Vụ BS Lương: Công ty Thiên Sơn bị tố vô lương tâm, vô trách nhiệm

Một cuộc tranh luận gay gắt giữa hai luật sư đã nổ ra tại phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương chiều 23/5. Đáng chú ý, một người luật sư bảo vệ quyền lợi cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, một người là đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Sơn.

Trong phiên tòa, luật sư Nguyễn Danh Huế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình, còn luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn.

Trước đó, đối đáp lại quan điểm của luật sư Nguyễn Tiến Dũng, người bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh), bà Hương khẳng định Hợp đồng (HĐ) số 05 giữa Công ty Thiên Sơn với Công ty Trâm Anh có giá trị pháp lý. Việc Bùi Mạnh Quốc khai HĐ ký sau khi xảy ra sự cố không làm mất đi bản chất là Quốc đã ký HĐ với Công ty Thiên Sơn.

Việc luật sư Dũng nói rằng xét nghiệm AAMI chưa được thực hiện, luật sư Hương khẳng định xét nghiệm này là trách nhiệm của Công ty Trâm Anh.

Đáp lại quan điểm của luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, luật sư Nguyễn Danh Huế khẳng định BVĐK tỉnh Hòa Bình không có trách nhiệm phải biết Công ty Trâm Anh là ai mà chỉ có trách nhiệm làm việc với Công ty Thiên Sơn.

Theo HĐ đã ký kết giữa hai bên, cũng như căn cứ vào Luật Đấu thầu, hành vi chuyển nhượng thầu của Thiên Sơn cho Trâm Anh là trái pháp luật theo quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu. Luật quy định chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị HĐ nhưng Thiên Sơn đã bán 100% trong khi không đưa Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ.

Chính vì vậy, luật sư Huế đề nghị HĐXX làm rõ trách nhiệm của Công ty Thiên Sơn.

Đặt câu hỏi xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không, luật sư Huế đề nghị HĐXX triệu tập các chuyên gia hoặc Hội đồng chuyên môn Sở Y tế tỉnh Hòa Bình để làm rõ nội dung này.

Hợp tác giữa Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình từ năm 2009, từ đó đến nay các máy chạy thận chưa một ngày nào ngừng nghỉ, đồng nghĩa với việc Công ty Thiên Sơn chưa một ngày nào ngừng thu tiền.

Tuy nhiên, cho dù thực tế công tác kiểm tra giám sát, điều hành của người đứng đầu bệnh viện là chưa đầy đủ, nhưng tại sao Thiên Sơn không yêu cầu xét nghiệm, đại diện Thiên Sơn luôn nói rằng người của Công ty luôn có mặt ở đó.

“Công ty Thiên Sơn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô lương tâm, vô trách nhiệm. Họ không hề có người nào đứng ra giám sát việc sử dụng vật tư thiết bị. Sự vô lương tâm này là nguyên nhân dẫn đến 9 nạn nhân tử vong”, luật sư Huế nhấn mạnh.

Tôi kiến nghị VKS và HĐXX buộc Công ty Thiên Sơn phải bồi thường cho nạn nhân, khởi tố hình sự với ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, đánh tan lợi ích nhóm trong y tế”, luật sư Huế nói.

Mặc dù đã được lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ liên tục nhắc nhở không vỗ tay, nhưng người nhà nạn nhân theo dõi phiên tòa tại qua màn hình tại phòng báo chí liên tục vỗ tay tán thưởng khi luật sư Nguyễn Danh Huế đối đáp với đại diện của Công ty Thiên Sơn.

Đáp lời luật sư Huế, bà Nguyễn Thị Đinh Hương nói: “Đề nghị luật sư Huế tôn trọng thân chủ của tôi, không lăng mạ thân chủ của tôi trước Tòa”.

Bà Hương cũng một lần nữa khẳng định không có đủ cơ sở để buộc Thiên Sơn phải bồi thường cho các nạn nhân, cũng như không có đủ cơ sở yêu cầu khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn.

Lúc này, ông Đỗ Đình Vận - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình tỏ ra giận giữ với đại diện Công ty Thiên Sơn có mặt tại tòa: “Thiên Sơn sửa chữa cho bệnh viện rất nhiều lần, nhưng tại sao không có cảnh báo, không có chương trình để chúng tôi có kế hoạch thực hiện chạy thận”.

PV

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-bs-luong-cong-ty-thien-son-bi-to-vo-luong-tam-vo-trach-nhiem-post263217.info