salon xe ở Bình Chánh và 1 ở Hà Nội đặt vấn đề trên. Mỗi suất tiêu chuẩn, bị cáo được hưởng 12.000USD. Bị cáo giao cho Lam tìm kiếm giúp vì Lam làm ở Phòng xuất nhập cảnh”, bị cáo Vinh khai.

Phù hợp với lời khai chỉ làm dịch vụ của Vinh, bị cáo Thạnh khai nhận hồ sơ từ Vinh đi đăng ký. Còn Nguyên thì lo thủ tục nhận xe ra khỏi cảng. Nguyên khai nhận xe mang về cho các chủ salon, giấy tờ đưa lại cho Vinh.

Bị cáo Vinh khai bị cáo Lam tìm được 36 Việt kiều có suất tiêu chuẩn nhập ô tô miễn thuế, mỗi suất Lam được trả 10.000USD. Số tiền này, Lam chia lại cho các Việt kiều bao nhiêu Vinh không nắm rõ. Nguyên lại khai chỉ biết Lam giới thiệu 16 Việt kiều và có một lần thừa lệnh của Vinh đưa cho Lam một phong bì. Phong bì đó, Nguyên nghi ngờ là tiền.

Bị cáo Lam khai: “Nếu Vinh nói bị cáo nhận tiền mỗi suất tiêu chuẩn là 10.000USD thì phải đưa ra chứng cứ. Tại sao bị cáo và Vinh bị truy tố ngang nhau nhưng Vinh được tại ngoại, còn bị cáo thì không. Lúc tại ngoại, Vinh khai khác. Vinh nói bị cáo có thỏa thuận nhưng trên thực tế cơ quan điều tra chỉ thu thập được 2 bản photo”.

Vị đại diện VKS vẫn cương quyết cho rằng các bị cáo là chủ mưu trong vụ “buôn lậu”. Theo đó, VKS đề nghị bị cáo Hà mức án từ 9 - 10 năm tù, Vinh từ 16 - 17 năm tù, Thạnh từ 13 - 14 năm tù, Nguyên từ 11 - 12 năm tù, Lam từ 16 - 17 năm tù.

Các bị cáo bị cáo buộc tội buôn lậu tại tòa.

Bào chữa cho bị cáo Lam, LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng, vụ án vẫn chưa xác định được chủ mưu, chưa xác định được vai trò của các bị cáo trong vụ án.

“Bởi lẽ, số tiền được miễn thuế đến 162 tỷ đồng. Trong khi các bị cáo chỉ nhận được gần 10 tỷ đồng. Số tiền 150 tỷ còn lại, ai hưởng lợi? Cần chứng minh được dòng tiền chứ không phải quy chụp bị cáo Lam là chủ mưu, làm thiệt hại 162 tỷ đồng tiền thuế (nếu không được miễn)”, LS Quynh nói.

Đại diện VKS cho rằng, việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội. “Không có một người nào buôn lậu mà dám vỗ ngực xưng “buôn lậu”. Các bị cáo khai chủ salon là chủ mưu nhưng không chứng minh được việc đưa tiền từ chủ salon cho các bị cáo. Chủ salon cũng khẳng định không thể đưa một số tiền lớn cho một bên thứ 3 (Việt kiều) mà không biết mặt, không biết tên. Chủ salon nói rằng nếu sau này Việt kiều không trả xe thì làm sao đòi lại được. Vì thế không có căn cứ nói chủ salon là chủ mưu”, vị đại diện VKS nói.

Việc đối đáp vẫn diễn ra căng thẳng giữa VKS và các luật sư bào chữa.

Kỳ Sanh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/phap-luat/vu-buon-lau-xe-sang-khong-mua-ban-van-bi-xu-toi-chu-muu-buon-lau-911498.html